Đại biểu đề nghị sửa quy định về thuế, giúp ôtô "nội" cạnh tranh
Theo đại biểu Phan Thái Bình, ôtô sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong cạnh tranh trực tiếp là về giá
Hiện nay ôtô khối ASEAN nhập về Việt Nam lớn, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Ôtô sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong cạnh tranh trực tiếp là về giá.
Nhận xét trên được đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 26/10 của Quốc hội.
Một trong những nội dung được vị đại biểu Quảng Nam đề nghị liên quan đến sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống.
Ông Bình nói, ngành công nghiệp sản xuất ôtô của Việt Nam trong những năm gần đây có sự chuyển biến và được một số nhà đầu tư quan tâm. Bước đầu cho thấy hiệu quả mang lại rất lớn, nhất là giải quyết việc làm tăng thu ngân sách nhà nước.
Ông Bình lấy ngay ví dụ tại địa phương, riêng ô tô Trường Hải ở Quảng Nam đã tạo việc làm hơn 8.000 lao động trực tiếp đóng góp ngân sách năm 2017 hơn 12.000 tỷ đồng, góp phần giúp Quảng Nam đóng góp ngân sách trung ương 10%, thu hút công nghệ cao phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên so với các nước trong khu vực và thế giới thì ngành công nghiệp sản xuất ô tô của ta còn nhiều thua kém, còn ở mức lắp ráp đơn giản. Hiện nay ô tô khối ASEAN nhập về Việt Nam lớn, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Ô tô sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong cạnh tranh trực tiếp là về giá", ông Bình nhấn mạnh.
Dẫn báo cáo của Bộ Công Thương, vị đại biểu Quảng Nam nêu nguyên nhân chính làm giá xe sản xuất trong nước cao là do thuế, phí, sản lượng tích lũy thấp, sản xuất thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế. Trong khi đó ôtô nhập nguyên chiếc từ các nước khu vực Asean được hưởng thuế suất 0% theo hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.
"Trước thực trạng này, việc bảo vệ ngành sản xuất ô tô trong nước là hết sức cần thiết. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với giá trị linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước. Nếu ngành sản xuất ô tô trong nước được bảo vệ bằng chính sách thuế này sẽ giải quyết nhiều vấn đề. Có thể là giá thành ô tô sản xuất trong nước giảm, người tiêu dùng trong nước được lợi. Ô tô sản xuất trong nước đủ sức cạnh tranh với ô tô nhập khẩu", ông Bình phát biểu.
Sau đó, đại biểu nhấn mạnh, đây là điều kiện tiên quyết để sản xuất ôtô trong nước tồn tại, phát triển. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước ưu tiên đẩy mạnh nội địa hóa, giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi theo định hướng đạt khoảng 7% đến 10%, mục tiêu là 40% trong khi các nước trong khu vực đạt 65% đến 70%.
Đồng thời, việc ưu tiên nội địa hóa sẽ đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tạo điều kiện ngành ô tô phát triển, tạo nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, đồng thời thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ông Bình nói.
Cũng liên quan đến ngành công ngiệp ôtô, báo cáo thực hiện nghị quyết chất vấn về lĩnh vực công thương của Chính phủ cho biết, đến năm 2018, ngành sản xuất ô tô trong nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, trong đó 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở. Đa phần các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ôtô toàn cầu. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500 nghìn xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 53%. Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước, với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng 210 nghìn xe/năm trong năm 2016, trong đó sản lượng ô tô con khoảng trên 160 nghìn chiếc.
Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, Chính phủ cho biết mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%.
Chính phủ cũng nhận định, hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%. Như vậy, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi AFTA có hiệu lực.