Có dấu hiệu bỏ lột tội phạm trong kiểm toán hay không?
Đề nghị Tổng kiểm toán cho biết có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công không? Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi
Không chỉ các thành viên Chính phủ, Chánh án toà án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao mà Tổng kiểm toán nhà nước cũng đã đăng đàn trả lời chất vấn.
Sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý đặt vấn đề, năm 2018, Kiểm toán nhà nước đã ban hành 269 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 4 vụ sang cơ quan điều tra.
Đề nghị Tổng kiểm toán cho biết có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công không? Dư luận cho rằng, có hiện tượng móc ngoặc chia nhau tiền vi phạm để khỏi bị chuyển cơ quan điều tra. Quan điểm của Tổng kiểm toán về dư luận trên như thế nào? Tổng kiểm toán có cam kết gì trước Quốc hội và cử tri cả nước? đại biểu Thuý chất vấn.
Trả lời, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết năm 2017 (không phải 2018 như đại biểu nói - PV) Kiểm toán nhà nước đã chuyển cho cơ quan điều tra 4 vụ và chuyển 12 bộ hồ sơ cho các cơ quan quản lý khác để xử lý theo pháp luật, như vậy có 16 vụ.
Ông Phớc cũng nói rõ, theo luật thì Kiểm toán nhà nước sẽ thực hiện 3 loại hình kiểm toán là kiểm toán báo cáo tài chính để xác nhận các thông tin kinh tế và xác nhận báo cáo tài chính.
Thứ hai, kiểm toán, việc tuân thủ pháp luật để xác nhận và đánh giá việc vi phạm pháp luật.
Thứ ba, kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả, hiệu lực và tính kinh tế cũng như trách nhiệm kinh tế của người quản lý tài chính công và tài sản công trrên cơ sở hồ sơ kiểm toán mà các đơn vị kiểm toán cung cấp.
Kiểm toán nhà nước không có chức năng điểu tra, Tổng kiểm toán nhấn mạnh.
Thông tin tiếp theo từ Tổng kiểm toán là trong thời gian vừa qua, cơ quan này đã có nhiều kiến nghị để bịt lỗ hổng chính sách, chẳng hạn như bịt lỗ hổng ở BOT, trong cơ chế BT, trong vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp, trong chính sách ở các khu kinh tế, chính sách thuế cũng như việc quản lý tài chính công, tài sản công.
Về phía Kiểm toán nhà nước, chúng tôi đã có chỉ thị số 769 về việc phòng, chống tham nhũng thông qua kết quả kiểm toán và công điện 413 ngày 6/3/2018 về việc đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán và trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện phòng, chống tham nhũng, ông Phớc cho hay.
Tiếp đó, Tổng kiểm toán nêu một số kết quả trong năm 2017, như đã kiến nghị xử lý tài chính 91 ngàn tỷ, trong đó thu ngân sách 38,450 tỷ đến nay đã thu được 78,2%. Kiểm toán cũng kiến nghị sửa đổi 150 văn bản để bịt các chỗ hổng, khe hở, tránh thất thoát tài chính công, tài sản công. Đến nay Chính phủ và các bộ, ngành đã sửa được 40 văn bản trên 150 văn bản, chiếm 26,7% . 2018 thì 9 tháng đầu năm kiến nghị là xử lý tài chính 50.020 tỷ, đến nay thực hiện được 55,2% và kiến nghị sửa đổi 159 văn bản thì đến nay sửa được 7 văn bản.
Về phía Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu ngành cho biết đã có quản lý nội bộ, ngành bằng các biện pháp như nhật ký online, thực hiện kiểm soát đột xuất, thanh tra đột xuất, chấm điểm, bình bầu trong các tổ kiểm toán và mỗi khi có được một thông tin về vấn đề kiểm toán viên vi phạm thì tổ chức kiểm tra ngay. Nếu không phát hiện được dấu hiệu tiêu cực nhưng phát hiện sai quy trình cũng đình chỉ việc kiểm toán.
Kiểm toán nhà nước đang tập trung xây dựng để trở thành một cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công có trách nhiệm, chuyên nghiệp, uy tín và hiện đại, ông Phớc trả lời đại biểu Thuý.