14:51 23/03/2016

Chủ tịch Quốc hội: “Tôi không trăn trở điều gì”

Nguyên Vũ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với báo chí khi sắp rời cương vị lãnh đạo cấp cao

Chủ tịch Quốc hội trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, sáng 23/3.
Chủ tịch Quốc hội trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, sáng 23/3.
Ông còn điều gì trăn trở là câu hỏi được báo chí đặt ra với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bên lề phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 23/3, trong khi các vị đại biểu đang nhìn lại cả nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13.

Theo chương trình của kỳ họp này, đầu tháng 4 Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm sẽ được miễn nhiệm.

Trả lời câu hỏi nói trên, ông Hùng cho biết ông không trăn  trở điều gì.

Ông nói: Làm người lãnh đạo chỉ có hai việc. Thứ nhất, Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin tưởng, giao cho mình những việc gì thì cố gắng làm tốt việc đó, làm hết sức, tận tâm tận lực, rèn luyện, đào tạo mình, vượt qua mình, cố gắng cùng với lực lượng của mình và nhân dân làm tốt việc được giao. 

“Việc thứ hai là chuẩn bị người thay thế mình cho tốt. Ở đời chỉ có hai việc ấy. Tôi thấy cả hai việc trên tôi đều hoàn thành nhiệm vụ”, ông nói.

Với câu hỏi từ lãnh đạo Chính phủ chuyển sang vị trí Chủ tịch Quốc hội có thuận lợi gì, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ: việc nước thì gắn bó. Nếu phân vai thì có lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng tất cả phải phục vụ nhân dân, từ cơm no áo ấm, học hành, đời sống vật chất, tinh thần. 

Anh làm sân bay, giao thông, cầu đường, bến cảng, chợ búa… an ninh trật tự, đối nội đối ngoại đều vì độc lập tự do, ấm no hạnh phúc của nhân dân. Cho nên cơ bản là ngồi vai nào cũng phải hiểu như thế, không khác nhau lắm.

Theo ông, làm Quốc hội phải hiểu công việc của Chính phủ và ngược lại. Nhưng chung quy lại, dù làm gì cũng phải hiểu được việc dân, việc của đất nước.

Vận hội, vận mệnh của một con người, một đất nước còn do trời định nhưng con người thì phải tính đến hết mọi thứ, Chủ tịch nói.

Chủ tịch cũng chia sẻ thêm, con người như thế nào thì ra hành động như thế. Tư tưởng của con người là phải nói được, diễn đạt được, viết được. Nói là phải hành động, thế mới thành tư tưởng. Nếu nghĩ chưa đến nơi đến chốn, rồi nói và làm thì chưa thể là tư tưởng. Phải suy nghĩ, diễn đạt, và tổ chức hành động được. Như vậy mới thành công, còn không thì bất thành.

Trở lại câu chuyện về hoạt động của Quốc hội, ông mộc mạc: mình nghĩ đến cái gì gắn bó với dân mình nói ra điều mình nghĩ đó thì tự nhiên được mọi người thấy đúng. Còn mình nghĩ đến cái gì gắn với cá nhân mình thì nói ra thành dở hơi.

Cái chính là có cảm xúc, suy nghĩ, nói tự nhiên. Có nhiều khi gay gắt, có khi vui vẻ, nhưng lòng mình nghĩ đến cái đó, mong muốn cái đó. Khi thấy ông nào đó nói thấy chướng thì mình cũng phải gay gắt (cười lớn), còn ông nào nói êm thì mình cười vui vẻ. Rất đơn giản!, Chủ tịch nói về kinh nghiệm điều hành.

Ông cũng cho biết thêm là khi còn làm ở ngành tài chính cũng rất vui vẻ. 

“Thế nhưng có những vấn đề, sự việc vô cùng phức tạp, cuộc sống cũng vô cùng phức tạp nên làm thế nào, tính toán thế nào để khi đưa ra vấn đề phải thực sự thiết thực. Phải làm được chứ không thì viễn vông, hứa hão. Phải nói đến cái gì sát thực, được nhiều người ủng hộ, nói đến cái gì trở thành lực lượng, thành chuyển động”.

Tương tự khi làm ở Quốc hội thì phải làm sao để Chính phủ chuyển động và chuyển đông toàn bộ hệ thống chính quyền, và dân giám sát chính quyền, từ đó mới thành động lực được.

Mình bàn với Quốc hội thì dân cũng giám sát, công khai hết, giúp người dân gần Quốc hội hơn, vì đó là những đại biểu của dân. Khi giám sát nếu người dân thấy rằng Quốc hội, Chính phủ đang bàn về những vấn đề họ bức xúc, thấy Quốc hội và Chính phủ sẽ làm được, làm tốt hơn thì dù đó là vấn đề khó không làm trong ngày một ngày hai được thì dân cũng thông cảm. 

Lấy ví dụ câu chuyện giảm thiểu tai nạn giao thông, Chủ tịch dẫn dắt, Quốc hội bàn căng thẳng, ra nghị quyết yêu cầu chấm dứt ngay thì không được. Người dân cũng hiểu, dù muốn chấm dứt ngay, nhưng vẫn chấp nhận như Quốc hội là hàng năm giảm 10%, dân thấy thế là được. 

Phải làm sao cho đất nước chuyển động hài hòa, không thể cứ mong muốn một ngày một đêm mà giải quyết được vấn đề. Mơ lâu đài thì cũng phải làm mới thành hình được, Chủ tịch nói.

Được hỏi kỷ niệm nào trong quá trình lập pháp mà Chủ tịch nhớ nhất, ông trả lời ngay là Hiến pháp. Phải đào sâu suy nghĩ, gạn đục khơi trong, chắt lọc tinh hoa trí tuệ. Cho đến giờ phút cuối cùng là 5-7 giờ chiều, chuẩn bị cho sớm mai thông qua thì vẫn còn tiếp thu, chỉnh sửa, ông nhớ lại.

Chủ tịch cũng chia sẻ, tiếp thu như vậy nhưng không phải tất cả những gì mong muốn đều đưa vào được. Nhiều điểm muốn đưa vào nhưng không đưa vào được hết. nên phải chấp nhận tinh thần là được 60-70% là giỏi. Chủ tịch và các thành viên uỷ ban soạn thảo vẫn còn một số điểm nữa nhưng chưa đồng thuận hết. Phải chấp nhận.