16:44 04/01/2010

Chưa có lời giải cho “tín dụng đen”

Nguyễn Hoài

Thị trường tín dụng phi chính thống - mà một số chuyên gia vẫn nôm na là “tín dụng đen” - hoạt động khá náo nhiệt

Tín dụng đen tăng lên còn do doanh nghiệp vay để đảo nợ ngân hàng. Không ít trường hợp vay chợ đen với lãi suất 4,5%/tháng, kỳ hạn một vài tháng để trả cho ngân hàng. Và khi vay được nợ mới, họ dùng khoản tiền này hoàn trả lại cho “chợ đen”.
Tín dụng đen tăng lên còn do doanh nghiệp vay để đảo nợ ngân hàng. Không ít trường hợp vay chợ đen với lãi suất 4,5%/tháng, kỳ hạn một vài tháng để trả cho ngân hàng. Và khi vay được nợ mới, họ dùng khoản tiền này hoàn trả lại cho “chợ đen”.
Không tiếp cận  được vốn ngân hàng, doanh nghiệp tìm về “chợ đầu mối”, nhà đầu tư ủy thác đầu tư cho công ty chứng khoán bằng hợp đồng cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tự huy động vốn... là những hình thái của “tín dụng đen” đầy rủi ro và nguy hiểm.

Thế nhưng, lời giải của bài toán này đến nay vẫn chỉ là những dấu chấm hỏi.

Tồn tại đã lâu

Mặc dù cơ quan quản lý không mong muốn, nhưng bên cạnh thị trường vốn thông qua kênh ngân hàng thì thị trường tín dụng phi chính thống - mà một số chuyên gia vẫn nôm na là “tín dụng đen” - hoạt động khá náo nhiệt, nhất là tại các thời điểm thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cơ quan chuyên giám sát rủi ro chéo trong lĩnh vực tài chính giữa khu vực này với khu vực khác, nhất là từ hệ thống ngân hàng sang các thị trường chứng khoán và bất động sản thì “tín dụng đen” tồn tại đã khá lâu, đặc biệt là tại các “chợ đầu mối”.

Phần lớn khách hàng vay vốn ở “chợ” này không thể nào tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng vì trong hồ sơ của họ chẳng có chút cơ sở nào để ngân hàng tin tưởng nên họ vay nóng với nhau dựa trên chữ tín và nếu thất tín thì đã có đám “nặc nô” thời @ giải quyết hộ!

Cộng thêm, tại thời điểm tín dụng thắt chặt, với thực tế số lượng doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng chỉ khoảng 40% và 60% còn lại lâu nay hoạt động bằng vốn tự có, vay mượn lẫn nhau hoặc “tín dụng thương mại” theo kiểu “mua/bán hàng trả chậm”, không chịu sự điều chỉnh theo bất cứ quy chế nào của Nhà nước thì “tín dụng đen” lại càng phát triển mạnh.

Thậm chí, tín dụng đen tăng lên còn do doanh nghiệp vay để đảo nợ ngân hàng. Không ít trường hợp vay chợ đen với lãi suất 4,5%/tháng, kỳ hạn một vài tháng để trả cho ngân hàng. Và khi vay được nợ mới, họ dùng khoản tiền này hoàn trả lại cho “chợ đen”.

Cũng theo ông Nghĩa, có những doanh nghiệp không phải vay để đảo nợ, cũng không có nhu cầu vay đầu tư chứng khoán nhưng họ vẫn vay “chợ đen”, đơn giản chỉ để giải quyết khó khăn thanh khoản trong ngắn hạn hay trả lương nhân viên.

Một thực tế  khác là doanh nghiệp huy động vốn dân cư trong các hợp đồng mua/bán bất động sản và công ty chứng khoán sử dụng vốn ủy thác đầu tư giữa nhà đầu tư với nhân viên công ty chứng khoán bằng hợp đồng cá nhân. Với cơ chế thỏa thuận: nếu lỗ thì trả cho nhà đầu tư với lãi suất tương đương ngân hàng, nếu lãi thì chia nhau theo tỷ lệ thỏa thuận thì tất cả các ngân hàng đều chào thua và đương nhiên, chẳng có doanh nghiệp bảo hiểm nào dám mạo hiểm với khoản bảo hiểm này.

Trên thực tế, hỏi 10 công ty chứng khoán thì chỉ có một công ty khẳng định không làm “nghiệp vụ” này, còn 9 công ty thì “cười hì hì” và thủng thẳng: “Đó là nhân viên tôi làm đấy chứ!” nhưng sự thực, nhà đầu tư luôn hiểu có công ty chứng khoán đứng phía sau.

