17:24 31/05/2019

Đại biểu Dương Trung Quốc nói về vụ Đồng Tâm

Mỹ An

"Chính phủ nên nhìn nhận một cách hết sức khách quan thì sẽ nhận được lòng tin của người dân", đại biểu Dương Trung Quốc nói về vụ Đồng Tâm (Hà Nội)

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại Quốc hội.
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại Quốc hội.

 "Trong việc này tôi nghĩ rằng Chính phủ nên nhìn nhận một cách hết sức khách quan thì sẽ nhận được lòng tin của người dân", đại biểu Dương Trung Quốc nói về vụ Đồng Tâm (Hà Nội), trước Quốc hội sáng 31/5.

Với thời gian tối đa chỉ được 7 phút, ông Quốc nói thời gian đó chỉ đủ để ông thực thi trách nhiệm giám sát của một đại biểu có mặt trong vụ Đồng Tâm.

Trước Quốc hội, ông Quốc cảm ơn Thủ tướng Chính phủ ngay sau phát biểu của ông ở kỳ họp trước đã có văn bản yêu cầu Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội trả lời.

"Cuối tháng 2/2019, tôi đã nhận được trả lời bằng văn bản rất nghiêm túc của Bộ Công an, nhưng đáng tiếc đóng dấu mật, nên chúng tôi không biết mình có được chuyển tải những ý kiến ấy cho cử tri có liên quan và cho báo chí hay không", ông Quốc phát biểu.

Theo ông Quốc, dù văn bản là mật, nhưng nội dung trả lời rất đơn giản, "giải thích rằng việc bắt cụ Lê Đình Kình là khi cán bộ công an thực thi trách nhiệm của mình, thực hiện lệnh bắt khẩn cấp, có 1 số người, để bảo vệ cụ Kình, đã can thiệp, dẫn đến sự giành giật, dẫn đến hệ quả đáng tiếc là chân cụ bị gẫy".

Lãnh đạo Hà Nội đã chỉ đạo việc chữa chạy rất nghiêm túc.Viện kiểm sát rút lệnh bắt lại và hiện vẫn đang tiếp tục truy cứu việc này.

Gần đây, Thanh tra Chính phủ đã kết luận để khẳng định rằng kết quả của Thanh tra Hà nội hồi tháng 7 năm ngoái là đúng, những người tố giác là không chính xác.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc cho rằng sự việc chưa thể khép lại.

Bởi lẽ có một thực tế là việc bắt giữ người như vậy có cần thiết với một ông già 80 tuổi đời 50 năm tuổi Đảng hay không khi mà phải dẫn dụ người ta ra ngoài đồng đi kiểm tra mốc giới để bắt?

Tại sao không bắt một cách rất đàng hoàng như chúng ta thường thấy trên truyền hình, tại gia, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, của cư dân địa phương, kể cả của gia đình nữa. Nếu tâm phục khẩu phục người ta sẽ tuân thủ, ông Quốc nói.

Về kết luận của Thanh tra Chính phủ, khẳng định là hết sức tôn trọng, song ông Quốc cũng nêu một điểm là chính người dân Đồng Tâm kiến nghị, thanh tra tại sao không hỏi dân mà chỉ hỏi lãnh đaọ Hà Nội thôi. Tất cả những đương sự có liên quan, những người tố cáo, đúng hay sai chưa biết, đều không được tiếp cận với thanh tra, như vậy có khách quan hay không, ông Quốc đặt vấn đề.

"Riêng tôi, với tư cách một nhà sử học, tôi thành thực nói rằng: gót chân Asin lớn nhất của Chính phủ là không đưa ra bằng chứng lịch sử", ông Quốc nhấn mạnh.

Lưu ý từ thời thượng cổ khi nói đến lãnh thổ, đất dai bao giờ cũng đi kèm bản đồ, đại biểu Quốc mong các thành viên Chính phủ vào cục Lưu trữ Nhà nước để xem kho địa bạ mà nhà Nguyễn đã làm trong 31 năm, họ lập tất cả các bản đồ thửa đất dù nhỏ nhất trên toàn bộ lãnh thổ của 18.000 làng xã.  Dù rơi vãi nhiều trong lịch sử, nhưng đến giờ  vẫn còn hàng triệu trang.

Từng thửa đất dược đo đạc đến đơn vị đo lường là tấc, được vẽ một cách rất đầy đủ trên cơ sở háp lý là tất cả chứng nhận của những người liền kề, được sao ra 3 bản để lưu giữ ở kinh đô 1 bản, địa phương và dân 1 bản. Nếu Chính phủ chỉ cần đưa ra bản đồ về đất mà Thủ tướng Đỗ Mười trao cho quốc phòng từ 1991 thì khỏi có chuyện gì xảy ra, ông Quốc nhìn nhận.

Người dân có quyền hỏi tạ sao không có bản đồ? Nó gợi lại cho ta câu chuyện Thủ Thiêm, vì nhập nhèm bản đồ mà dân bức xúc, ông Quốc nói tiếp.

Cho rằng bản đồ là cái tối thiểu, những năm 1980 ở trình độ cao rồi, mà bản đồ không chìa ra, mà những bản đồ này đều dựng lại từ những năm 2013 - 2014 làm sao người dân người ta tin được, ông Quốc phân tích.

"Những cán bộ địa phương khi đó chỉ là lớp con cháu của những thế hệ cán bộ như ông Kình. Cho nên cần phải tin người dân thẩm định chứ không nên chỉ đứng về 1 phía. Từ Đồng Tâm, tôi nói một vấn đề tôi cho là quan trọng hơn với một Chính phủ liêm khiết, một Chính phủ kiến tạo là chúng ta hãy hay trở lại nguyên lý truyền thống: tiên trách kỷ  hậu trách nhân. Nhà nước ngày xưa có trách nhiệm rất lớn là giáo hóa cho dân. Mỗi cái sai của người dân có cái lỗi của nhà nước", nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu.

Và ông Quốc bày tỏ: "trong việc này tôi nghĩ rằng Chính phủ nên nhìn nhận một cách hết sức khách quan thì sẽ nhận được lòng tin của người dân".