09:37 21/07/2011

Cuộc đua 3G vẫn cần gỡ vướng

Mạnh Chung

Nhiều doanh nghiệp viễn thông 3G cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai phát triển hạ tầng 3G.

Các nhà mạng đã phát triển được 8 triệu thuê bao 3G.
Các nhà mạng đã phát triển được 8 triệu thuê bao 3G.
Tính tới thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép 3G đều vượt các chỉ tiêu cam kết. Tuy nhiên, các đơn vị này cho biết, trong quá trình triển khai vẫn tồn tại nhiều khó khăn, cần bộ chủ quản gỡ rối.

Theo số liệu được Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra tại hội nghị tổng kết triển khai 3G ngày 20/7, đến thời điểm hiện tại, các nhà mạng tại Việt Nam đã phát triển được 8 triệu thuê bao 3G. Doanh thu từ dịch vụ thoại và truyền dữ liệu qua mạng 3G đến cuối năm 2010 đạt 3.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, chất lượng dịch vụ 3G đã được đẩy mạnh, với tỷ lệ thành công cuộc gọi đạt trên 98%, tốc độ truy nhập Internet di động đạt 7,2 MB/giây. Tốc độ tăng trưởng lưu lượng 3G trung bình tháng đối với các dịch vụ dữ liệu từ 5,4 - 34,32%.

Đều vượt chỉ tiêu cam kết

Theo báo cáo, các doanh nghiệp đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu xây dựng hạ tầng mạng và vùng phủ sóng 3G theo đúng hồ sơ cam kết. Cụ thể, tổng số trạm phát sóng (Node B) mà các đơn vị đã lắp đặt là 30.334 trạm.

Ông Hoàng Trung Hải, Phó giám đốc VinaPhone cho biết, tổng số Node B công ty dự tính lắp đặt là 8.745 trạm. Hiện VinaPhone đã lắp đặt và phát sóng được 7.500 Node B, số còn lại sẽ hoàn thành vào tháng 9 tới.

Mạng di động MobiFone tính tới thời điểm hiện tại cũng đã xây dựng được 5.400 trạm BTS, đáp ứng 119% theo mật độ dân số và diện tích lãnh thổ. Theo cam kết, trong 3 năm đầu triển khai, hãng phải đạt được 7.600 trạm thu phát sóng mạng 3G. Tuy nhiên, dự kiến đến tháng 12, MobiFone sẽ nâng tổng số trạm BTS lên con số 8.500, vượt 900 trạm so với quy định.

Với Viettel thì khi khai trương, nhà mạng này đã có gần 8.000 trạm 3G và đến cuối năm nay sẽ triển khai tiếp 3.000 trạm nữa, vượt xa chỉ tiêu cam kết. Mạng liên danh 3G còn lại là EVN Telecom và Vietnamobile, theo cam kết tới hết 2012, liên danh sẽ phải hoàn thành 7.500 trạm, nhưng dự kiến đến hết quý 3 /2011 chỉ riêng EVN Telecom cũng sẽ có khoảng hơn 6.300 trạm.

Không chỉ hoàn thành về các cam kết, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, dịch vụ 3G đang có những thành công.

Theo ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó giám đốc MobiFone, doanh thu data từ đầu 2010 đến nay của nhà mạng này đã tăng rất nhiều, ít nhất là 10 lần về lưu lượng. Đây là cơ hội để nhà mạng cùng các doanh nghiệp khác đẩy mạnh doanh thu và loại hình dịch vụ trên 3G. Từ khi triển khai 3G đến nay, doanh thu của dịch vụ này đã mang về cho MobiFone 5.000 tỷ đồng.

“Việc cung cấp các dịch vụ 3G đã làm nổi bật hình ảnh nhận diện thương hiệu của MobiFone và giúp doanh nghiệp cạnh tranh thuận lợi hơn”, ông Nguyên phân tích.

Đại diện mạng Viettel cho biết, điện thoại 3G đang tăng trưởng mạnh và mục tiêu của công ty là 3G sẽ thay thế 2G. Theo đó 3G sẽ dần dần thay thế cho voice và SMS. Chính vì thế, trong thời gian tới Viettel sẽ đẩy mạnh đầu tư cho phát triển hạ tầng, dịch vụ 3G và đầu tư 2G sẽ giảm đi.

Triển khai hạ tầng bị gây khó dễ

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, một trong những khó khăn lớn nhất lúc này là việc triển khai lắp đặt hạ tầng trạm BTS.

