11:18 12/05/2017

Chứng khoán phái sinh trước giờ G (1): Bước chuyển về chất của chứng khoán Việt

Nguyễn Hoàng

Việt Nam gia nhập cộng đồng hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này

Thị trường tài chính Việt Nam đã hội nhập khá sâu với sự tham gia của ngày càng nhiều các tổ chức nước ngoài, các định chế đầu tư chuyên nghiệp và do đó, cần có thêm các công cụ đa dạng hơn để phòng hộ rủi ro, đáp ứng nhu cầu sinh lời, đồng thời tiến dần hơn tới các tiêu chuẩn của một thị trường tài chính hiện đại.<br>
Thị trường tài chính Việt Nam đã hội nhập khá sâu với sự tham gia của ngày càng nhiều các tổ chức nước ngoài, các định chế đầu tư chuyên nghiệp và do đó, cần có thêm các công cụ đa dạng hơn để phòng hộ rủi ro, đáp ứng nhu cầu sinh lời, đồng thời tiến dần hơn tới các tiêu chuẩn của một thị trường tài chính hiện đại.<br>
Cuối tháng 5 này, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có thêm một mảnh ghép mới - thị trường chứng khoán phái sinh, với hai loại sản phẩm ban đầu là hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán (Equity Index Futures) và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (Bond Futures).

Từ hôm nay (12/5), VnEconomy giới thiệu kỳ đầu tiên của loạt bài “Chứng khoán phái sinh trước giờ G”, nhằm giúp độc giả và nhà đầu tư hiểu rõ hơn về thị trường này, khi sự ra đời của nó không chỉ là việc xuất hiện một công cụ đầu tư/đầu cơ mới, mà còn là bước chuyển mình về chất của thị trường chứng khoán tại Việt Nam.

Hạ tầng, pháp lý đã sẵn sàng

Với sự xuất hiện của các công cụ phái sinh, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 5 trong khu vực, gia nhập cộng đồng hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có thị trường tài chính bậc cao này.

Hướng tới đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư trong và ngoài nước, thị trường chứng khoán phái sinh mở ra một cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư của các quỹ, tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, hỗ trợ gia tăng giá trị phòng hộ rủi ro cho các sản phẩm hiện đang giao dịch trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu cơ sở.

Đến hiện tại, các văn bản pháp lý mang tính kỹ thuật cho thị trường phái sinh đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) hoàn tất.

Đối với nhà đầu tư, thời điểm cuối cùng là một “sàn giao dịch” mới được khai trương và sản phẩm được giao dịch. Tuy nhiên đối với thị trường, sự chuẩn bị là cả một quá trình kéo dài.

Theo thông tin từ HNX - đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng thị trường phái sinh - hệ thống văn bản pháp lý đã hoàn tất. Những văn bản chính bao gồm: (1) quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán phái sinh quy định việc thiết lập sản phẩm niêm yết và hủy niêm yết khi đáo hạn, kết cấu phiên giao dịch, các loại lệnh, và tạm ngừng giao dịch; (2) quy chế thành viên thị trường chứng khoán phái sinh quy định điều kiện gia nhập thành viên thị trường phái sinh; quy định về nhà tạo lập thị trường.

Về phía VSD, ba bộ quy chế liên quan tới nghiệp vụ thanh toán bù trừ cũng đã được chi tiết hóa, trong đó gồm: (1) quy chế ký quỹ hướng dẫn thành viên và nhà đầu tư về các mức ký gửi và giá trị các tài sản thế chấp cũng như giới hạn vị thế khi tham gia thị trường, các thông tin về số liệu cụ thể sẽ được VSD cung cấp liên tục trong tháng, (2) quy chế thành viên bù trừ trên thị trường phái sinh yêu cầu chi tiết cách thức đăng ký tư cách thành viên bù trừ, các trách nhiệm đi kèm của thành viên bù trừ và các quy trình liên quan, (3) quy chế quản lý quỹ bù trừ cho thị trường phái sinh là điểm mới đảm bảo các bước đệm quản lý rủi ro khi thị trường rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán.

Thực hiện thanh toán cho thị trường phái sinh là ngân hàng VietinBank. Thời gian qua, VietinBank đã đầu tư hệ thống công nghệ mới và làm việc với VSD để thống nhất những quy định đảm bảo an toàn thanh toán.

