08:00 14/10/2023

Cổ phiếu Grab lao dốc, Singapore khó thành “Silicon Valley của Châu Á”

Bảo Bình

Anthony Tan đã thành lập Grab Holdings Ltd. vào năm 2012, đúng thời điểm các công ty dịch vụ gọi xe đang phát triển. Grab chính là câu trả lời của khu vực Đông Nam Á với Uber...

Anthony Tan, ở giữa bên phải, cùng với người đồng sáng lập Grab Tan Hooi Ling trong ngày giao dịch đầu tiên. Ảnh: Bloomberg
Anthony Tan, ở giữa bên phải, cùng với người đồng sáng lập Grab Tan Hooi Ling trong ngày giao dịch đầu tiên. Ảnh: Bloomberg

Masayoshi Son, tỷ phú sáng lập Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư mạo hiểm ủng hộ Uber, cũng đứng sau Grab. Các nhà đầu tư khác bao gồm BlackRock, Fidelity, Morgan Stanley và Temasek, công ty đầu tư nhà nước Singapore.

Trước khi bắt đầu giao dịch công khai, Grab được định giá 40 tỷ USD, gần bằng American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines cộng lại. Tan, lúc đó mới 39 tuổi, đang trên đà trở thành tỷ phú.

Vào lúc 9:30 sáng theo giờ New York ngày 2/12/2021, Tan và người đồng sáng lập Tan Hooi Ling đã rung chuông khai trương IPO Grab trên Nasdaq từ xa Shangri-La. Một trận bão hoa giấy tràn ngập căn phòng. Ca khúc We Are the Champions vang lên. Nhưng cổ phiếu đã giảm 21% vào cuối ngày giao dịch. Sau đó lại rơi nhiều hơn. Ngay cả sau đợt phục hồi gần đây, Grab vẫn giảm gần 70%.

CỔ PHIẾU GRAB SỤT GIẢM GIÁNG ĐÒN MẠNH VÀO SINGAPORE

Sự đánh giá lạnh lùng của thị trường đặt ra câu hỏi về tương lai của Grab và sự nhạy bén trong đầu tư của Son. Grab đã huy động tiền trong một hoạt động phức tạp liên quan đến cấu trúc công ty được gọi là công ty mua lại có mục đích đặc biệt, hay SPAC. Đó đã và vẫn là thỏa thuận SPAC lớn nhất trong lịch sử.

Cổ phiếu Grab sụt giảm là một đòn giáng mạnh vào đất nước mà hãng đặt trụ sở chính: Singapore. Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1965, Singapore với 5,9 triệu dân đã phát triển thịnh vượng nhờ hoan nghênh và hỗ trợ công nghiệp và thương mại, cuối cùng trở thành trung tâm hàng hóa và tài chính. Nhưng tại sao không phải là công nghệ?

Năm 2011, bộ phận khởi nghiệp của trường đại học quốc gia Singapore, cùng với công ty đầu tư mạo hiểm của một công ty viễn thông liên kết với nhà nước và một cơ quan chính phủ về phát triển truyền thông, đã thành lập một vườn ươm công nghệ, được gọi là Block71. Đến nay, hơn 1.100 công ty đã được nuôi dưỡng thông qua trung tâm có trụ sở trên khắp châu Á và Hoa Kỳ.

Khu vực xung quanh Block71 đã thu hút các công ty như Canon và Fujitsu, cũng như Grab, công ty có trụ sở chín tầng ở đó. Hai công ty khác có trụ sở tại Singapore nữa là Razer, công ty sản xuất máy tính xách tay, chuột và tai nghe chơi game trên máy tính, và Sea, công ty đã phát triển trò chơi chiến đấu đình đám Free Fire và có trang thương mại điện tử Shopee cạnh tranh với Amazon.com. Sea Ltd. từng là cổ phiếu hot nhất thế giới, tăng hơn 24 lần kể từ khi niêm yết tại New York vào năm 2017 cho đến đỉnh điểm vào tháng 10 năm 2021, đạt giá trị thị trường hơn 200 tỷ USD.

Nhưng cả ba niềm hy vọng công nghệ lớn nhất của Singapore đều sụp đổ. Cổ phiếu của Sea đã giảm gần 90%; sa thải hàng ngàn người để cắt giảm chi phí. Razer, vốn gặp khó khăn với tư cách là một công ty đại chúng, đã chuyển sang tư nhân. Và giờ đây, theo Bloomberg, Grab tiếp tục là điển hình cho thấy tại sao tại sao một số nhà đầu tư mạo hiểm đã quá vội vàng khi gọi Singapore là Thung lũng Silicon của Châu Á.

