Công tố viên đặc biệt kết thúc điều tra về mối quan hệ ông Trump với Nga
Bản báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cuộc điều tra này đã được nộp lên Bộ Tư pháp Mỹ
Công tố viên đặc biệt của Mỹ Robert Mueller ngày 22/3 đã kết thúc cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ nghi vấn có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump với Nga.
Theo tin từ BBC, bản báo cáo của ông Mueller về cuộc điều tra này đã được nộp lên Bộ Tư pháp Mỹ. Dự kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp William Barr sẽ sớm tóm tắt báo cáo và chia sẻ thông tin với Quốc hội Mỹ vào cuối tuần này.
Một quan chức của Bộ Tư pháp nói rằng báo cáo của ông Mueller không đề nghị có thêm sự truy tố nào. Trước đó, trong thời gian điều tra, ông Mueller đã đưa ra buộc tội đối với 6 cựu trợ lý của ông Trump và hàng chục nhân vật Nga.
Báo cáo của ông Mueller nhằm giải thích các quyết định truy tố mà vị công tố viên đặc biệt đưa ra trong cuộc điều tra kéo dài 22 tháng, kể từ khi ông được Bộ Tư pháp Mỹ bổ nhiệm.
Về phần mình, ông Trump và một số nhân vật cấp cao khác của Đảng Cộng hòa đã nhiều lần chỉ trích cuộc điều tra của ông Mueller. Ông Trump thậm chí đã có lần gọi cuộc điều tra này là một "cuộc săn phù thủy".
Ông Barr nói sẽ tham vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein và ông Mueller "để quyết định xem thông tin nào từ bản báo cáo có thể được công bố trước Quốc hội và công chúng".
Trong quá trình điều tra, ông Mueller đã đưa ra nhiều thông tin về việc gián điệp Nga thu thập thông tin về bầu cử Mỹ để tiến hành một chiến dịch nhằm gây ảnh hưởng lên cử tri Mỹ, bơm tiền cho các hoạt động chính trị ở Mỹ và tấn công vào hòm thư điện tử (email) của Đảng Dân chủ nhằm làm suy yếu chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Hillary Clinton.
Ngoài ra, ông Mueller cũng điều tra nghi vấn ông Trump cản trở công lý khi sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey, hoặc bằng cách đánh lạc hướng hoặc tìm cách chấm dứt cuộc điều tra.
Đến nay, ông Trump luôn khẳng định ông không hề có sự thông đồng với Nga, và cũng không hề cản trở công lý. Ông Trump không đồng ý có bất kỳ cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp nào với ê-kíp của ông Mueller trong thời gian diễn ra cuộc điều tra.
Ở thời điểm hiện tại, những gì xảy ra tiếp theo đang nằm trong tay của ông Barr.
Theo quy định của luật Mỹ, vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp không có bất kỳ nghĩa vụ nào phải công bố bản báo cáo trước công chúng. Những thông tin mà ông đưa ra với Quốc hội có thể chỉ ở mức hạn chế, nhưng trong những phiên điều trần trước đây, ông Barr đã cam kết sẽ công bố thông tin nhiều nhất có thể.
Trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đã rục rịch bắt đầu, các ứng cử viên được cho là sẽ vận động tranh cử bằng lời hứa làm cho bản báo cáo của ông Mueller phải được công bố đầy đủ. Các ứng cử viên tiềm năng của Đảng Dân chủ như Beto O'Rourke, Bernie Sanders, Cory Booker, Amy Klobuchar, Kirsten Gillibrand, và Julian Castro đều đã lên tiếng kêu gọi công bố toàn bộ báo cáo.