Chuyên gia WB: "Đây là thời điểm Chính phủ Việt Nam cần tăng gấp đôi nỗ lực"
WB đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn tích cực trong trung hạn, dù vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý kinh tế trên toàn cầu
Sáng ngày 10/10, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật kinh tế của Ngân hàng Thế giới tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) với tiêu đề "Thích ứng rủi ro".
Phải hội nhập sâu sắc hơn
Trong báo cáo này, WB dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sẽ giảm từ 6,3% năm 2018 xuống còn 5,8% năm 2019; 5,7% và 5,6% cho năm 2020 và 2021, do tăng trưởng xuất khẩu và các hoạt động chế tạo, chế biến giảm đồng loạt.
Báo cáo nêu rõ căng thẳng thương mại tăng lên gây nguy cơ dài hạn cho tăng trưởng trong khu vực. Mặc dù một số nước trước đây hi vọng được hưởng lợi từ sự sắp xếp lại của trật tự thương mại toàn cầu, nhưng sự thiếu linh hoạt trong các chuỗi giá trị toàn cầu là yếu tố hạn chế sự vươn lên của các quốc gia tại khu vực trong ngắn hạn.
"Mặc dù các doanh nghiệp đang tìm cách né thuế quan, nhưng các quốc gia đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương khó có thể thay thế vai trò của Trung Quốc trong các chuỗi giá trị toàn cầu trong ngắn hạn do hạ tầng còn hạn chế và quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ", ông Andrew Mason, chuyên gia kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
"Nhiều quốc gia trong khu vực như Việt Nam đang hưởng lợi ích ngắn hạn nhờ việc chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc. Nhưng tôi muốn nói rõ rằng, đây chỉ là lợi ích ngắn hạn. Bởi ta phải quay lại mục tiêu lớn hơn, đó là trật tự thương mại kinh tế toàn cầu trước đây, dù chưa biết bao giờ kết quả này sẽ tới", ông Mason nhấn mạnh.
Ông Mason cho rằng trong bối cảnh này, các nền kinh tế cần phải hội nhập sâu sắc hơn, tập trung vào các hiệp định như Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - tập hợp các quốc gia ASEAN và sát vùng nước Ấn Độ - Thái Bình Dương và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) , bao gồm cả các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, nhằm giúp tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.
WB khuyến nghị các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương nếu còn dư địa chính sách, thì cần sử dụng một cách thận trọng để hỗ trợ tăng trưởng.
"Chính phủ Việt Nam cần tăng gấp đôi nỗ lực"
Về kinh tế Việt Nam, WB đánh giá triển vọng vẫn tích cực trong trung hạn dù vẫn còn những rủi ro theo hướng suy giảm. Tăng trưởng GDP theo giá so sánh dự báo sẽ giảm đà từ 7,1% năm 2018 xuống mức trên dưới 6,6% năm 2019, do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng sản xuất nông nghiệp yếu hơn. Tốc độ tăng trưởng dự kiến tiếp tục đà giảm trong các năm 2020 và 2021 xuống tốc độ bền vững hơn là 6,5%, phù hợp hơn với mức sản lượng tiềm năng.
WB cảnh báo Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý kinh tế trên toàn cầu, do mở cửa thương mại mạnh mẽ và dư địa chính sách tài khoá và tiền tệ tương đối hạn chế. Căng thẳng thương mại leo thang và suy giảm toàn cầu mạnh hơn so với dự kiến có thể gây sức ép cho đà tăng trưởng của Việt Nam.
WB cho rằng nếu những cải cách cơ cấu, tài khoá và khu vực ngân hàng được thực hiện mạnh mẽ hơn, thì sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro suy giảm và hỗ trợ tăng trưởng cao bền vững.
"Đây là thời điểm Chính phủ cần tăng gấp đôi nỗ lực, nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Chính phủ cần tập trung vào các việc cần thiết, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài", ông Mason khuyến nghị.
Ông Mason nhận định tăng trưởng tiêu dùng nội địa mạnh mẽ và năng lực cạnh tranh ngày càng cao là hai động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện tại.
Về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư ngoại và thu hút nhiều FDI hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Tuy nhiên, ông đánh giá rằng: "Kết nối giữa FDI và khu vực tư nhân tại Việt Nam vẫn còn yếu.Do đó, chính phủ cần có biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này".