Chứng khoán Nhật đạt mức cao nhất 27 năm
Chất xúc tác là đồng Yên yếu và niềm lạc quan của nhà đầu tư về sự tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết
Chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán Nhật Bản có lúc đạt mức điểm cao nhất 27 năm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhờ đồng Yên yếu và niềm lạc quan của nhà đầu tư về sự tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết.
Theo tờ báo Nhật Nikkei, chỉ số Nikkei kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9 với mức tăng 1,3%, đạt 24.120,04 điểm. Dẫn đầu sự tăng điểm của thị trường phiên này là các cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu, bởi sự giảm giá của đồng Yên được xem là nhân tố hỗ trợ cho các công ty xuất khẩu của đất nước mặt trời mọc.
Trong phiên giao dịch, có lúc Nikkei tăng 2%, đạt mức cao nhất 27 năm. Tuy nhiên, mức điểm này không được duy trì cho tới hết phiên.
"Đồng Yên giảm giá đã làm gia tăng kỳ vọng rằng lợi nhuận quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng mạnh hơn. Điều này giúp thu hút các khoản đầu tư dài hạn và cả ngắn hạn", ông Masahiro Ishikwawa, chuyên gia của Sumitomo Mitsui Asset Management, phát biểu.
Ông Norihiro Fujito, chuyên gia đến từ Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, thì nói rằng: "Những nhà đầu tư bán cổ phiếu gần đây giờ đang mua lại".
Chứng khoán Nhật cũng được hỗ trợ bởi tin Mỹ và Nhật Bản bắt đầu đàm phán thương mại vào ngày thứ Năm - một động thái tạm thời giúp Nhật tránh được việc Mỹ áp thuế bổ sung lên ô tô xuất khẩu sang Mỹ.
Nếu giữ được mức đỉnh thiết lập trong phiên hôm nay, chứng khoán Nhật sẽ có được mức điểm đóng cửa cao nhất kể từ tháng 11/1991, khi thị trường chứng khoán nước này bắt đầu một thời kỳ suy giảm kéo dài do vỡ bong bóng kinh tế.
Năm nay, chỉ số Nikkei đã tăng 10,5%, trong khi nhiều thị trường chủ chốt khác trong khu vực giảm điểm, như chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 6,9% và chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải giảm 15,2%. Trong cùng khoảng thời gian, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ tăng 8,2%.
Sau khi vỡ bong bóng kinh tế vào đầu thập niên 1990, kinh tế Nhật Bản bước vào một giai đoạn suy thoái kéo dài. Vào cuối thập niên 1990, một cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến các công ty tài chính hàng đầu Nhật Bản như Yamaichi Securities và Long-Term Credit Bank of Japan điêu đứng. Chỉ số Nikei đã chạm đáy ở ngưỡng chưa đầy 7,054 điểm vào tháng 3/2009.
Khi trở lại cương vị Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 12/2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã theo đuổi chiến lược chấn hưng tăng trưởng kinh tế mang tên Abenomics, lấy trọng tâm là chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Nhờ đó, chứng khoán Nhật đã bước vào một thời kỳ tăng kéo dài đến nay.