09:33 04/11/2008

Cung tiền mạnh, lãi suất giảm nhanh

Minh Đức

Với chính sách mới, lượng vốn khả dụng dư thừa có thể lên đến 100.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay cũng đồng loạt giảm nhanh

Tính chung, lượng vốn khả dụng dư thừa thời gian tới của các ngân hàng thương mại có thể lên tới trên con số 100.000 tỷ đồng.
Tính chung, lượng vốn khả dụng dư thừa thời gian tới của các ngân hàng thương mại có thể lên tới trên con số 100.000 tỷ đồng.
Với chính sách mới, lượng vốn khả dụng dư thừa tại các ngân hàng có thể lên đến 100.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay cũng đồng loạt giảm nhanh.

Ngày 3/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có loạt quyết định quan trọng theo hướng nới lỏng hơn chính sách tiền tệ, tập trung hỗ trợ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại và tiếp vốn cho nền kinh tế.

Sẽ có khoảng 100.000 tỷ đồng vốn dư thừa

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết trong khoảng hai tháng qua, lượng vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại bắt đầu có dấu hiệu dư thừa, từ 30.000 tỷ đồng lên 40.000 tỷ đồng và gần đây là khoảng 50.000 tỷ đồng.

Con số 50.000 tỷ đồng đó cũng đã được Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định vào cuối tháng 10 vừa qua.

Ngoài 50.000 tỷ đồng nói trên, lượng vốn khả dụng của các ngân hàng còn được tiếp thêm từ 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc giải phóng trước hạn.

Và theo tính toán của bộ phận kinh doanh trái phiếu của Dragon Capital, trong tháng 10 và 11/2008 sẽ có thêm khoảng 1,3 tỷ USD (khoảng 22.000 tỷ đồng) trái phiếu chính phủ đáo hạn, chủ yếu là của các ngân hàng thương mại.

Trong loạt quyết định hôm qua (3/11) của Ngân hàng Nhà nước, có một điều chỉnh đáng chú ý, sau 5 năm, tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần đầu tiên được giảm (bằng VND giảm 1% xuống 10%, bằng ngoại tệ giảm 2% xuống 9%), áp dụng từ ngày 5/11. Từ đây, thêm một nguồn tiền mới được giải phóng cho các ngân hàng thương mại.

Hiện chưa có số liệu cụ thể về tổng tiền gửi của các tổ chức tín dụng đến thời điểm này, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng giảm theo các mốc kỳ hạn và loại tiền gửi khác nhau, nhưng căn theo mức tăng 10,71% huy động vốn so với cuối năm 2007 tính đến hết tháng 9 vừa qua, lượng tiền được giải phóng theo chính sách trên có thể tính từ 10.000 - 12.000 tỷ đồng; trong đó mỗi ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank có thể được trả lại từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng; những ngân hàng cổ phần lớn như Sacombank, ACB có thể được nhận về khoảng 560 – 600 tỷ đồng.

Tính chung, lượng vốn khả dụng dư thừa thời gian tới của các ngân hàng thương mại có thể lên tới trên con số 100.000 tỷ đồng. Đây cũng là sự sung sức chưa từng có kể từ đầu năm 2008 đến nay.

Điểm đáng chú ý là cũng chỉ trong khoảng 2 tháng đầu năm (tháng 2 và 3), lượng tiền mà Ngân hàng Nhà nước “rút” của các ngân hàng thương mại thông qua tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và phát hành tín phiếu bắt buộc ước tính lên đến khoảng 40.000 tỷ đồng.

Nhìn lại, có thể thấy chính sách “rút” và “bơm” tiền của Ngân hàng Nhà nước nói trên đã “đảo chiều”. Vấn đề còn lại là các ngân hàng thương mại sẽ ứng xử thế nào với lượng vốn khoảng 100.000 tỷ đồng đó, cửa cho vay có rộng mở hơn với các doanh nghiệp hay không?

Lãi suất giảm nhanh

Từ tháng 9, vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại đã có dấu hiệu dư thừa, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở vùng trũng thấp nhất kể từ đầu năm. Những rào cản lớn được xác định ở điều kiện cho vay siết chặt hơn và đặc biệt là lãi suất vẫn ở mức cao.

Trong tháng 10, lãi suất cho vay có 2 đợt điều chỉnh giảm khá mạnh. Đi cùng với đó, hoạt động giải ngân của các nhà băng cũng có tín hiệu chuyển biến. Tăng trưởng tín dụng tại một số ngân hàng lớn đã bắt đầu vượt trên mức 2%, thậm chí lên đến 2,5% thay cho trên dưới 1% trước đó.

Mặt khác, đến hết tháng 9, dư nợ cho vay nền kinh tế của hệ thống mới chỉ tăng 18,03%. Theo hạn mức 30% cho tăng trưởng tín dụng năm nay, vẫn còn một dư địa lớn cho khoảng thời gian ngắn còn lại của năm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tín dụng khi vốn thuận lợi cũng là áp lực đối với mục tiêu lợi nhuận, khi đây là hoạt động chiếm tới khoảng 70% cơ cấu thu nhập của các ngân hàng.

Và nay, trước những thuận lợi từ chính sách, từ nguồn vốn mới, tăng cường giải ngân là một yêu cầu. Đây cũng là một mục đích mà Ngân hàng Nhà nước đề cập tới phía sau những quyết định nói trên.

Trong ngày 3/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tiếp tục kêu gọi các ngân hàng hội viên xem xét điều chỉnh lãi suất theo chính sách mới. Cùng ngày một loạt ngân hàng lớn nhỏ cũng đã có quyết định giảm mạnh lãi suất cho vay.

Từ ngày 4/11, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank, hay những ngân hàng cổ phần như ABBank, LienVietBank… cùng bắt đầu áp dụng các mức lãi suất cho vay mới. Lãi suất cho vay VND giảm phổ biến từ 1,5% - 2%/năm, mức thấp nhất chỉ còn 15%/năm (thấp hơn 3%/năm so với trần theo lãi suất cơ bản mới).

Điểm đáng chú ý là các ngân hàng không còn dừng lại ở lãi suất cho vay ngắn hạn như những lần điều chỉnh trước đây, mà cả lãi suất cho vay trung và dài hạn. Đối tượng tiếp cận lãi suất ưu đãi cũng được mở rộng hơn, có cả cho vay tiêu dùng cá nhân, cho vay liên quan đến bất động sản…

Cùng với lãi suất cho vay, lãi suất huy động cũng đang được các ngân hàng xem xét giảm theo; một mặt tạo sự cân đối với lãi suất cho vay đầu ra, mặt khác phải giảm bớt chi phí khi nguồn vốn khả dụng dư thừa lớn…

Như vậy, qua các đợt điều chỉnh, lãi suất từ đỉnh 21%/năm đã lần lượt xuống còn 18%, 17% và nay thấp nhất là 15%/năm. Đi cùng với hướng vận động này là khả năng vay vốn của các doanh nghiệp hiện thực hơn, bớt gánh nặng chi phí.

Tất nhiên, giảm lãi suất, mở rộng tín dụng vẫn phải đi cùng với yêu cầu kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Và chính lãi suất giảm cũng là một yếu tố tăng thêm sự an toàn cho các đối tượng vay vốn.