11:52 06/05/2011

“Cựu” tàu của Vinashin bị giữ tại Hàn Quốc

Bảo Anh

Tàu Hoa Sen vừa bị lưu giữ tại Hàn Quốc khi đang hoạt động tại hải phận thuộc quốc gia này

Tàu Hoa Sen khi còn thuộc quản lý của Vinashin mỗi ngày lỗ 1,5 tỷ đồng.
Tàu Hoa Sen khi còn thuộc quản lý của Vinashin mỗi ngày lỗ 1,5 tỷ đồng.
Tàu Hoa Sen vừa bị lưu giữ tại Hàn Quốc khi đang hoạt động tại hải phận thuộc quốc gia này.

Theo ông Trần Mạnh Hà, Trưởng ban Pháp chế Vinalines, tàu Hoa Sen hiện thuộc quản lý của Công ty Vận tải Viễn Dương (Vinashinlines), một thành viên của Vinalines. Hiện Vinalines đang xúc tiến đàm phán để tàu được thả.

Tuy nhiên, dù lý do khiến tàu Hoa Sen bị phía Hàn Quốc lưu giữ hiện vẫn chưa được công bố, song đại diện Vinalines khẳng định lý do tàu Hoa Sen bị giữ hoàn toàn khác với vụ việc tàu Global bị phía Trung Quốc giữ hồi tháng 3.

Còn theo một quan chức Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân khiến tàu Hoa Sen bị giữ ở Hàn Quốc có thể do những vướng mắc tài chính trước đây, khi tàu còn thuộc quản lý của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Tàu Hoa Sen được Vinashin chuyển giao sang cho Vinalines vào tháng 8/2010 theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện tàu được Vinashinlines cho liên danh Lianyungang CK Ferry (Hàn Quốc - Trung Quốc) thuê theo hình thức định hạn sáu tháng với giá là 16.500 USD/ngày, từ đầu năm 2011.

Dự kiến, sau khi kết thúc hợp đồng thuê hạn định là sáu tháng để đối tác hiểu thêm cách bố trí, tính năng của con tàu, sau đó sẽ chuyển sang hợp đồng cho thuê tàu trần với thời hạn hai năm.

Trước đó, tàu Hoa Sen được Vinashin mua về từ Ý vào tháng 11/2007 với giá khoảng 60 triệu Ruro để kinh doanh chở khách và hàng hoá tuyến Hòn Gai - Tp.HCM. Sau gần một năm hoạt động, đến cuối năm 2008, tàu Hoa Sen buộc phải ngừng hoạt động do hạch toán lỗ lên tới 1,5 tỷ đồng mỗi ngày.

Sau khi Vinashin tái cơ cấu, tàu được điều chuyển sang cho Vinalines. Sau khi tiếp nhận, lãnh đạo Vinalines cũng đã từng tính đến phương án bán tàu Hoa Sen vì lo sợ kinh doanh không hiệu quả.

Cuối tháng 3 vừa qua, tàu Global của Vinalines cũng bị phía Trung Quốc tạm giữ vì liên quan đến tranh chấp thương mại với một doanh nghiệp Trung Quốc. Sau khi tòa án Trung Quốc phán quyết, Vinalines đã phải nộp 800.000 USD để tàu được thả.