Đã có khái niệm người có tài năng trong hoạt động công vụ
Người có tài năng trong hoạt động công vụ là người có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn đặc biệt, có đóng góp vượt trội cho địa phương, ngành, lĩnh vực cụ thể mà ít người đạt được
Người có tài năng trong hoạt động công vụ là người có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn đặc biệt, có đóng góp vượt trội cho địa phương, ngành, lĩnh vực cụ thể mà ít người đạt được.
Đó là khái niệm mới được bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 15/7.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 7, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung trong luật khái niệm "người có tài năng", bổ sung một số nguyên tắc chung trong việc xác định cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng; sửa đổi thẩm quyền quy định chính sách đối với người có tài năng tại địa phương theo hướng giao hội đồng nhân dân quy định.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Uỷ ban Pháp luật (cơ quan thẩm tra dự án luật) đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng khái niệm về người có tài năng trong hoạt động công vụ theo hướng người có tài năng trong hoạt động công vụ là người có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn đặc biệt, có đóng góp vượt trội cho địa phương, ngành, lĩnh vực cụ thể mà ít người đạt được (khoản 2 điều 1 của dự thảo Luật).
Đồng thời dự thảo cũng đã được chỉnh lý quy định về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.
Về thẩm quyền quyết định cụ thể chính sách đối với người có tài năng, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhất trí quan điểm cần có sự phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan tuyển dụng công chức như Chính phủ đề nghị.
Tuy nhiên, đối với địa phương, để thống nhất với quy định về thẩm quyền của hội đồng nhân dân trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sát với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương và vẫn phù hợp với thẩm quyền tuyển dụng công chức, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định theo hướng: căn cứ vào quy định của Chính phủ, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể chính sách, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chế độ trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa theo hướng: Chính phủ chỉ quy định khung chính sách trọng dụng và chế độ đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ đối với các cơ quan ở trung ương, còn ở địa phương giao cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định khung chính sách này, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định báo cáo.
Về hình thức kỷ luật "giáng chức", qua thảo luận tại kỳ họp thứ 7, đa số ý kiến đại biểu đề nghị không bỏ hình thức kỷ luật "giáng chức" mà giữ như quy định hiện hành.
Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị giữ quy định về hình thức kỷ luật "giáng chức" trong luật như đa số ý kiến đại biểu Quốc hội.
Theo cơ quan thẩm tra, đây là quy định của luật hiện hành đã được áp dụng khi xử lý kỷ luật công chức trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, trong lực lượng vũ trang, việc kỷ luật hạ cấp bậc quân hàm đối với người đang có chức vụ đều có gắn với giáng chức hoặc cách chức. Trong thời gian tới khi thực hiện chế độ tiền lương mới gắn với việc thực hiện trả lương theo vị trí việc làm thì việc áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức (có thể bị giáng chức xuống một hoặc nhiều bậc cùng với việc bị hạ lương) càng mang tính răn đe cao, nên việc giữ hình thức kỷ luật này là cần thiết.
Liên quan đến xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tán thành bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng đề nghị quy định rõ trong luật hệ quả pháp lý nhất định về vật chất, tinh thần mà người bị kỷ luật phải chịu. Một số ý kiến đề nghị tách quy định này thành một điều riêng.
Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng, đây là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện. Do đó, đề nghị trong luật chỉ quy định một số nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý kỷ luật.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu, cơ quan thẩm tra đề nghị tách thành một điều riêng quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. Tách quy định về xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu và đưa vào Luật Viên chức, bổ sung trong luật nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết..