Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 14
Sáng 2/11, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Tờ trình nêu rõ, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và ủy quyền của Chính phủ, ngày 8/3/2018 Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan cùng với Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore.
Sau khi ký Hiệp định, các nước sẽ tiến hành thủ tục pháp lý trong nước, bao gồm việc phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình để Hiệp định có hiệu lực.
Giới thiệu chung về CPTPP và các văn kiện liên quan, Chủ tịch nước cho biết, Hiệp định gồm 7 điều và 1 Phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký ngày 6/2/2016 tại New Zealand, cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP.
Về cơ bản giữ nguyên nội dung của TPP
Theo đó, về cơ bản Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ, gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ liên quan đến 7 chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.
Về Hiệp định TPP, Hiệp định này gồm 30 chương và 9 phụ lục điều chỉnh rất nhiều vấn đề từ: thương mại như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn phổ biến trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA); đến các vấn đề ít truyền thống hơn như mua sắm của các cơ quan Chính phủ, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước và mở rộng ra cả các vấn đề được coi là phi truyền thống trong đàm phán, ký kết các FTA như lao động, môi trường, chống tham nhũng trong thương mại và đầu tư.
Mặc dù các nước thành viên CPTPP đã quyết định tạm hoãn áp dụng một số nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao nhưng về tổng thể, Hiệp định CPTTP vẫn được đánh giá là một FTA chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay, tờ trình nêu rõ.
Ngoài ra, các nước thành viên CPTPP cũng ký với nhau một số cam kết, thỏa thuận song phương dưới hình thức các thư, thư trao đổi và bản ghi nhớ.
Đối với Việt Nam, bên cạnh một số thư, thư trao đổi và bản ghi nhớ có nội dung tương tự các văn bản đã ký trong khuôn khổ Hiệp định TPP vào năm 2016, Việt Nam có một số thư, thư trao đổi và bản ghi nhớ liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mình theo hướng được phép có những linh hoạt hoặc một khoảng thời gian chuyển đổi nhất định để thực thi một số cam kết của Hiệp định (Việt Nam đã nhận 2 thư về vấn đề kinh tế thị trường từ Canada và Mexico, ký 64 thư trao đổi song phương và 2 bản ghi nhớ với các nước.
Không ít thách thức
Tác động của Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan đối với Việt Nam cũng là thông tin được nêu tại tờ trình.
Chủ tịch nước cho biết, việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi, tờ trình cũng nêu rõ, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế... Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng.... đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ôn định về chính trị - xã hội của Việt Nam, Chủ tịch nước trình bày.
Không kiến nghị bảo lưu nội dung nào
Tờ trình cũng nêu kiến nghị về việc phê chuẩn, thời điểm phê chuẩn, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài.
Theo đó, Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất 6 nước ký kết hoặc ít nhất 50% số nước ký kết của Hiệp định thông báo bằng văn bản với Cơ quan lưu chiểu về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Các thỏa thuận song phương cũng sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định CPTPP.
Đối với các nước đã ký Hiệp định nhưng chưa phê chuẩn vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực với 6 nước đầu tiên đã hoàn tất việc phê chuẩn thì Hiệp định sẽ có hiệu lực với nước đó sau 60 ngày kể từ ngày thông báo bằng văn bản về việc đã hoàn thành các thủ tục nội bộ.
Đối với Việt Nam, Chính phủ đề xuất Hiệp định CPTPP và các văn kiện kèm theo được phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14.
Chính phủ không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào của Hiệp định.
Đối với những cam kết đã đủ rõ, đủ chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp (có danh mục kèm theo hồ sơ trình).
Để bảo đảm thực hiện Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan rà soát, hoàn thiện danh mục các luật, pháp lệnh, nghị định cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các cam kết trong CPTPP. Kết quả rà soát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 văn bản, gồm: 8 luật, 4 nghị định của Chính phủ. Kiến nghị ban hành mới 7 văn bản, gồm: 6 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị gia nhập 3 điều ước quốc tế. Trong quá trình thực hiện Hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nếu phát sinh văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung sẽ có kiến nghị để sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 14.
Đề nghị Chính phủ báo cáo, thuyết minh trước Quốc hội về nội dung cụ thể và những vấn đề liên quan đến việc phê chuẩn Hiệp định nêu trên.
Thuyết minh này sau đó đã được Phó thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo.
Quốc hội cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra và sau đó tiến hành thảo luận về nội dung Chủ tịch nước đã trình.