15:20 04/04/2011

Chứng khoán ngày 4/4: Chán nản và buồn ngủ

Lan Ngọc

Sự vận động làng nhàng của cả người mua và người bán khiến thị trường càng ngày càng buồn ngủ. Đột biến để lôi kéo lòng tham chưa có

VN-Index dao động rất thấp hôm nay
VN-Index dao động rất thấp hôm nay
Không khí chán nản và nhịp điệu giao dịch buồn tẻ bao trùm cả hai sàn giao dịch hôm nay. HSX “may” còn kéo lại một chút bất ngờ từ sự tỏa sáng của cổ phiếu FPT.

Thông tin FPT rút khỏi thỏa thuận mua lại EVN Telecom được thị trường diễn giải là tích cực. Lực mua với cổ phiếu này đã tăng lên đột biến bất chấp thị trường chung rất yếu. Cầu giá cao liên tục đặt mua khiến FPT kịch trần từ lúc mở cửa.

FPT từ tháng 11 năm ngoái đến cuối tuần trước đã mất giảm gần 35% tính từ đỉnh 77.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính theo giá điều chỉnh thì cổ phiếu này cũng đã thiết lập đáy thấp nhất trong vòng 52 tuần qua. Hôm nay FPT đã lấy lại sức mạnh bằng một phiên kịch trần trong toàn bộ thời gian giao dịch. Cầu FPT luôn dư mua trần hàng trăm ngàn đơn vị. Thanh khoản của FPT cũng không cao hơn phiên trước bao nhiêu chứng tỏ áp lực cắt lỗ không nhiều.

Khối ngoại hôm nay là đối tượng mua vào FPT mạnh nhất. Trong bối cảnh phải tranh giá trần từ rất sớm mà khối này vẫn mua được hơn 108.000 cổ phiếu. Khối lượng mở cửa của FPT chỉ có hơn 86.000 đơn vị, tức là chưa tới 23% tổng lượng giao dịch nhưng giá đã kịch trần. Khả năng đua lệnh của khối ngoại cũng rất tốt, chiếm trên 82% tổng thanh khoản của cổ phiếu này.

Một blue-chip khác cũng giao dịch khá tốt hôm nay là VNM. Khối ngoại dĩ nhiên không thể tác động được đến giá VNM vì đã hết room. Tuy nhiên nhà đầu tư trong nước cũng rất nỗ lực kéo trần, “suýt” vượt qua cả đỉnh cao nhất trong vòng 52 tuần nếu không bị xả về cuối ngày. Dù sao VNM cũng tăng được 3,7%, phần nào cải thiện chỉ số.

Nhóm cổ phiếu lớn có “truyền thống” ảnh hưởng đến VN-Index là BVH, MSN và VIC đều mất giá hôm nay. BVH đứng tham chiếu lúc đóng cửa, MSN giảm 2,4% và VIC giảm 0,8%. Khá bất ngờ là VN-Index chốt phiên chỉ giảm 0,41%.

Thực tế nhóm 40 blue-chip vốn hóa lớn nhất tại HSX hôm nay chỉ giảm 0,2%, rất tốt trong điều kiện các nhóm cổ phiếu khác giảm tương đối mạnh. Ngoài FPT và VNM, còn có PVD, CII, HPG, MPC tăng giá. Một điểm cũng khá thú vị là thanh khoản về khối lượng hôm nay tại HSX giảm 4% tính theo khớp lệnh nhưng giá trị lại tăng thêm 3% so với hôm qua. Như vậy hoạt động giao dịch đã tập trung nhiều hơn ở những cổ phiếu có thị giá cao.

Lực mua ở nhóm blue-chip xuất phát từ nhà đầu tư nước ngoài. Riêng những cổ phiếu vốn hóa lớn, khối ngoại mua ròng về giá trị 26/40 mã với lượng vốn vào thuần khoảng 35,5 tỷ đồng, chiếm gần 90% tổng lượng vốn mua ròng tại HSX hôm nay.

Độ rộng trên cả hai sàn đang chuyển biến khá xấu. Mặc dù Index giảm không nhiều nhưng phiên này có tới 135 mã giảm giá, 16 mã sàn tại HSX và 181 mã giảm, 26 mã sàn tại HNX. Số cổ phiếu giảm giá như vậy là mức cao nhất kể từ phiên ngày 29/3.

Với một phiên giảm điểm trên diện rộng nhưng HSX vẫn có 121 mã khớp lệnh tại giá dư mua. Thanh khoản bình quân giảm mạnh trong 3 phiên gần đây cho thấy cầu đang rất cẩn trọng và người bán cũng rất chán nản, buông xuôi. Thị trường không tìm được lý do đủ tốt nào để bật lên nhưng cũng chưa đủ “sốc” để tháo chạy ồ ạt. Cầu giá thấp liên tục áp dụng chiến thuật chặn mua, không chịu nâng giá khớp vào dư mua khiến cung cầu khó gặp. Thường những diễn biến như vậy kéo dài khá lâu cho đến thời điểm một bên mất kiên nhẫn trước.

Trên góc độ VN-Index, với sự mất giá của BVH, MSN, VIC, diễn biến của chỉ số khá trung thực. Mức dao động của chỉ số khá thấp (0,74%) và thanh khoản khớp lệnh cổ phiếu yếu nhất trong hơn 2 tháng qua cho thấy vùng hỗ trợ 450-460 điểm còn khá mạnh. Người bán không muốn bán nhiều ở vùng này. Thực tế lực hỗ trợ của rất nhiều cổ phiếu đang ở mức thấp hơn nhiều vì quá nhiều mã đã giảm qua vùng đáy tương đương hồi VN-Index 420 điểm.

Diễn biến hôm nay cho thấy nhà đầu tư không phản ứng quá tiêu cực với thông tin tăng lãi suất tái cấp vốn cuối tuần trước. Thị trường chỉ chán nản vì tình hình có khả năng còn kéo dài, chưa kỳ vọng vào một sự thay đổi sớm trước mắt. Thông tin về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được chờ đợi hết tháng 2 rồi lại tháng 3 và sẽ còn tiếp tục ở tháng 4. Có quá nhiều yếu tố tác động khiến khả năng dự báo CPI trở nên khó khăn. Sự chờ đợi đó khiến người bán mệt mỏi và người mua thờ ơ. Thanh khoản cho thấy một bộ phận lớn nhà đầu tư đang bỏ quên thị trường, chí ít cho tới khi có biến động nào đó đủ để khơi gợi lòng tham.