12:32 14/08/2017

Chứng khoán sáng 14/8: Thanh khoản giảm mạnh

Lan Ngọc

Thị trường đã phục hồi khá tốt ngay đầu phiên sáng nay bất chấp nguy cơ lượng hàng bắt đáy rất lớn tuần trước về tài khoản

VN-Index đang tăng khá tốt dù thanh khoản rất đuối.
VN-Index đang tăng khá tốt dù thanh khoản rất đuối.
Thị trường đã phục hồi khá tốt ngay đầu phiên sáng nay bất chấp nguy cơ lượng hàng bắt đáy rất lớn tuần trước về tài khoản. Tuy nhiên  sự thận trọng vẫn rất cao khi thanh khoản lại xuống dốc quá nhiều.

VN-Index chốt phiên sáng trên tham chiếu 0,24% với 154 mã tăng/93 mã giảm. Vn30-Index tăng 0,36% với 22 mã tăng/5 mã giảm. Trên thị trường phái sinh, Hợp đồng tương lai kỳ hạn tháng 8 cũng tăng 0,12%. Hợp đồng này còn 3 ngày nữa là đáo hạn nên đang bám rất sát VN30-Index.

Thanh khoản trên thị trường phái sinh đã bắt đầu tăng mạnh. Sáng nay tổng giao dịch các kỳ hạn đã là 444 hợp đồng, tương đương 33,2 tỷ đồng giá trị. Riêng hợp đồng kỳ hạn tháng 8 giao dịch tới 350 hợp đồng (phiên trước là 510 hợp đồng). Đặc biệt là không còn giống với 2 phiên trước, đồng loạt cả 4 kỳ hạn đều đang tăng giá.

Mặc dù độ rộng của HSX phản ánh rõ nét đà tăng giá đang có xu thế áp đảo, nhưng giao dịch sáng nay kém sôi động. Thanh khoản sàn này bất ngờ giảm tới 23% về giá trị so với sáng phiên trước, chỉ đạt 1.447,1 tỷ đồng khớp lệnh. Rổ VN30 tuy cũng tăng giá phần lớn, nhưng giao dịch cũng giảm 32% về giá trị, đạt 701,5 tỷ đồng.

VN-Index sáng nay có thời điểm sụt giảm và VNM bị cho là nguyên nhân. Thực ra cổ phiếu này điều chỉnh giá trả cổ tức, còn thực tế là tăng. Cổ phiếu này đang chốt trên tham chiếu 0,1%.

Nếu có cổ phiếu nào xấu đột biến khiến chỉ số bị vạ lây thì là NVL. Cổ phiếu này sáng nay giảm tới 3,17% so với tham chiếu. NVL tuy vốn hóa cũng làng nhàng, chưa được vào Top 10, nhưng mức giảm quá mạnh khiến vốn hóa bay hơi tới gần 1.179 tỷ đồng. NVL thực chất đã rơi vào xu thế giảm từ tuần trước khi cả tuần mất tới 6,4% giá trị. Giá cổ phiếu này đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 6 tháng.

Một vài cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng đang giảm giá, nhưng mức giảm rất nhẹ và ảnh hưởng là không đáng kể. Chẳng hạn SAB giảm 0,2%, GAS giảm 0,16%. Rổ VN30 cũng có KDC giảm 0,93%, NT2 giảm 0,36%.

Phía tăng giá, nhóm cổ phiếu ngân hàng sáng nay khá đều, nhưng mức độ chưa đồng đều. BID tăng 1,23%, STB tăng 0,84%, CTG tăng 0,79%, MBB tăng 0,89%, VCB tăng 0,53%, EIB tăng 0,4%. Vai trò đầu tàu của nhóm blue-chips lại thuộc về PLX tăng 2,33% và HPG tăng 1,68%. PLX gia tăng vốn hóa tới gần 1.941 tỷ đồng. Chỉ riêng PLX đã đủ bù hết cho vốn hóa giảm ở các blue-chips còn lại.

Sàn HNX giao dịch không thật sự mạnh như HSX vì độ rộng chỉ cân bằng. Tuy nhiên yếu tố vốn hóa có lợi hơn nên HNX-Index vẫn tăng 0,21% chỉ với 81 mã tăng/87 mã giảm. HNX30 tăng 0,25% với 11 mã tăng/8 mã giảm. Sức mạnh của chỉ số đến từ SHB tăng 1,28%, VCS tăng 0,38%, PVI tăng 0,6%.

Thanh khoản trên HNX lại có mức tăng gần 10% so với phiên trước, đạt 287,4 tỷ đồng. Trong khi đó giao dịch tại rổ HNX30 lại giảm khoảng 2%. Nguyên nhân là do xuất hiện giao dịch khá lớn ở SHB, VE9, trong khi các cổ phiếu như SHB, KLF, ACB lại sụt giảm đáng kể.

Tất cả các chỉ số quan trọng nhất của thị trường sáng nay đều tăng, thị trường phái sinh cũng tăng, nhưng giao dịch lại giảm. Tính chung ở hai sàn, giá trị khớp lệnh chỉ là 1.734,5 tỷ đồng, giảm 20% so với phiên trước. Đây là phiên sáng yếu nhất trong 14 ngày giao dịch gần nhất.

Các phiên tuần trước, quy mô giao dịch phiên sáng có giảm dần nhưng không mạnh như vậy mà chỉ giảm lớn vào buổi chiều. Hôm nay thanh khoản suy yêu từ sáng. Nếu chiều nay thanh khoản không được cải thiện thì hôm nay sẽ là một phiên thấp đột biến.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giao dịch chậm cả hai chiều. Rất hiếm blue-chips được mua ròng đủ đáng kể ngoài HPG, DHG. Vài mã khác như DXG, VIP cũng được mua khá. Tuy nhiên đa số blue-chips chỉ được mua ròng nhỏ giọt. Phía bán vẫn xuất hiện SSI bị xả rất nhiều, tiếp đến là HAG, CTG. Tính chung HSX vẫn đang được mua ròng nhẹ 24 tỷ đồng, HNX bị bán ròng hơn 4 tỷ đồng.