10:23 19/11/2008

Công ty chứng khoán phá sản, khung pháp lý đã đủ “chặt”?

Lê Hường

Chuyện phá sản của nhiều công ty chứng khoán là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới

Nhà đầu tư cần phải tự bảo vệ mình trước khi công ty chứng khoán nơi mở tài khoản có khả năng phá sản - Ảnh: Việt Tuấn.
Nhà đầu tư cần phải tự bảo vệ mình trước khi công ty chứng khoán nơi mở tài khoản có khả năng phá sản - Ảnh: Việt Tuấn.
Hiệp hội kinh doanh chứng khoán cho biết, khoảng 70-80% các công ty chứng khoán đang hoạt động cầm chừng. Như vậy, chuyện phá sản của nhiều công ty chứng khoán là điều hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 114/2008/NĐ-CP để hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khung pháp lý như vậy chưa đủ để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư là ai khi công ty chứng khoán phá sản?

Luật phá sản hiện hành và Nghị định 114 không xem xét các nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá sản của công ty chứng khoán cũng như xác định nguyên nhân công ty chứng khoán làm thất thoát tài sản là chứng khoán và tiền của nhà đầu tư.

Việc bị thất thoát tài sản này có thể là hậu quả của nhiều nguyên nhân. Việc làm rõ các nguyên nhân này là do các cơ quan có thẩm quyền khác ngoài Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán xem xét và xử lý theo các quy định của các luật chuyên ngành khác.

Trong trường hợp này, tuỳ thuộc vào yếu tố lỗi cố ý hay vô ý của công ty chứng khoán mà người quản lý và/hoặc nhân viên của công ty chứng khoán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các hành vi phạm tội tương ứng.

Luật phá sản 2004 và Nghị định 114 chỉ đưa ra biện pháp để thực hiện thủ tục phá sản công ty chứng khoán nhằm mục đích giải quyết quyền lợi của chủ nợ.

Về nguyên tắc, khi nhà đầu tư mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tại công ty chứng khoán thì công ty chứng khoán có nghĩa vụ quản lý tài sản của nhà đầu tư và thực hiện các giao dịch theo lệnh của nhà đầu tư thông qua tài khoản đó theo các hợp đồng mở tài khoản để thực hiện các giao dịch mua, bán chứng khoán đã ký giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư.

Trong trường hợp công ty chứng khoán rơi vào tình trạng phá sản đồng thời làm thất thoát tài sản của nhà đầu tư, về nguyên tắc công ty chứng khoán đã không thực hiện đúng các cam kết về nghĩa vụ quản lý tài sản cho nhà đầu tư và về mặt pháp lý sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại tài sản hoặc bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư.

Nếu không thể hoàn trả lại được bằng hiện vật, thì hoàn trả bằng tiền có giá trị tương đương. Khi đó, nhà đầu tư sẽ trở thành chủ nợ có bảo đảm (có tài sản cầm cố, thế chấp trong công ty chứng khoán), chủ nợ không có đảm bảo (không có tài sản cầm cố, thế chấp trong công ty chứng khoán) hoặc chủ nợ có bảo đảm một phần (có một phần tài sản cầm cố, thế chấp tại công ty chứng khoán), tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư.

Việc phân loại chủ nợ như vậy sẽ kéo theo việc các nhà đầu tư được pháp luật đối xử khác nhau theo nguyên tắc chủ nợ có đảm bảo, người lao động rồi mới đến các chủ nợ không có đảm bảo.

Thực tế vấn đề bồi thường thiệt hại do lỗi của công ty chứng khoán trong việc làm thất thoát tài sản của nhà đầu tư trong thực tế rất khó xác định do đặc thù của chứng khoán là thay đổi từng ngày từng giờ.

Thêm vào đó cũng cần xem xét đến việc công ty chứng khoán có lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư hay mua bảo hiểm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán để bồi thường cho nhà đầu tư hoặc có thỏa thuận khác hay không.

Theo bà Phạm Thị Bích Liên, Luật sư Công ty luật hợp danh Luật Việt, các nhà đầu tư cũng cần phải tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách rà soát lại các giấy tờ, thỏa thuận, hợp đồng đã ký với các công ty chứng khoán khi đăng ký mở tài khoản giao dịch chứng khoán.

“Trong trường hợp cần thiết nên có những thỏa thuận bổ sung và chi tiết về việc bồi thường thiệt hại đối với tiền và chứng khoán trong tài khoản của nhà đầu tư mở tại công ty chứng khoán khi có dấu hiệu cho thấy công ty chứng khoán đó liên tục thua lỗ, có dấu hiệu lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn” – bà Liên khuyến cáo.

Lựa chọn doanh nghiệp chuyển giao

Về quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu trong việc yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán, khoản 2 Điều 9 Nghị định này có quy định: “Ủy ban Chứng khoán có quyền yêu cầu doanh nghiệp chứng khoán bàn giao quyền và nghĩa vụ đối với các nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khác thay thế.

Việc lựa chọn đối tác để bàn giao quyền và nghĩa vụ do doanh nghiệp tự thỏa thuận và phải được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận hoặc Ủy ban Chứng khoán sẽ chỉ định doanh nghiệp nhận chuyển giao nếu công ty chứng khoán không tự thỏa thuận được với đối tác nhận bàn giao”.

Điều 12 Nghị định 114 quy định mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản phải chịu sự giám sát, kiểm tra của Thẩm phán và Tổ quản lý, Thanh lý tài sản.

Đây là quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, buộc công ty chứng khoán phải chịu sự giám sát đối với các giao dịch kinh doanh của mình sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản.

Mặc dù vậy, Nghị định 114 ngoài việc quy định ràng buộc sự can thiệp và chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán đối với thỏa thuận hoặc hợp đồng chuyển giao nhưng lại không có một quy định nào cho thấy việc chuyển giao những quyền, nghĩa vụ của công ty chứng khoán đã cam kết với nhà đầu tư cho doanh nghiệp khác phải thông báo hay được sự đồng ý của nhà đầu tư trước khi tiến hành chuyển giao, đặc biệt là khi công ty chứng khoán lâm vào tình trạng phá sản nhưng chưa có quyết định mở thủ tục phá sản.

Theo phân tích của Luật sư Vũ Thị Huệ, Công ty Luật hợp danh Luật Việt, điều này chưa thực sự bảo vệ được quyền lợi cho nhà đầu tư, bởi lẽ khi nhà đầu tư mở tài khoản và thực hiện các giao dịch tại công ty chứng khoán là họ đã quan tâm đến khả năng tài chính, khả năng chịu đựng rủi ro cũng như cơ hội thu được lợi nhuận của công ty chứng khoán trong việc làm gia tăng giá trị tài sản của nhà đầu tư và bảo toàn khối tài sản đó.

Vậy, liệu doanh nghiệp nhận chuyển giao để thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà đầu tư có đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của nhà đầu tư hay không, trong khi nhà đầu tư không hề được thông báo hay có bất kỳ quyền gì đối với việc chuyển giao đó, mặc dù đã được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận?