11:01 13/04/2019

Đã phê bình, nhiều nơi vẫn chậm gửi báo cáo chống lãng phí

Nguyên Vũ

Năm 2019 vẫn có 26 bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Mặc dù năm 2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã phê bình, nhắc nhở nhưng năm 2019 vẫn có 26 bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo kết quả thực  hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đó là hạn chế được Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ ra khi thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.

Chiều 12/4 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này.

Cần có chế tài để không lặp lại

Cũng ngày 12/4 của năm ngoái, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung trên thì có đến 14/34 bộ, ngành, 17/63 địa phương và 13/23 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chưa có báo cáo gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp.

Nhưng sau hơn một tháng được nhắc nhở, thậm chí bị phê bình, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước vẫn im lặng.

Nhắc lại việc từ năm ngoái, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh mặc dù năm 2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã phê bình, nhắc nhở nhưng năm 2019 vẫn có 26 bộ, ngành, địa phương chậm gửi báo cáo kết quả.

Trước đó khi trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tính đến 8/4/2019, vẫn còn 3 địa phương chưa gửi báo cáo để Bộ Tài chính tổng hợp, là Bạc Liêu, Bình Phước và Quảng Ninh.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thì cần phê bình, nhắc nhở ba địa phương này. "Cả làng báo cáo rồi mà ba nơi này sao chưa báo cáo?", Phó chủ tịch phát biểu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng Chính phủ cần xem xét kỹ hơn việc các cơ quan, địa phương chậm báo cáo và cần có chế tài xử lý, nếu không thì năm sau tình trạng đó vẫn lặp lại.

Bên cạnh chậm báo cáo, cơ quan thẩm tra còn đánh giá, việc xây dựng báo cáo của một số cơ quan, đơn vị còn thiếu số liệu, nhiều bộ ngành, địa phương chưa triển khai thực hiện Thông tư của Bộ Tài chính quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chạy theo số lượng

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét số liệu tại báo cáo của Chính phủ năm nay đầy đủ hơn báo cáo năm ngoái.

Song, bà Nga lưu ý, việc cắt giảm hành chính, điều kiện kinh doanh tại một số đơn vị còn chạy theo số lượng.

Lấy ví dụ điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, bà Nga cho biết qua giám sát của Uỷ ban Tư pháp cho thấy vận tải đường bộ tai nạn rất nhiều, do đó nếu chạy theo số lượng để cắt giảm thì cần cân nhắc.

Riêng đối với điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ phải thắt chặt hơn chứ không phải cắt giảm đi, bà Nga nêu quan điểm.

Vẫn trong lĩnh vực giao thông vận tải, bà Nga cho rằng BOT một số nơi vẫn là điểm nóng, trong khi việc thu phí không dừng quyết định từ 2017 nhưng lộ trình thực hiện rất chậm.

Đồng tình với nhận xét của Chủ nhiệm Nga, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phản ánh từ cử tri là cắt giảm điều kiện kinh doanh có hiện tượng "bình mới, rượu cũ".

Cũng liên quan đến việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ và cải cách thủ tục hành chính, báo cáo thẩm tra cho rằng nhiều văn bản ban hành trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền. Một số luật đã có hiệu lực thi hành nhưng chậm ban hành văn bản hướng dẫn. Nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất cập nhưng chậm được cắt giảm.

Việc cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính có lĩnh vực hiệu quả thấp, đặc biệt là nhóm thủ tục môi trường và xây dựng. Ngoài ra, năm 2018 chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tuy có nhiều cải thiện, người dân hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản nhưng tỉnh có chỉ số PAPI cao nhất mới chỉ được 47,05 điểm, còn khá xa so với điểm tối đa (80 điểm).

Nhận xét chung về toàn bộ báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng một số hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong báo cáo của Chính phủ còn đánh giá chung chung, chưa thể hiện được tinh thần và mục tiêu của luật. Nhiều nhận định, đánh giá thiếu số liệu, dẫn chứng như đề cập tính khả thi của một số quy định pháp luật còn thấp nhưng chưa có thống kê để đề xuất sửa đổi,... Chính phủ cần rà soát, bổ sung đầy đủ để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Đồng thời, báo cáo của Chính phủ cần so sánh kết quả thực hiện năm 2018 với năm 2017 để đánh giá rõ thành tựu, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục phù hợp, chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu đối với bất cập, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra Nguyễn Đức Hải nêu rõ.