Chủ tịch Bến Tre: Lãnh đạo có "sân sau" là tối kỵ
Tôi đi nhiều huyện, làm cả chủ tịch, bí thư nhưng thực tế chứng minh tôi chả bao giờ tham gia một dự án nào cả, đó là điều tối kỵ
Rất xin lỗi hỏi ông câu hỏi tế nhị này, nhiều chuyên gia cho rằng ở Việt Nam doanh nghiệp làm ăn ngay ngắn thường khốn đốn bởi doanh nghiệp "sân sau" đã thành "phong trào", ông có doanh nghiệp "sân sau" không?
Tôi không có, bà xã tôi làm bác sỹ, con trai duy nhất là sỹ quan biên phòng nên tôi cũng không có nhu cầu "sân sau".
Tôi trước đây cũng từ doanh nghiệp mà ra, mánh mung cuộc sống đều biết hết, khi làm lãnh đạo thì cũng có nhiều người đặt vấn đề khi có dự án ra đời, anh có một phần trong đó. Tôi đi nhiều huyện, làm cả chủ tịch, bí thư nhưng thực tế chứng minh tôi chả bao giờ tham gia một dự án nào cả. Đó là điều tối kỵ. Nên tôi nói gì cũng rất thẳng.
Đó là một đoạn hỏi - đáp trong cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng bên lề hội nghị về môi trường kinh doanh qua kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn ra mới đây.
Bên cạnh câu hỏi trên, Chủ tịch Trọng cũng không ngần ngại trả lời về "văn hoá phong bì" hay bị dân kiện ra toà và từng thua cuộc.
Tôi chơi Facebook bình thường
Ngoài chuyện khách quan, công tâm thì theo ông doanh nghiệp cần nhất điều gì ở chính quyền?
Đa số là họ cần thông tin. Hai là gỡ vướng về hồ sơ. Ba là về xử phạt. Doanh nghiệp nào cũng lợi nhuận là trên hết. Có khi lúc có cơ hội thì phải tranh thủ, gấp rút về đơn hàng nên cũng có cái sai, vậy khi phạt rồi họ cũng mong cơ quan chức năng cố gắng giãn ra giùm.
Thật ra, với sự cảm nhận riêng mình cũng biết được doanh nghiệp nào chỉ nói mà không làm và doanh nghiệp nào làm đến đâu. Nếu họ làm thì tạo điều kiện hết cỡ, chứ ông không làm mà chỉ nói thôi thì…
Ông có dùng mạng xã hội để giao tiếp với doanh nghiệp và người dân không?
Có chứ, tôi có facebook, chơi facebook bình thường. Mấy vụ lên nhận thưởng này kia (gần đây là nhận kỷ niệm chương khi được xếp hạng thứ 4 về PCI-PV) tôi đưa lên, anh em comment rất nhiều, tôi cũng trả lời.
Kể cả vấn đề đền bù, giải tỏa tôi cũng đưa lên, có vụ thì livestream trao đổi luôn. Cũng có người tố Chủ tịch tỉnh chứ, vì được người này thì mất người khác. Phương án phòng chống lụt bão vừa rồi cũng vậy, tôi cũng đưa lên mạng xã hội, phương án nên chằng nhà ra sao, giằng néo như thế nào, dưới góc độ làm trưởng ban phòng chống lụt bão, tóm lại tôi vẫn chơi Facebook bình thường.
Vậy ông có nhìn nhận Facebook là kênh thông tin hữu ích với lãnh đạo?
Hữu ích chứ! Nhưng thẳng thắn với nhau, có những thông tin phải bỏ qua, không comment, không tham gia tranh luận, có cái để biết mà thôi. Bởi góc độ, tầm nhìn, vị trí thì không thể bàn sâu hơn. Có nhiều người muốn lôi kéo mình vào, nhưng mình biết ngưng ở đâu thôi.
Cà phê doanh nhân từng được cổ vũ nhân rộng nhưng một số nơi doanh nghiệp cũng không còn nhiệt tình nữa.Có doanh nghiệp nói nhiều khi đến đó xong thì chỉ làm hình ảnh cho địa phương thôi chứ vấn đề của doanh nghiệp thì đề nghị mãi cũng chả được, Bến Tre thì sao, thưa ông?
