08:44 28/09/2010

Đại biểu Quốc hội muốn giám sát về Vinashin

Nguyên Hà

Trong năm 2011, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát việc xử lý sai phạm trong hoạt động của Vinashin

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2011.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2011.
Giám sát việc xử lý sai phạm trong hoạt động của Vinashin nói riêng và tập đoàn nói chung là đề nghị của một số đoàn đại biểu Quốc hội về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Tập hợp ý kiến từ Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho thấy lĩnh vực kinh tế vẫn nhận được nhiều đề nghị giám sát.

Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị nghị giám sát về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Riêng với hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) ngay từ khi chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ tám (khai mạc ngày 20/10 tới đây), một số vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần chủ động báo cáo với Quốc hội. Bởi đây được dự kiến sẽ là vấn đề “nóng” tại phiên chất vấn của kỳ họp này.

Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm của Vinashin vẫn là nội dung được đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2011.

Tại tờ trình về dự kiến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2001, Văn phòng Quốc hội nêu rõ, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là vấn đề được nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm.

Năm 2009, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội đã giám sát tối cao Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có nghị quyết về vấn đề này, kiến nghị nhiều nội dung về công tác quản lý, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đối với mô hình doanh nghiệp đặc thù này.

Tuy nhiên, vừa qua, "việc Vinashin làm ăn thua lỗ, sử dụng vốn không hiệu quả dẫn đến nợ đọng lớn, mất khả năng thanh toán, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-xã hội đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của cử tri và nhân dân về vai trò chủ đạo của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; tạo sự hoài nghi ngoài Vinashin liệu có xảy ra tình trạng tương tự ở các tập đoàn, tổng công ty khác không".

Đây cũng là lý do Văn phòng Quốc hội đề xuất nội dung giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vào dự kiến chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm sau.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Trần Đình Đàn, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là một tập đoàn lớn, hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, sử dụng nguồn vốn rất lớn (vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn bảo lãnh của Nhà nước) với nhiều loại hình kinh doanh, có tham gia đầu tư lớn ở ngoài nước.

Việc giám sát hoạt động của Tập đoàn nằm trong quyền giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của Nhà nước, nhằm làm rõ hơn thực trạng hoạt động của một đơn vị kinh tế nhà nước cụ thể (đơn vị được chọn mẫu); từ đó, có những nhìn nhận đúng hơn về hoạt động của kinh tế Nhà nước, góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật có liên quan, giải đáp về sự lo lắng của cử tri về một vấn đề quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, ông Đàn nhấn mạnh.

Về chương trình giám sát của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội dự kiến các nội dung, gồm Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2003; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thuế và quản lý thuế; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề.

Tại phiên họp sáng nay (28/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về những nội dung liên quan đến hoạt động giám sát năm 2011, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.