Đại diện của EVN Telecom cho biết, cuối năm 2010, khi doanh nghiệp triển khai lắp đặt trạm phát sóng thì không có người dân nào phản đối, nhưng tới đầu năm 2011 thì rất nhiều người gây khó dễ, đặc biệt là ở miền Bắc, như ở quận Thanh Xuân, quận Hoàng Mai, huyện Từ Liêm của Hà Nội hay ở Bắc Ninh…

Còn theo đại diện VinaPhone, những vùng đô thị cần có lưu lượng cao, đặc biệt là tại Hà Nội và Tp.HCM, trong khi việc thuê mặt bằng để mở rộng vùng phủ sóng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những vị trí quan trọng, cao điểm để cung cấp dịch vụ.

Theo MobiFone, tại các thành phố lớn và trung tâm, việc lắp đặt trạm 2G vốn đã gặp khó khăn, nhưng khi đưa thêm thiết bị 3G dù kích cỡ nhỏ, người dân vẫn đòi tăng giá hoặc giảm số cột đi. Theo ông Nguyên, việc lặp đặt 3G hiện tại cũng như sắp tới của doanh nghiệp đã và sẽ gặp nhiều cản trở nếu như không có các chính sách hỗ trợ từ các bộ ngành liên quan.

“Người dân chủ yếu là bị kích động hoặc do ghen ghét với những nhà có thu nhập từ việc cho thuê lắp đặt, chính vì thế mới gây khó khăn, chứ trạm phát sóng này theo kiểm nghiệm quốc tế có ảnh hưởng gì đến sức khỏe đâu”, đại diện của EVN bức xúc.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm có những chính sách, cơ chế cụ thể và truyền thông tới người dân để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai lắp đặt trạm. Bởi theo doanh nghiệp, khó khăn, vướng mắc này có thể trở thành “điểm tắc” cho việc mở rộng, phát triển 3G.

Ngoài ra, do số lượng trạm 3G phải tăng hơn rất nhiều so với trạm 2G, nên đại diện của EVN Telecom cũng kiến nghị Bộ sớm chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc sử dụng chung hạ tầng giữa các mạng.

Xin rút hàng nghìn tỷ đồng tiền đặt cọc

Do số tiền đặt cọc rất lớn, trong khi việc phát triển hạ tầng mạng 3G lại cần nhiều vốn và việc thực hiện các mục tiêu cam kết đã hoàn thành cam kết, nên các doanh nghiệp đã kiến nghị bộ chủ quản cho phép rút số tiền đặt cọc còn lại. Trước đó, các doanh nghiệp này đã rút được 50% tổng số tiền đặt cọc.
 
Theo đại diện của EVN Telecom, năm 2011, để thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã thực hiện thắt chặt tín dụng nên doanh nghiệp thực sự khó khăn, nếu Bộ cho phép doanh nghiệp được rút tiền đặt cọc thì mới có điều kiện để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Mạng di động VinaPhone “lý luận”, do doanh nghiệp đã hoàn thành cam kết. Hơn nữa, tổng vốn đầu tư cho mạng 3G là lớn và đa phần từ nguồn vốn vay, nên VinaPhone kiến nghị Bộ xem xét cho doanh nghiệp được thu nốt số tiền thế chấp đã nộp trước thời hạn, để tái đầu tư vào mạng lưới 3G, mở rộng vùng phủ sóng, đa dạng hóa các dịch vụ và gói cước.

Ồng Đỗ Vũ Anh, Trưởng ban Viễn thông thuộc Tập đoàn VNPT phân tích, khi chính thức cung cấp 3G thì thị trường di động bùng nổ mạnh về data, bởi vậy các chính sách của Bộ cũng phải khuyến khích doanh nghiệp. Theo ông, khi triển khai 3G, với tần số 2.100 thì số lượng trạm cần xây dựng lớn hơn rất nhiều.

Hiện mạng 2G của VNPT có trên 20.000 trạm. Để có chất lượng sóng tốt, VinaPhone cần có số trạm 3G bằng hoặc gấp rưỡi số trạm 2G, số tiền đầu tư rất lớn nên nếu như Bộ không tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút tiếp tiền cam kết, thì doanh nghiệp sẽ rất khó đảm bảo nguồn vốn đầu tư .

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp chỉ đạo, các đơn vị liên quan của Bộ cần đặc biệt quan tâm tới tốc độ giải ngân, cơ chế giải ngân và phải bám sát doanh nghiệp hơn, nếu không sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Theo đó, tiến độ triển khai 3G đến đâu là giải ngân đến đó. Vì chỉ còn một năm nữa là doanh nghiệp hoàn thành thời hạn cam kết. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, các đơn vị chức năng của Bộ cũng phải tính toán rất chặt chẽ, kỷ cương vì đó là quy định trong cam kết.