09:44 17/02/2012

Đa chiều nhận định kinh tế đầu năm

Đoàn Trần

Việt Nam đã thấm sâu hơn những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Vẫn còn quá sớm để nhìn nhận bức tranh kinh tế năm 2012 sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực hay là ngược lại - Ảnh: Reuters.
Vẫn còn quá sớm để nhìn nhận bức tranh kinh tế năm 2012 sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực hay là ngược lại - Ảnh: Reuters.
Bình luận về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu năm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải nhìn thẳng vào sự thật: Việt Nam đã thấm sâu hơn những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và trong bối cảnh như vậy thì môi trường đầu tư của Việt Nam đã tỏ ra kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực.

Ông Lê Đăng Doanh cảnh báo: “Cần nhìn nhận một cách rất nghiêm túc và phải coi đây như một tiếng chuông báo động về sự giảm sút niềm tin của nhà đầu tư”.

Thực tế, như theo báo cáo tổng kết về tình hình FDI của cả năm 2011 mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa thực hiện, mặc dù cơ quan này chỉ nêu loáng thoáng về những mặt hạn chế nhưng cũng có thể thấy rõ rằng các chính sách đối với FDI chưa cải thiện được bao nhiêu.

Song, phủ nhận sự sụt giảm FDI là điểm tối của bức tranh kinh tế đầu năm nay, Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định kết quả về thu hút FDI trong tháng 1/2012 không phản ánh đúng về thực trạng và triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay và dự báo đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đạt kết quả tốt, ít nhất là bằng hoặc cao hơn so với năm 2011.

Các nguyên nhân dẫn đến sụt giảm của thu hút FDI tháng 1 mà Cục này dẫn giải ra cũng không có nguyên nhân nào liên quan đến môi trường đầu tư.

Đối với tình hình xuất nhập khẩu, tháng đầu năm, Việt Nam bất ngờ xuất siêu 172 triệu USD. Kết quả này đã có tác động rất tích cực đến việc USD hiện nay đang giảm giá mạnh so với VND khiến các cơ quan liên quan đến điều hành lĩnh vực này rất phấn chấn. Xuất siêu cũng luôn được xem là hiện tượng rất hy hữu đối với một nền kinh tế triền miên nhập siêu như Việt Nam và mong muốn của các cơ quan điều hành chỉ là sao giảm được nhập siêu một cách bền vững, chứ cũng không “dám” phấn đấu tới mục tiêu xuất siêu.

Tuy nhiên, lẽ ra đây là tín hiệu đáng mừng, là điểm sáng, nhưng thực tế có thể không hẳn là như vậy. Nhìn lại lần xuất siêu gần đây nhất của Việt Nam là vào tháng 7/2011, thời điểm đó, xuất siêu đạt được con số 1,1 tỷ USD và tạo nên thành tích này chủ yếu do việc tái xuất vàng và kim loại quý - một loại mặt hàng được giới chuyên gia đánh giá là nhờ nó mà có xuất siêu thì có cũng như không vì nó không có sẵn ở dưới đất để xúc, múc bán đi như dầu thô nên có xuất rồi lại phải nhập và có khi xuất bán giá rẻ, nhập về lại phải đắt gấp mấy lần...

Và quả thật, ngay sau thời điểm xuất siêu của tháng 7 nhờ vàng, thì ngay lập tức các tháng sau đó, giá vàng trong nước liên tiếp nhảy múa và các quyết định nhập vàng về lại liên tục phải đưa ra, góp phần đưa “thành tích” nhập siêu của Việt Nam năm 2011 lên con số khoảng 10 tỷ USD.

Một lần xuất siêu hy hữu khác là vào quý 1/2009 thì cũng có công sức cật lực của tái xuất vàng, cộng với bối cảnh kim ngạch nhập khẩu sụt giảm quá mạnh do nền kinh tế suy giảm. Tính chung ba tháng đầu năm 2009, kim ngạch nhập khẩu đã giảm 45% so với cùng kỳ. Năm 2009 cũng là năm ghi nhận sự vật lộn của nền kinh tế với sự đình trệ và Chính phủ đã phải sử dụng các gói kích cầu để cứu cho tăng trưởng.

Và đầu năm nay, Việt Nam lại có xuất siêu. Không như thời điểm tháng 7 năm ngoái, dấu ấn của vàng không có trong xuất siêu tháng đầu năm nay. Nhưng cũng gần giống như  thời điểm quý 1/2009, giờ đây, Việt Nam xuất siêu do nhập khẩu sụt giảm và sụt giảm mạnh ở những mặt hàng phục vụ cho sản xuất.

Nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, giá trị nhập khẩu đạt 956 triệu USD, giảm 30,5% so với tháng 12.2011 và giảm 25,31% so với tháng 1.2011. Nhóm nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, giá trị nhập khẩu đạt 660 triệu USD, giảm 29,7% so với tháng 12/2011 và giảm 25,09% so với tháng 1/2011. Nhóm thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm 45,70% và 36,10% tương ứng so với tháng 12/2011 và tháng 1/2011...

Vẫn còn quá sớm để nhìn nhận bức tranh kinh tế năm 2012 sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực hay là ngược lại. Nhưng có lẽ đây là thời điểm hơn lúc nào hết các cơ quan Chính phủ cần rất sáng suốt để nắm bắt được đúng tình hình thực tế, không lạc quan mà cũng không bi quan để chèo lái nền kinh tế đạt được những kết quả rõ ràng về “sáng - tối”.