08:01 25/12/2018

Chứng khoán Mỹ lao dốc, S&P về sát “thị trường gấu”

Bình Minh

Mức độ bán tháo chưa từng thấy ở Phố Wall kể từ đỉnh cao của khủng hoảng tài chính cách đây 1 thập kỷ

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York - Ảnh: Reuters.

Chỉ số S&P 500 gần rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi chứng khoán Mỹ tiếp tục bán tháo trong phiên giao dịch trước đêm Giáng sinh. Phiên này, nhà đầu tư lo ngại trước thông tin Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ triệu tập một nhóm quản lý khủng hoảng, và bởi những diễn biến chính trị ở Washington.

Cả ba chỉ số chính cùng chốt phiên với mức giảm trên 2%. Khi đóng cửa, mức điểm của S&P thấp hơn khoảng 19,8% so với mức đỉnh thiết lập hôm 20/9, trong khi mức giảm để đáp ứng định nghĩa thị trường đầu cơ giá xuống, hay còn gọi là "thị trường gấu", là 20%.

Hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin đã gọi điện cho Giám đốc điều hành (CEO) một loạt ngân hàng lớn nhất của Mỹ, đồng thời triệu tập một cuộc họp của các nhà điều tiết tài chính để thảo luận các biện pháp nhằm đảm bảo "sự vận hành bình thường của thị trường" - hãng Reuters đưa tin.

Nhà đầu tư cũng lo ngại về việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần và thông tin nói rằng Tổng thống Donald Trump đã thảo luận riêng tư về khả năng sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell.

"Những dòng tít báo mà chúng ta chứng kiến ngày hôm nay, hôm qua và cuối tuần không có gì tốt cả", ông Vinay Pande, trưởng bộ phận chiến lược giao dịch toàn cầu thuộc UBS Global Wealth Management, nhận định với Reuters.

"Thị trường đang lo ngại về những gì diễn ra ở Washington", ông Pande nói. "Trong bối cảnh một đợt điều chỉnh lớn của thị trường, dường như đang có sự rối loạn và mọi người không còn cùng chung một quan điểm nữa. Tôi cho rằng tình trạng này khiến bất kỳ ai trên thị trường cũng thấy nản lòng".

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones mất 2,91%, còn 21.792,2 điểm. S&P sụt 2,71%, còn 2.351,1 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 2,21%, còn 6.192,92 điểm.

Tuần trước, S&P có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2011, trong khi Dow Jones có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P cùng giảm trong phiên đầu tuần, và đều thấp hơn so với thời điểm đầu năm. Mức điểm đóng cửa phiên này của S&P là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2017.

Khoảng 3/4 số cổ phiếu trong S&P đang ở trọng trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống.

Đối với Dow Jones, toàn bộ 30 cổ phiếu thành viên cùng "đỏ" khi chốt phiên ngày thứ Hai.

Đây cũng là phiên thứ ba liên tiếp có hơn 2.600 cổ phiếu niêm yết trên hai sàn NYSE và Nasdaq chạm đáy 52 tuần, phản ánh mức độ bán tháo chưa từng thấy ở Phố Wall kể từ đỉnh cao của khủng hoảng tài chính cách đây 1 thập kỷ.

"Một khi Dow Jones giảm 600 điểm, thật khó để nói có gì tốt", ông J.J. Kinahan, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc TD Ameritrade, nhận định. Theo vị chiến lược gia này, động thái của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ là có ý định tốt, nhưng lại khiến thị trường nghĩ rằng "liệu đang có một vấn đề gì đó lớn hơn mà chúng tôi không hay biết?"

Mối lo của thị trường gia tăng khi quyền chánh thư ký của ông Trump là ông Mick Mulvaney ngày Chủ nhật nói rằng việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần có thể kéo dài đến ngày 3/1, khi Quốc hội mới của Mỹ bắt đầu họp và các nghị sỹ Dân chủ chính thức nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Giao dịch diễn ra khá thưa thớt khi giới đầu tư bước vào kỳ nghỉ Giáng sinh. Có khoảng 5,9 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 8,9 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chỉ số VIX đo lường sự biến động của thị trường tăng 5,96 điểm, đóng cửa ở 36,07 điểm, cao nhất kể từ ngày 5/2.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 3,56 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,68 lần.