11:14 24/09/2008

“Cứu” Phố Wall, Mỹ kêu gọi trợ giúp bên ngoài

Lê Hường

Liên tục những nỗ lực giải cứu Phố Wall được Chính phủ Mỹ đưa ra, nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn khiêm tốn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, ông Henry Paulson.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, ông Henry Paulson.
Liên tục những nỗ lực giải cứu Phố Wall được Chính phủ Mỹ đưa ra, nhưng hiệu quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.

Bởi vậy, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức kêu gọi mở rộng lời kêu cứu đến các ngân hàng nước ngoài, nhưng chưa nước nào sẵn lòng tham gia.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, ông Henry Paulson tiếp tục kêu gọi trợ giúp từ bên ngoài. Kế hoạch của ông dành ưu tiên cho những ngân hàng ở các nước sẵn lòng giúp Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ vẫn hy vọng sẽ cùng cộng đồng thế giới nỗ lực làm lành mạnh hoá năng lực tài chính của các ngân hàng. Tuy nhiên, châu Âu và Nhật Bản đã thể hiện rõ sự không mặn mà lắm với kế hoạch này.

Khi hầu hết các khoản nợ căng thẳng đều thuộc về các ngân hàng của Mỹ, các chuyên gia cho rằng, Mỹ không đủ sức để buộc các nước khác tham gia.

“Đây là vấn đề của Mỹ, nên để Mỹ giải quyết” là nhận định của ông Charles H.Dallara, Giám đốc điều hành của Viện Tài chính quốc tế, một tổ chức gồm 340 ngân hàng trên toàn cầu.

Nhiều ngân hàng lo ngại rằng việc tham gia vào kế hoạch này có thể gắn liền với những khó khăn khi bán lại các khoản nợ có liên quan đến thế chấp cho Bộ Tài chính Mỹ và các ngân hàng có trụ sở ở Mỹ.

Cam kết trong tuyên bố tăng cường hợp tác, nhiều nước G7 cũng khẳng định có thể tự đối phó với khủng hoảng theo cách của riêng mình. “Không thành viên nào khác trong G7 áp dụng một chương trình tương tự như Mỹ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức, ông Peer Steinbruck nói.

Các quan chức của Anh cũng nêu rõ rằng Chính phủ sẽ không thành lập quỹ công để mua các tài sản tồi tệ, mặc dù ông Alistair Darling, Bộ trưởng Tài chính Anh, đã hứa hẹn một số giải pháp khác.

“Chúng tôi đang thiết lập cả ở đây, Vương quốc Anh và cả thế giới những quy định tài chính nghiêm ngặt hơn. Tôi sẽ tiếp tục làm mọi điều cần thiết để duy trì ổn định tài chính”, ông Darling phát biểu tại cuộc họp thường niên của Đảng Lao động tại Manchester.

Hôm thứ hai, Christian de Boissieu, Chủ tịch của Hội đồng Thủ tướng Pháp đưa ra bình luận: “Mỹ phải chịu chi phí, tôi hoàn toàn ủng hộ tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương, nhưng điều này không bao gồm việc cung cấp tài chính”.

Phát biểu sau tuyên bố của G7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật, ông Bunmei Ibuki nói, Nhật Bản không cần phải xây dựng chương trình giải cứu kiểu Mỹ để hỗ trợ các ngân hàng trước những tài sản "độc hại".

Hiệp hội các ngân hàng của Đức cũng có ý kiến sẽ phản đối kế hoạch của Mỹ nếu kế hoạch này tạo lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh của Đức. “Chúng ta cần khẳng định những điểm bất lợi của các định chế nước ngoài khi phải huy động vốn từ chương trình của Mỹ. Rõ ràng là, chính các sản phẩm tài chính "độc hại" của Mỹ đã gây ra cuộc khủng hoảng và tạo ra tác động lây lan”, ông Manfred Weber, Chủ tịch Hiệp hội nói.