07:44 20/01/2011

CPI tháng 1 có khả năng vẫn tăng cao

Diệu Hương

“Triển vọng” của CPI tháng 1, mới đây đã phần nào được Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) hé mở

CPI tháng 1/2011 có khả năng sẽ tăng thấp hơn con số 1,98% của tháng cuối năm ngoái.
CPI tháng 1/2011 có khả năng sẽ tăng thấp hơn con số 1,98% của tháng cuối năm ngoái.
“Triển vọng” của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1, mới đây đã phần nào được Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) hé mở, qua một báo cáo về tình hình giá cả thị trường 15 ngày đầu tháng, xuất bản ngày 18/1 vừa qua.

Trong khi vàng giảm giá nhẹ, USD ổn định trong nửa đầu tháng 1, thì các khoản tiền thanh toán, tạm ứng công trình, thưởng cuối năm..., cùng lúc với việc tiền mới được tung ra trong dịp này để phục vụ nhu cầu mừng tuổi năm mới. Tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tháng 12/2010 so với tháng trước đó còn tăng 2,28% và 1,87% đang đẩy cầu hàng hóa, dịch vụ tăng cao tháng giáp Tết.

Ở chiều ngược lại, tình hình thời tiết không thuận tại miền Bắc (rét đậm, rét hại) và miền Nam (mưa kéo dài) khiến nguồn cung nhiều mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, trở nên khó khăn hơn. Biểu hiện ra bên ngoài, cán cân cung - cầu đã có phần thiên lệch.

Cho nên, điểm đáng chú ý tại bản báo cáo của Cục Quản lý giá chính là các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Nhóm hàng có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa, dịch vụ tính CPI tháng này ghi nhận sự tăng giá khá mạnh của nhiều mặt hàng, đặc biệt là rau xanh. Giá một số loại rau quả tươi ở khu vực miền Bắc nửa đầu tháng 1 tăng khá mạnh từ 20% đến gấp đôi, đương đương khoảng 2-4 nghìn đồng/kg, tùy loại. Nguyên nhân được xác định là do tác động của thời tiết liên tục rét đậm, rét hại làm chậm sự phát triển nhiều loại rau quả, khiến nguồn cung hạn chế.

Một số mặt hàng ghi nhận mức tăng giá khá mạnh chỉ trong nửa đầu tháng 1 như hành lá tăng từ 8 lên 10 nghìn đồng/kg; cà chua tăng từ 5 lên 8 nghìn đồng/kg; rau cải tăng từ 3 nghìn đồng  lên 7 nghìn đồng/kg; cải chíp từ 10 lên 13 nghìn đồng/kg; các loại bầu, bí, mướp cũng tăng 500-2.000 đồng/kg…

Giá mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng trong xu hướng tăng, từ 5 -10%, tùy loại, đặc biệt là thịt lợn hơi, lợn mông sấn, bò thăn... Gà ta làm sẵn tăng khoảng 5 nghìn đồng/kg, lên mức 100-125 nghìn đồng/kg... Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá chép, tôm, mực ống…cũng tăng giá khoảng 5-10 nghìn đồng/kg tuỳ loại.

Trong khi đó, giá gạo trong nước tuy khá ổn định trong nửa đầu tháng 1 nhưng đang đứng trước áp lực từ tăng giá xuất khẩu. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu loại 5% tấm đã tăng 5-15 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng 10  USD/tấn so với cùng kỳ tháng 12/2010.

Không có sự bất thường khi các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng giá trong tháng giáp Tết Nguyên đán, nhưng mức tăng khá mạnh cũng đủ tạo nên lo lắng khi khoản tiền thưởng Tết năm nay ở nhiều doanh nghiệp sụt giảm hơn năm ngoái.

Tuy nhiên, nhóm tăng giá chưa dừng lại ở đó. Các mặt hàng vật liệu xây dựng chính, khí đốt... cũng đang gia tăng áp lực lên chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tháng 1/2011.

Thị trường nửa đầu tháng 1 ghi nhận giá xi măng tại các tỉnh phía Bắc đã tăng bình quân 30 nghìn đồng/tấn; giá thép cũng đã được một số doanh nghiệp sản xuất điều chỉnh tăng từ 300-800 đồng/kg ở cả miền Bắc và miền Nam; trong khi giá khí hóa lỏng LPG cũng tăng 3-3,2 nghìn đồng/bình 12kg kể từ ngày 1/1/2011.

Riêng mặt hàng xăng dầu, do thực hiện chủ trương bình ổn giá nên đững ở mức cũ. Tuy nhiên, trước áp lực tăng giá thế giới, mức sử dụng quỹ bình ổn đối với dầu diezen đã tăng từ 1.000 đồng/lít lên mức 1.600 đồng/lít, áp dụng từ ngày 15/1/2011, đồng thời giảm thuế các chủng loại xăng dầu từ ngày 14/1/2011.

Ngoài ra, các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán khác cũng nằng trong vòng xoáy tăng giá như hàng thời trang đặc biệt là quần áo mùa đông, giày dép, rượu, bia lon, thuốc lá đồ dùng gia đình, dịch vụ làm đẹp...

Dự kiến, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2011 sẽ được Tổng cục Thống kê công bố chính thức vào đầu tuần tới.