Bến Tre thì khác, tôi không bao giờ để ông phó chủ tịch phải đến thay Chủ tịch. Doanh nhân ai quan tâm cứ đến, cứ mỗi ông một tô phở đi, rồi ra ngồi cà phê. Bắt đầu là tôi hỏi, tháng qua có ông nào có bức xúc gì không, cứ nói và tôi trực tiếp trả lời.
Ngoài tôi dự còn có các giám đốc sở, nếu ông nào vắng tôi trực tiếp điện lên luôn, kể cả các huyện để rõ luôn là kiến nghị của doanh nghiệp liên quan ông nào, tại sao chậm thế.
Chẳng hạn như việc chuyển đổi cơ sở gây ô nhiễm, có doanh nghiệp phản ánh là ông xã không cho, tôi điện hỏi trực tiếp ngay. Huyện bảo không phải không cho, mà vì ông chưa làm xong cơ sở sao tôi cho đánh giá được. Rồi khi xây dựng thì chủ doanh nghiệp không báo cho chính quyền, nên không đánh giá được thiết bị, giờ phải đợi mấy sở chức năng. Vậy là đợi tuần sau, ông giám đốc sở xuống, phối hợp trả lời cho doanh nghiệp.
Tôi hầu toà liên tục
Ông có lần nào bị doanh nghiệp hay người dân kiện ra tòa chưa?
Có chứ, trời ơi! Tôi hầu tòa liên tục. Chuyện bình thường. Trung bình 1 tháng không dưới 10 vụ.
Ông trực tiếp hầu tòa sao?
Có vụ tôi ủy quyền, vụ nào căng thẳng quá thì tôi mới đi.
Những vụ trực tiếp đi thì ông thua hay thắng?
Tôi thua không nhiều. Năm nay thua khoảng 3 vụ trên tổng số hơn 60 vụ. Đương nhiên, thua thì bồi thường, sòng phẳng. Thế thôi.
Tôi nghĩ đi hầu tòa là chuyện bình thường vì đó là quyết định của mình. Mình phải đi để khẳng định quyết định của mình là đúng. Dĩ nhiên cũng không tham gia hết được, thì phải dùng cơ chế và nhất là không để tòa bị ngưng trệ. Ở đây tôi dùng cơ chế người đại diện, ví dụ lĩnh vực tài nguyên thì ai đang xử lý vụ đó thì nhờ ông đó làm đại diện, giống kiểu anh mướn luật sư đó.
Đây là cách để giải quyết mấy chỗ vướng mắc mà nhiều lãnh đạo địa phương nói là không có thời gian đi hầu tòa đấy. Với tôi không thành vấn đề. Khi ông chánh án triệu tập thì việc đầu tiên là tôi sẽ giải trình, sau đó nếu không dự được thì có văn bản xin vắng mặt, ủy quyền cho người đại diện, toàn bộ nghĩa vụ, quyền lợi giao cho người đó. Người đó tham dự phiên tòa, nếu người đó cãi không thắng thì… tôi thua. Thế thôi.
Ông nghĩ sao khi ông nói ông không có "sân sau", không có áp lực gì về kinh tế nhưng 38% doanh nghiệp địa phương tham gia khảo sát vẫn trả lời là phải mất chi phí không chính thức. Dù tỷ lệ này thấp nhất cả nước (cả nước trung bình là 55%) nhưng vẫn là có?
Cũng buồn cười lắm, nhiều doanh nghiệp đến với tỉnh, như trong Nam thì thì dễ lắm, rủ đi nhậu. Còn doanh nghiệp ngoài Bắc thì không vậy, vào đây là cứ đăng ký gặp mình cái rồi họ cho mình cái phong bì. Chứ mình đâu có đòi hỏi gì.. Nhưng mà cũng đâu dễ từ chối. Ví dụ ông nào đó bỏ vào cuốn sổ, mình không biết, đến lúc mình lật ra thì thấy, gọi trả lại không được, thì làm sao?
Vậy khi Cà phê doanh nhân sao ông không nói họ đừng duy trì văn hoá đó nữa?
Nói chớ, doanh nghiệp trong tỉnh khi đến thì chẳng bao giờ có phong bì. Mấy ông ở ngoài mới có chuyện, mới có văn hóa khác.