Giải bài toán phải từ nhiều phía

Nhận xét về  bất cập này, một chuyên gia bi quan: “Đừng hy vọng “tín dụng đen” kết thúc trong nay mai bởi chừng nào con số 60% doanh nghiệp cả nước chưa tiếp cận được tín dụng ngân hàng thì chợ đen vẫn còn. Và đó là vấn đề lớn của thị trường tín dụng Việt Nam”.

Cũng theo ông này, ở các nước phát triển, chẳng hạn ở Mỹ, họ có hẳn một chính sách riêng cho doanh nghiệp nhỏ, được bảo lãnh gần như vô điều kiện. Chẳng hạn, nếu chủ doanh nghiệp là nữ thì chính phủ bảo lãnh 85%, còn nam là chủ doanh nghiệp được bảo lãnh 50% đối với mỗi món vay.

Dĩ nhiên, ngân hàng cho vay hay không là chuyện khác. Khi ngân hàng xét thấy mức bảo lãnh như vậy vẫn chưa đảm bảo an toàn thì họ sẽ không cho vay. Và tiêu chí của ngân hàng đưa ra trước mỗi món vay cũng rất khắt khe, chẳng hạn: hệ thống kế toán có tốt không, kế toán thuế có chuẩn và minh bạch không, quản trị kinh doanh như thế nào, marketing và bán hàng có tốt không... và nếu đảm bảo những tiêu chuẩn đó thì ngân hàng sẽ cho vay.

Nhưng điều quan trọng hơn, “bộ doanh nghiệp nhỏ” của Mỹ còn làm một việc là tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho doanh nghiệp để đối tượng này đủ tiêu chuẩn tiếp cận vốn ngân hàng. Ngoại trừ các trường hợp gian dối trốn thuế, hoạt động thiếu minh bạch thì không thể tiếp cận vốn ngân hàng.

Chứng minh cho vấn  đề này, vị chuyên gia nói trên kể lại câu chuyện liên quan đến chuyến đi khảo sát của ông gần đây: ở Mỹ có một ngân hàng Việt kiều với vốn tự có khoảng 15 - 18 triệu USD. Và tại ngân hàng này, tồn tại một thực tế sòng phẳng đến kinh ngạc: mặc dù vốn điều lệ và nguồn tiền gửi phần lớn là của Việt Kiều nhưng không hề có một người Việt Nam nào vay được ở ngân hàng này. Lý do đơn giản là đối tượng trên khai gian doanh thu nên không dám mở tài khoản tín dụng ở ngân hàng!

Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Trọng Khanh, Tổng giám đốc TienPhongBank chia sẻ: “Sở dĩ thực tế trên tồn tại nhiều năm nay là do cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp”. Theo ông Khanh, cách làm tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ không giống như các khách hàng khác.

Cụ thể, giao dịch với doanh nghiệp nhỏ cũng khá giống như đối với khách hàng cá nhân, tức là phải quản lý rủi ro tín dụng trên cơ sở tổng thể nhưng phải đơn giản hóa nhất thủ tục. Nhìn chung, đây là điểm yếu của các ngân hàng trong việc tạo ra dịch vụ thông suốt cho doanh nghiệp nhỏ.

Mặt khác, thực trạng trên còn xuất phát từ yếu tố thông tin, đặc biệt là thông tin tổng thể của doanh nghiệp không được rõ ràng, minh bạch và chúng trở thành trở ngại lớn nhất trên thị trường tín dụng nói chung và đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ nói riêng. Mặc dù Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) hiện đã làm khá tốt vai trò của mình nhưng vẫn chưa thực sự trở thành nơi để các ngân hàng thỏa mãn tối đa nhu cầu tra cứu và sử dụng thông tin có hiệu quả.

Từ thực tế này, để giải bài toán tiếp cận vốn của khu vực doanh nghiệp nhỏ, TienPhongBank đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng thông qua nhiều công cụ khác nhau. Từ đó quản lý thông tin tốt hơn, tạo cơ sở để thực hiện mục tiêu hướng vào doanh nghiệp nhỏ và khách hàng cá nhân một cách tổng thể.

“Tôi cho rằng, khi giải được bài toán nói trên thì chắc chắn hoạt động tín dụng phi chính thống sẽ giảm đi rất nhiều và đó là điều cần thiết đối với sự lành mạnh của nền kinh tế”, ông Khanh nói.