Hạ tầng hệ thống giao dịch - bù trừ thanh toán cho thị trường phái sinh đã được HNX và VSD đầu tư đồng bộ trên cùng mặt bằng công nghệ, hệ thống đã được chạy thử liên tục nhiều lần kể từ tháng 10/2016 cho tới tháng 3/2017.

Cuối tháng 4 vừa qua, đợt thử nghiệm tổng duyệt toàn thị trường cũng đã hoàn thiện.

Đối với các thành viên tham gia thị trường phái sinh, hiện có 27 công ty chứng khoán đủ điều kiện tham gia làm thành viên giao dịch theo quy định về tiêu chuẩn vốn của Nghị định 42. Tuy nhiên, sau một thời gian đánh giá chi phí phát triển hệ thống cho giao dịch phái sinh, hiện nay chỉ có 8 công ty chứng khoán nắm giữ thị phần lớn nhất thị trường tham gia xây dựng, kết nối và chạy kiểm thử hệ thống. Các công ty này cũng đăng ký làm thành viên bù trừ của VSD.

Đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, việc ngân hàng thương mại tham gia làm thành viên giao dịch đặc biệt trực tiếp đầu tư tự doanh trên thị trường chứng khoán phái sinh cần được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán phái sinh và hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh.

Nếu chỉ là nhà đầu tư thông thường, các ngân hàng thương mại chỉ cần thông qua công ty chứng khoán môi giới là có thể tham gia giao dịch.

Chọn cách đi an toàn

Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời sau gần 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam vận hành.

Nhưng, đây không phải là thời điểm muộn để phát triển một thị trường mới ở bậc cao hơn. Bởi quãng thời gian đó là cần thiết để cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như các thành viên thị trường làm quen và nâng cao kiến thức, đạo đức kinh doanh, sử dụng các công cụ trên thị trường chứng khoán đáp ứng mục đích phát triển bền vững.

Thị trường tài chính Việt Nam đã hội nhập khá sâu với sự tham gia của ngày càng nhiều các tổ chức nước ngoài, các định chế đầu tư chuyên nghiệp và do đó, cần có thêm các công cụ đa dạng hơn để phòng hộ rủi ro, đáp ứng nhu cầu sinh lời, đồng thời tiến dần hơn tới các tiêu chuẩn của một thị trường tài chính hiện đại.

Trong khu vực Đông Nam Á, hiện cũng chỉ mới có 4 thị trường có sản phẩm phái sinh được giao dịch tập trung là Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Nay, Việt Nam sẽ là thị trường thứ 5 có các sản phẩm này.

Việc ra đời thị trường phái sinh cũng là đòi hỏi của các tổ chức tài chính quốc tế, đồng thời là bước tiến xa hơn tạo sự hấp dẫn cho thị trường tài chính Việt Nam nói chung, thu hút các dòng vốn đầu tư quốc tế lớn hơn.

Các sản phẩm phái sinh ban đầu được lựa chọn bao gồm hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ. Các hợp đồng này được chuẩn hóa, giao dịch tập trung và thanh toán được đảm bảo bởi trung tâm thanh toán bù trừ, theo cơ chế bù trừ trung tâm và rủi ro thanh toán gần như bằng không (trong kỳ 2 của loạt bài này, VnEconomy sẽ nói rõ hơn về sản phẩm chứng khoán phái sinh).

Đối với các tổ chức đầu tư tài chính, một thị trường muốn thoát khỏi trạng thái sơ khai và có thể đầu tư được luôn cần các công cụ phòng vệ rủi ro. Khác với nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức đầu tư lớn không thể thay đổi vị thế nhanh chóng cũng như không “đành lòng” nhìn giá trị danh mục đầu tư dài hạn sụt giảm mà không thể cố định lợi nhuận đạt được (lock performance) bằng một công cụ phòng vệ nào đó.

Chính vì thế, khi thị trường chứng khoán phái sinh ra đời tại Việt Nam, tuy ban đầu mới chỉ có hai sản phẩm đơn giản nhất, nhưng đó là một bước tiến lớn tới chuẩn quốc tế của một thị trường mới nổi.

Cùng với thời gian, thị trường phái sinh sẽ đa dạng hơn với nhiều sản phẩm cao cấp hơn. Tiến trình và tương lai đó không phải sẽ đến ngay lập tức, nhưng đã được định hình ngay từ bước đi đầu tiên.