GRAB ĐÃ TIẾN HÀNH IPO QUA CHIẾN LƯỢC SPAC

Tan lớn lên ở Malaysia và bắt đầu công việc kinh doanh của mình trong một nhà kho cách đây 11 năm. Tại thủ đô Kuala Lumpur, công ty của ông, khi đó có tên là MyTeksi, cho phép khách hàng gọi taxi bằng điện thoại thông minh. Tân xuất thân từ một gia đình doanh nhân. Ông nội của ông đã làm giàu từ ngành công nghiệp ô tô, đồng sáng lập Tan Chong Motor Holdings Bhd. vào năm 1957 để lắp ráp và bán xe Nissan tại Malaysia. Cha ông là chủ tịch của một công ty giao dịch đại chúng. Giống như nhiều người châu Á ưu tú, Tan theo học đại học ở Mỹ, học kinh tế và chính sách công tại Đại học Chicago trước khi lấy bằng MBA tại Đại học Harvard.

Anthony Tan trong văn phòng Grab Singapore năm 2021. Ảnh: Bloomberg
Anthony Tan trong văn phòng Grab Singapore năm 2021. Ảnh: Bloomberg

Hai năm sau khi thành lập công ty, Tan gặp Son, người sáng lập và giám đốc điều hành SoftBank tại Tokyo. Son đã nổi tiếng nhờ đặt cược cực kỳ thành công vào Alibaba Group Holding Ltd., Amazon của Trung Quốc. SoftBank cam kết hỗ trợ 250 triệu USD cho hoạt động kinh doanh của Tan. Năm 2014, công ty chuyển đến Singapore và sau đó đổi tên thành Grab khi chuẩn bị đẩy nhanh việc mở rộng ra toàn khu vực. (Năm 2020 công ty đã mở trụ sở thứ hai tại Jakarta.)

Vào ngày 26/3/2018, Grab đã mua lại hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của Uber Technologies Inc. để đổi lấy 27,5% cổ phần của Grab. Đó là một thắng lợi lớn cho Tan khi Uber rút khỏi khu vực. Grab đã tích hợp Uber Eats vào một doanh nghiệp giao đồ ăn hiện có và đặt tên thương hiệu là GrabFood vào cuối năm đó.

Tan bắt đầu gọi công ty của mình là “siêu ứng dụng” hàng đầu Đông Nam Á, xử lý các dịch vụ vận chuyển, giao hàng và tài chính. Quảng cáo khắp nơi, khách hàng của Grab đã quen với những chuyến đi được giảm giá cao.

Đến năm 2020, các nhà đầu tư coi Grab là ứng cử viên đầy triển vọng để IPO. Tan cuối cùng đã quyết định chiến lược SPAC. Trong một thỏa thuận phức tạp, một nhà tài trợ - trong trường hợp của Grab là Altimeter Capital Management có trụ sở tại Hoa Kỳ - thành lập một công ty vỏ bọc và tìm cách hợp nhất nó với một công ty thực tế có hoạt động thực sự, đó là Grab. Nếu đạt được thỏa thuận, họ sẽ kết hợp và - thế là - công ty thực tế hiện đã được giao dịch công khai. Việc thiết lập này cho phép công ty tránh được quá trình kéo dài của đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng truyền thống. Với việc SPAC ngày càng phổ biến hơn, rất ít người đặt câu hỏi. Nhiều người đặt kỳ vọng lớn vào thương vụ Grab.

CỐ GẮNG PHỤC HỒI

Singapore tuy giàu có nhưng lại quá nhỏ để hỗ trợ các công ty tiêu dùng đang phát triển nhanh chóng; một số thị trường Đông Nam Á khác của Grab là nơi khó kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Và mỗi thị trường đều có ngôn ngữ, phong tục và quy định riêng, khiến việc phát triển trở thành một thách thức.

Grab đang cố gắng phục hồi trở lại. Công ty đã thu hẹp chiến lược siêu ứng dụng của mình, mặc dù vẫn cung cấp các dịch vụ thanh toán và ngân hàng kỹ thuật số khác, cùng với các chuyến đi và giao hàng. SoftBank vẫn là cổ đông lớn nhất của Grab với 19% cổ phần và người sáng lập công ty bày tỏ sự tin tưởng vào Tan. Uber vẫn nắm giữ 14% cổ phần Grab.

Biểu đồ diễn biến giá của cổ phiếu Grab. Nguồn: Bloomberg
Biểu đồ diễn biến giá của cổ phiếu Grab. Nguồn: Bloomberg

Grab vẫn là một doanh nghiệp đáng kể với khoảng 35 triệu người dùng hàng tháng. Hoạt động tại 8 quốc gia và hơn 500 thành phố, công ty đạt doanh thu 1,4 tỷ USD vào năm ngoái và giá trị thị trường là hơn 13 tỷ USD. Đó là một cái tên quen thuộc trong vùng; logo của Grab, thường được viết bằng hai đường màu xanh lá cây uốn cong như một con đường - là một hình ảnh quen thuộc từ Bangkok đến Borneo. Đại đa số các nhà phân tích theo dõi Grab đều đưa ra khuyến nghị về cổ phiếu của công ty này.