15:03 09/02/2009

Chuẩn bị cho xu hướng mới

Phản ứng tự nhiên của nhiều nước và nhiều chính khách trước khủng hoảng là tạm thời đóng cửa thị trường

Một thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội Mỹ giơ cao tấm biển phản ánh số liệu thất nghiệp tại nước này trong những tháng qua, tại một cuộc họp bàn về vấn đề này hôm 6/2 - Ảnh: Getty Images.
Một thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội Mỹ giơ cao tấm biển phản ánh số liệu thất nghiệp tại nước này trong những tháng qua, tại một cuộc họp bàn về vấn đề này hôm 6/2 - Ảnh: Getty Images.
Thật không thể hình dung được có ngày Trung Quốc lên tiếng cổ xuý cho tự do hoá thương mại và Mỹ đang tìm cách dựng lên hàng rào bảo hộ sản xuất nội địa.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang dẫn đến những xu hướng kinh tế mới như thế mà chúng ta cần theo dõi để thích nghi và tận dụng.

Nếu trước đây Mỹ luôn thúc ép các nước đang phát triển như Trung Quốc tháo gỡ các rào cản thương mại thì nay gắn với gói kích cầu Tổng thống Obama tìm cách thông qua, Quốc hội Mỹ đề nghị đưa ra quy định các dự án sử dụng tiền kích cầu này phải dùng hàng của Mỹ. Hạ viện thì đòi phải mua sắt thép sản xuất trong nước; Thượng viện đòi mở rộng ra toàn bộ hàng hoá và thiết bị.

Chiến dịch “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” nếu được thông qua chắc chắn sẽ tác động mạnh lên các nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Trung Quốc và hoàn toàn trái với tinh thần tự do hoá thương mại của WTO.

Dĩ nhiên Trung Quốc phản đối. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo phát biểu: “Chủ nghĩa bảo hộ thương mại không có tác dụng gì tốt vì nó sẽ kéo dài thêm cuộc khủng hoảng”.

Thật ra đây chỉ là ví dụ mới nhất và được chú ý nhiều nhất. Hàng loạt sự vụ tương tự cho thấy phản ứng tự nhiên của nhiều nước và nhiều chính khách trước khủng hoảng là tạm thời đóng cửa thị trường hòng giảm nhẹ tác động từ bên ngoài và xoa dịu lòng dân.

Chuỗi sản xuất toàn cầu bị đe doạ gãy đứt ở nhiều khâu và càng gây xáo động cho những nước đang tham gia sâu vào quá trình toàn cầu hoá. Vận tải hàng hoá bằng đường hàng không trong tháng 12/2008 đã giảm đến 22,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều nhà bình luận từ các nước đang phát triển nhận định họ có cảm giác bị lừa vì quá trình toàn cầu hoá được ca tụng trước đây hóa ra đem lại lợi ích nhiều nhất cho khu vực tài chính trong khi chỉ mang lại đồng lương thảm hại cho công nhân các nước gia công kèm theo là xáo động xã hội và ô nhiễm môi trường.

Nay khủng hoảng trong khu vực tài chính đang giáng những đòn chí mạng vào khu vực sản xuất khi các nước nhập khẩu tìm cách đóng cửa thị trường hay trợ cấp trực tiếp cho nhiều ngành công nghiệp. Các gói giải cứu ngành ôtô ở nhiều nước là một ví dụ về tính hai mặt không thể chấp nhận được khi những nước này vẫn buộc các nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô.

Xu hướng mới trong kinh tế toàn cầu, kể cả dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chững lại, cũng buộc chúng ta phải xem lại mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu. Cần bổ sung cho mô hình này những chính sách hỗ trợ cho sản xuất nhắm vào thị trường nội địa và xa hơn là nâng sức mua cho người dân trong nước

Điều đáng nói là các chính khách về mặt công khai sẽ tiếp tục lớn tiếng ủng hộ tự do hoá thương mại nhưng bên trong sẽ đưa ra những chính sách hoàn toàn trái ngược, nhất là những hình thức bảo hộ tinh vi trong ngành tài chính, ngân hàng.

Có lẽ sản xuất toàn cầu sẽ cần thêm một thời gian dài mới tìm ra mô hình thích hợp hơn, công bằng hơn nhưng trong bối cảnh đó, rõ ràng chúng ta phải xác định cho được những sản phẩm của Việt Nam mà các nước nhập khẩu không thể thiếu hoặc không thể sản xuất với hiệu quả tương đương để có thể đàm phán hợp đồng ở thế thượng phong.

Nông sản là một trong những mặt hàng như thế. Những ngành hàng thâm dụng lao động khó lòng cạnh tranh với Trung Quốc vì họ sẽ sẵn sàng trợ giá cho hàng xuất khẩu bất kể quy định của WTO.

Việc thực hiện các cam kết WTO trong bối cảnh này cũng cần thận trọng hơn. Nếu phải nâng thuế suất thuế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ để hạn chế nhập siêu và giữ lại những đồng ngoại tệ rất quý giá trong hoàn cảnh hiện nay thì chúng ta vẫn có thể làm được.

Đặc biệt, việc trợ cấp trong nông nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội để chúng ta xoay xở vừa giúp ổn định thu nhập của nông dân vừa tăng kim ngạch xuất khẩu.

Xu hướng mới trong kinh tế toàn cầu, kể cả dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chững lại, cũng buộc chúng ta phải xem lại mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu. Cần bổ sung cho mô hình này những chính sách hỗ trợ cho sản xuất nhắm vào thị trường nội địa và xa hơn là nâng sức mua cho người dân trong nước.

Việt Nam có những đặc điểm khác với các nước nên cũng cần có những biện pháp phù hợp với những đặc điểm đó. Ví dụ người dân nước ta tiết kiệm một khoản thu nhập khá lớn cho việc học hành của con cái. Nếu ngân sách rót trực tiếp vào giáo dục để giảm nhẹ chi phí giáo dục của người dân, điều này sẽ nâng sức mua của người dân lên một cách đáng kể.

Quan trọng hơn cả là lĩnh vực tài chính, không thể nào thả lỏng cho đồng vốn nóng gián tiếp cứ vào ra thoải mái, gây xáo động thị trường tiền tệ, tài chính và chứng khoán.

Đây là lĩnh vực dễ kiểm soát nhất và không gây phản ứng nào về chuyện thực thi hay không thực thi các cam kết WTO, ít nhất là trong bối cảnh hiện nay. Kiểm soát dòng vốn này chính là chúng ta đang tự vệ trong khi chờ một mô hình mới cho nền kinh tế toàn cầu sẽ dần định hình trong thời gian tới.

Quốc Học (SGTT)