09:30 27/01/2010

Cước di động: Không có giá sàn, nhưng sẽ có giá thành

Mạnh Chung

Vụ trưởng Vụ Viễn thông nói gì về đề xuất áp giá sàn cho cước di động của Viettel và VNPT?

Ông Phạm Hồng Hải - Ảnh: M.Chung.
Ông Phạm Hồng Hải - Ảnh: M.Chung.
“Tôi khẳng định sẽ không có giá sàn theo nghĩa cuối cùng, nhưng nếu xét trên quan điểm nào đó, giá thành mà doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ cũng có thể hiểu chính là giá sàn mà doanh nghiệp không được bán phá giá”, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, nói với VnEconomy hôm qua (26/1).

Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận được đề xuất của Viettel và VNPT về việc áp dụng giá sàn đối với cước di động. Vậy, hướng quản lý của Bộ về giá cước di động thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, theo pháp lệnh về giá, các doanh nghiệp nói chung là không được bán phá giá (bán dưới giá thành - PV). Giá thành được tính toán theo quy định của Bộ Tài chính.

Sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa ra quy định riêng với lĩnh vực tính giá cước viễn thông, do tính chất đặc thù của ngành nên Bộ có thể sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để tính mức giá thành.

Khi đó, các doanh nghiệp không được bán phá giá dưới giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, các doanh nghiệp không thống lĩnh thị trường cũng không được bán phá giá ở mức độ quy định.

Nhưng mỗi doanh nghiệp lại có mức độ quy mô, điều kiện đầu tư, khả năng khai thác dịch vụ, năng lực quản lý… khác nhau, nên làm sao thống nhất giá thành chung cước di động cho các doanh nghiệp được?

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng phương pháp tính giá thành và sẽ có cách tính giá thành đối với các dịch vụ viễn thông trên cơ sở mặt chung cho các doanh nghiệp. Ví dụ như tính giá thành đối với một phút di động.

Nghĩa là mức giá thành này sẽ áp dụng tính chung cho tất cả các doanh nghiệp, hay mỗi doanh nghiệp một giá thành?

Biện pháp quản lý giá cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi lấy ý kiến các doanh nghiệp. Nhưng quan điểm của Bộ là vẫn nên có giá thành chung, gọi là giá thành trung bình. Tuy nhiên còn phải chờ ý kiến của doanh nghiệp xem có đồng thuận hay không.

Còn về nguyên tắc, các doanh nghệp không được bán dưới giá thành của mình.

Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến khi nào sẽ ban hành giá thành này?

Đang xây dựng rồi. Điều này còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp đóng góp ý kiến như thế nào, nếu khác quá xa theo cách tính giá của Bộ thì cần nhiều thời gian điều chỉnh để thống nhất. Bộ sẽ cố gắng ban hành trong năm 2010.

Việc quản lý cước theo mức giá thành mà Bộ đang xây dựng liệu có làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp không, thưa ông?

Theo nền kinh tế thị trường thì phải quản lý theo giá thành, chứ Bộ cũng không ép các doanh nghiệp quản lý cước cuối cùng đối với khách hàng, trừ doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Đó là lý do tại sao hiện nay, Bộ cũng không đưa ra mức giá mà áp dụng hình thức đăng ký. Doanh nghiệp tự xây dựng lên rồi báo cáo với Bộ trước khi ban hành. Bộ thấy không vi phạm nguyên tắc phá giá là phê duyệt. Nên doanh nghiệp muốn bán giá bao nhiêu là tùy doanh nghiệp, miễn là không bán phá giá.

Tuy nhiên, hiện cách tính giá thành của các doanh nghiệp là đang khác nhau cho nên Bộ mới chỉ hoàn toàn dựa vào báo cáo của doanh nghiệp xem doanh nghiệp có bán phá giá hay không. Nhưng khi có quy định chung để tính giá thành theo cùng một cách thì sẽ đảm bảo bình đẳng cách tính giá thành cho các doanh nghiệp.

Theo cá nhân ông, khi Bộ ban hành giá thành thì doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ được lợi như thế nào?

Về mặt kinh tế thì không doanh nghiệp nào bán dưới giá thành của mình cả, vì như vậy thì anh cứ càng ngày càng chết, càng lỗ. Người ta chỉ có thể bỏ một số tiền ra đầu tư hay bán dưới giá thành, khuyến mại được một thời gian để thu hút khách hàng, sau đó lại phải bán trên giá thành.

Vấn đề đối với Nhà nước là làm sao để doanh nghiệp hạ được giá thành đó, chứ không phải bảo họ bán dưới giá thành. Vì thế sẽ không có chuyện bảo doanh nghiệp cứ bán dưới giá thành đi để sau một thời gian biến mất khỏi thị trường.

Để nâng cao năng lực, thúc đẩy cạnh tranh thì các doanh nghiệp bắt buộc phải tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, cái đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Tôi khẳng định lại, quan điểm của Bộ là thúc đẩy cạnh tranh để mang lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng, đảm bảo quản lý thị trường trên cơ sở nguyên tắc của thị trường.

Với mức giá thành quy định, các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào cung cầu thị trường, chất lượng dịch vụ của mình và khả năng tồn tại, phát triển mà quyết định ra mức giá đối với người tiêu dùng. Việc doanh nghiệp có tồn tại và phát triển được hay không thì phải tính toán, nếu không thì phải ra khỏi thị trường hoặc sáp nhập. Trong thời gian tới, tôi nghĩ chuyện đấy rất có thể sẽ xảy ra.