Những lần Tổng thống Trump thành công khi dùng đòn bẩy thuế quan
Trong quá trình triển khai các chính sách thuế quan của mình, ông Trump thường sử dụng một công thức chung là "đe dọa" để buộc đối phương nhượng bộ...

Chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donanld Trump được đưa ra nhằm thúc đẩy ngành sản xuất tại Mỹ, tái cân bằng cán cân thương mại và mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách chính phủ. Trong quá trình xúc tiến các chính sách này, ông Trump thường sử dụng một công thức chung. Đó là đe dọa áp thuế hoặc tăng thuế. Với cách làm này, đôi khi, các mặt hàng bị dọa áp thuế lập tức được đưa vào bàn đàm phán.
Dưới đây là 3 trường hợp cách làm này của ông Trump mang lại hiệu quả, theo đánh giá của hãng tin CNN:
CANADA
Trường hợp gần đây nhất là vào cuối tuần trước. Ngày 27/6, ông Trump tuyên bố chấm dứt đàm phán thương mại với Canada do không giải quyết được vấn đề liên quan tới thuế dịch vụ kỹ thuật số của quốc gia này. Vị Tổng thống cũng cho biết sẽ đưa ra một mức thuế quan mới đối với hàng hóa từ quốc gia láng giềng vào Mỹ trong vòng 1 tuần.
Phản ứng trước những tuyên bố của ông Trump, ngày 29/6, Ottawa cho biết sẽ rút loại thuế dịch vụ kỹ thuật số. Vốn dự kiến có hiệu lực vào ngày 30/6, thuế này sẽ áp mức phí 3% lên doanh thu của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia, bao gồm các Big Tech Mỹ như Amazon, Google và Meta thu, được từ người dùng tại Canada.
“Để hỗ trợ cho các cuộc đàm phán thương mại, Bộ trưởng Tài chính và Doanh thu Quốc gia François-Philippe Champagne hôm nay thông báo rằng Canada sẽ bãi bỏ Thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) để chuẩn bị cho một thỏa thuận thương mại toàn diện có lợi cho cả hai bên với Mỹ”, chính phủ Canada cho biết trong một thông cáo.
Ngày 30/6, đàm phán thương mại Mỹ - Canada được nối lại. “Đây là một phần trong cuộc đàm phán lớn hơn”, Thủ tướng Canada Mark Carney phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 30/6. “Việc này nằm trong dự kiến của chúng tôi và sẽ là một phần của thỏa thuận cuối cùng. Chúng tôi đang đạt tiến triển tốt, hướng đến một thỏa thuận cuối cùng”.
COLOMBIA
Đe dọa thuế quan đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump là nhằm vào Colombia vào cuối tháng 1. Lời đe dọa được đưa ra sau khi Tổng thống Colombia Gustavo Petro từ chối tiếp nhận các máy bay quân sự Mỹ trục xuất người Colombia nhập cư trái phép vào Mỹ. Các chuyến bay này nằm trong kế hoạch trục xuất hàng hoạt người nhập cư trái phép tại Mỹ của ông Trump.
Ông Trump dọa áp thuế 25% với toàn bộ hàng hóa từ Colombia vào Mỹ và sẽ tăng lên 50% nếu nước này không tiếp nhận người bị trục xuất khỏi Mỹ.
Trước những đe dọa này, phía Colombia nhanh chóng “quay xe” và đạt một thỏa thuận về việc tiếp nhận công dân nước này bị trục xuất khỏi Mỹ.
LIÊN MINH CHÂU ÂU
Vào cuối tháng 5, với lý do thiếu tiến triển trong đàm phán, ông Trump cho biết ông sẽ hủy các cuộc đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và thay vào đó sẽ áp thuế quan 50% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ khối này vào Mỹ.
“Các cuộc thảo luận của chúng tôi với họ sẽ chẳng đi đến đâu cả”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 23/5. Cùng ngày, tại Phòng Bầu dục, Trump nói rằng ông không muốn thúc đẩy một thỏa thuận với EU nữa.
Ba ngày sau, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã nói chuyện với Trump và cho biết EU sẽ đẩy nhanh đàm phán thương mại với Mỹ. Sau cuộc trò chuyện này, ông Trump đã hoãn thời hạn áp thuế quan 50% với hàng hóa từ EU tới ngày 9/7.
Theo các nhà phân tích, dù đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào giữa EU và Mỹ, các đe dọa của ông Trump đã khiến châu Âu nghiêm túc nhìn nhận quan điểm của Nhà Trắng về vấn đề thương mại. Khối này cũng phải đẩy nhanh quy trình để nhanh chóng đạt được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên về các nội dung được đàm phán.
KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG HIỆU QUẢ
Vào cuối tháng 5, ông Trump dọa sẽ áp thuế với toàn bộ sản phẩm của công ty Apple nhập khẩu vào Mỹ. Lời đe dọa được đưa ra sau khi ông Tim Cook, CEO của Apple, cho biết công ty này sẽ xuất khẩu iPhone từ Ấn Độ vào thị trường Mỹ, thay vì xây nhà máy sản xuất tại Mỹ.
Ông Trump cũng dọa sẽ áp thuế quan tương tự với sản phẩm của tập đoàn Hàn Quốc Samsung.
Sau đó, ông Trump không làm theo lời đe dọa của mình. Còn Apple và Samsung cũng không thay đổi lập trường rằng sản xuất điện thoại thông minh - một hoạt động phức tạp - tại Mỹ là không thực tế, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Chi phí để tuyển dụng lao động sản xuất đủ trình độ cho công việc phức này tại Mỹ cao hơn nhiều so với tại các quốc gia khác. Do đó, việc tuân thủ các yêu cầu sản xuất tại Mỹ của ông Trump có thể khiến chi phí sản xuất một chiếc điện thoại tăng thêm hàng nghìn USD. Con số tăng thêm này nhiều hơn so với thuế quan mà Tổng thống Mỹ đe dọa.
Cũng trong tháng 5, ông Trump dọa sẽ áp thuế 100% với các bộ phim được sản xuất bên ngoài nước Mỹ khiến lãnh đạo nhiều doanh nghiệp truyền thông phải đau đầu. Tuy nhiên, sau đó, Nhà Trắng cho biết đây chỉ là một đề xuất và muốn ngành công nghiệp phim của nước này cố gắng tìm cách đưa hoạt động sản xuất phim trở lại Mỹ.