11:21 14/08/2017

Chủ tịch Quốc hội: Cân nhắc quy định Việt kiều là chủ rừng

Nguyễn Lê

Luật Đất đai quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất, cho thuê rừng

Nhất trí không quy định nhóm hộ gia đình là chủ rừng, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần cân nhắc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là chủ rừng để phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
Nhất trí không quy định nhóm hộ gia đình là chủ rừng, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần cân nhắc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là chủ rừng để phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
Quy định về chủ rừng là một trong các vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), được Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo sáng 14/8, trong phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Là người đứng đầu cơ quan thẩm tra dự án luật này, ông Dũng cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp thứ ba, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung “nhóm hộ gia đình”, “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là chủ rừng.

Theo cơ quan thẩm tra, việc quy định các loại chủ rừng (điều 8) liên quan đến quyền và trách nhiệm của chủ rừng được quy định tại chương 8 của dự thảo luật. Trong hệ thống pháp luật hiện hành thì trách nhiệm pháp lý của nhóm hộ gia đình còn chưa được quy định rõ ràng. Pháp luật về dân sự, hình sự cũng không quy định điều chỉnh đối tượng này, pháp luật về đất đai cũng không quy định giao, cho thuê đất đối với nhóm hộ gia đình.

Do vậy, cơ quan thẩm tra xin không bổ sung đối tượng “nhóm hộ gia đình” này là chủ rừng để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, ông Dũng giải thích, mặc dù luật hiện hành quy định đây là một loại chủ rừng, Luật Đất đai quy định đối tượng này được Nhà nước giao, cho thuê đất. Tuy nhiên, do quỹ rừng của Việt Nam còn rất ít (khoảng 2,7 triệu ha), trong khi nhu cầu được giao đất, cho thuê đất của người dân địa phương là lớn nên cần ưu tiên giao cho người dân tại chỗ để phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống người dân nơi có rừng.

Trong trường hợp cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp thì vẫn có thể hợp tác, liên kết với các chủ rừng khác hoặc thành lập pháp nhân để đầu tư phát triển rừng.

Chủ nhiệm Dũng nhấn mạnh: vì những lý do trên, cơ quan thẩm tra và ban soạn thảo xin phép không bổ sung quy định đối tượng này là chủ rừng trong dự thảo luật.

Nhất trí không quy định nhóm hộ gia đình là chủ rừng, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần cân nhắc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là chủ rừng để phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Vì, Luật Đất đai quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất, cho thuê rừng, được thực hiện dự án đầu tư trồng rừng...

Chủ tịch Quốc hội góp ý, cần cân nhắc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài có phải là chủ rừng hay không cho phù hợp.

Cũng liên quan đến quy định về chủ rừng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: quy định của Hiến pháp và Luật Đất đai cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được làm chủ rừng, nhưng báo cáo giải trình dự thảo luật lại nói là đất rừng ít quá chỉ giao cho người tại chỗ thôi thì có hợp lý không, cần phải cân nhắc.

Bên cạnh nội dung trên, nhiều vấn đề khác của dự án luật cũng khiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn.

Với 27 nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nên luật hoá quy định dưới luật giảm bớt điều khoản giao cho Chính phủ để luật chặt chẽ khả thi, không chờ sau khi ban hành lại phải chờ hướng dẫn.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội còn lưu ý phải cân nhắc rất kỹ việc giao đất rừng sản xuất cho cộng đồng dân cư, vì cộng đồng dân cư không phải là một chủ thể được quy định trong Bộ luật Dân sự.

“Sẽ rất phức tạp, khó khăn nếu xảy ra tranh chấp cần xử lý theo pháp luật dân sự”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Đề nghị giữ nguyên cách phân loại rừng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng những quy định  về hành vi cấm trong dự thảo có liên quan đến pháp luật hình sự nên cần phải chính xác, đặc biệt liên quan đến phân loại rừng.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét trước khi trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.