08:18 23/04/2015

Cựu Thống đốc khuyên Phó thống đốc về nợ xấu

Nguyễn Lê

“Công khai minh bạch chứ chả có gì, tôi nghĩ như thế thì chúng ta cùng lo”

Nợ công, nợ xấu, tỷ giá&nbsp; là những vấn đề còn ý kiến nhiều chiều tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân.<br>
Nợ công, nợ xấu, tỷ giá&nbsp; là những vấn đề còn ý kiến nhiều chiều tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân.<br>
“Các đại biểu Quốc hội có đặt vấn đề là sau tái cơ cấu thì nợ xấu là bao nhiêu, tôi khuyên chị Hồng, cái đó mình nói luôn đi”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu hướng về Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, khi phát biểu kết thúc Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân, chiều 22/4.

Nợ công, nợ xấu, tỷ giá - những vấn đề còn ý kiến nhiều chiều tại Diễn đàn - đều được Chủ nhiệm Giàu đề cập ở phần gói lại hai ngày thảo luận và tranh luận.

Ngay trong bài đề dẫn mở màn phiên thứ nhất của diễn đàn, Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên đã cảnh báo rằng liên quan đến nợ công, không chỉ là sự gia tăng với tốc độ cao mà còn ở xu hướng “nội địa hóa” - dựa nhiều vào trái phiếu Chính phủ thay vì ODA.

Ông Giàu cho biết trong buổi làm việc mới đây với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cơ quan này đánh giá nợ công của Việt Nam nếu mà tính đến các phần khác, có thể rủi ro qua nợ công nữa thì phải lên đến 70 - 75% GDP.

"Họ cộng hết toàn bộ cả nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công nhưng luật mình không quy định như thế, song tôi cho đó là đánh giá khách quan", ông Giàu nói.

Với vấn đề nợ xấu, một số vị cho rằng nợ xấu mới chỉ bị “xích” lại nhưng chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường và cơ chế hoạt động của tổ chức VAMC tại Việt Nam có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bây giờ nợ xấu còn 3,22% tổng dư nợ thì mừng rồi, nhưng phải làm rõ hơn thông tin phần nợ xấu qua VAMC, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đề nghị.

Nhắc lại lời của Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng chiều 21/4 về biện pháp hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, ông Giàu nhấn mạnh, thực ra tái cơ cấu lần một và tái cơ cấu lần này trong hệ thống ngân hàng, Nhà nước đều có chính sách cả.

Phát hành trái phiếu đặc biệt rồi vay vốn thế chấp tại ngân hàng trung ương, mà ngân hàng trung ương là tiền chính phủ, đó là chính sách nhưng cách làm khác với các nước, ông Giàu lý giải.

Cho biết hiện nay các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề là sau tái cơ cấu thì nợ xấu là bao nhiêu, ông Giàu nói: “Tôi khuyên chị Hồng, cái đó mình nói luôn đi, thông thường tái cơ cấu 300 nghìn tỷ đồng thì có 10 hay 15% nợ xấu, cộng với phần chuyển qua VAMC cộng với phần này thì mọi người ngồi đây hiểu cả. Công khai minh bạch chứ chả có gì, tôi nghĩ như thế thì chúng ta cùng lo”.

Có một câu hỏi khác liên quan đến nợ xấu mà ông Giàu cho là đúng, đấy là lúc đầu nói nợ xấu mười mấy phần trăm, bây giờ còn có hơn 3%, thì lý do nào giảm nhanh thế?

Bên cạnh nợ xấu, điều hành tỷ giá cũng là vấn đề nhận được không ít khuyến nghị từ các chuyên gia trong diễn đàn.

Lần này, lời khuyên của ông Giàu dành cho các chuyên gia: “Đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến toàn bộ nền kinh tế và xã hội, thành ra trong nghề này, người ta có bài tính toán của người ta. Còn các chuyên gia có tính toán ưu việt hơn, thì theo tôi nên gửi thẳng đến các cơ quan Nhà nước, chắc có lẽ là thuận hơn”.

Tuy nhiên cựu Thống đốc cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải có thông điệp phù hợp, đúng đắn để các chuyên gia tin tưởng vào mức độ chính xác của các vấn đề liên quan đến tỷ giá.

“Hôm qua chị Hồng nói cán cân tổng thể thặng dư 5 tỷ USD, đấy là yếu tố rất quan trọng. Tôi cũng đồng ý với chị Hồng là quan hệ cũng cầu ngoại tệ là nhân tố quyết định nhất, tuy nhiên tôi cũng gợi ý thêm là cần đưa thông điệp phù hợp”, ông Giàu phát biểu.

Gói lại cả diễn đàn, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu còn khuyến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước. Đó là những vấn đề chuyên  gia nói bằng trái tim, bằng cái tâm cố gắng tiếp thu phân tích bàn trong nội bộ, thậm chí nên có thư gửi lại cho người góp ý.