17:32 18/03/2010

Đại biểu Quốc hội phải biết hỏi

Những kỹ năng chất vấn, trình bày… nếu đại biểu Quốc hội áp dụng nhuần nhuyễn có thể tác động, làm thay đổi chính sách

GS.TS Nguyễn Lân Dũng.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng.
Những kỹ năng chất vấn, trình bày… nếu đại biểu Quốc hội áp dụng nhuần nhuyễn có thể tác động, làm thay đổi chính sách...

Trong hai ngày 17 và 18/3, tại Tp.HCM, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu (Ban Công tác đại biểu của Quốc hội) tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử. Chương trình tập huấn gồm ba nội dung: kỹ năng thương lượng, kỹ năng trình bày và kỹ năng đối thoại - lắng nghe. Chúng tôi trao đổi với GS.TS Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc về vấn đề này…

Phải biết nghe mới hỏi được

Giáo sư Dũng cho rằng đại biểu Quốc hội phải có thông tin chính xác và thiết thực từ cử tri và phải biết phản ánh thông tin đó trung thực, dễ hiểu và có ấn tượng trong các kỳ họp Quốc hội. Muốn có thông tin chính xác, đại biểu phải biết lắng nghe, tiếp xúc cử tri...

Ông Dũng nói:

- Nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu mất nhiều thì giờ quá, nói những chuyện không phải tầm quốc gia. Đó là chưa nói đến chuyện họ phát biểu rất giống nhau: Hoặc ca ngợi, hoặc kêu ca, hoặc xin xỏ. Phải nói thẳng những chuyện tầm quốc gia. Muốn có tầm, ít mất thời gian của Quốc hội, đại biểu phải theo dõi thông tin qua nhiều kênh, chắt lọc vấn đề bức xúc của người dân để đặt câu hỏi chứ không phải đợi đến kỳ họp Quốc hội mới chuẩn bị…

Hội nghị đưa ra ba kỹ năng để tập huấn, cái nào quan trọng hơn, thưa ông?

Tôi cho là kỹ năng đối thoại. Mình phải có thông tin thì mình mới nói ở Quốc hội được. Mình phải nói đúng chứ còn những chuyện khác (cử chỉ, thái độ - PV) người ta có thể tha thứ. Cơ bản là ra Quốc hội đại biểu nói cái gì, có hợp với lòng dân không, có thiết thực không và có tác dụng không.

Tôi nghĩ cái đó là trí tuệ. Mà trí tuệ muốn có là phải tiếp xúc, phải lắng nghe, phải thu thập, phải có nhiệt huyết và phải can đảm. Nhiều người ngại vì đụng đến chuyện này chuyện kia… Và tôi xin nhấn mạnh là không được từ chối tiếp xúc với cử tri, dù cử tri đó không thuộc địa bàn mình ứng cử.

Mình phải biết lựa chọn vấn đề đúng. Đại biểu phải tìm hiểu, nghiên cứu và chịu mất thì giờ về những vấn đề mình quan tâm. Và khi gửi cái gì cho cơ quan chính quyền thì phải thấy đúng mới gửi.

Thực tế có nhiều đại biểu ngại hỏi vì vị trí mà họ đang công tác…

Đây cũng là chuyện thường tình! Vì thế, đại biểu cũng phải suy tính nội dung chất vấn những bộ liên quan trực tiếp đến đơn vị mình đang làm việc, cái gì ảnh hưởng đến tỉnh của mình. Và khi người được chất vấn trả lời không thỏa đáng, đại biểu trực tiếp gửi thư riêng.

Tức là có nhiều cách để mình đạt được kết quả mà không làm ảnh hưởng đến người khác, bởi có những chuyện rất tế nhị mà mình cứ dồn người ta thì nó không hay. Phải biết tôn trọng người khác họ mới tôn trọng lại mình… Đây cũng là một kỹ năng.

Thực tế có trường mời 80-90 giáo sư để mở trường đại học nhưng sau khi bọn tôi làm bao nhiêu giấy tờ, chương trình xong thì họ không mời ai hết mà lấy giáo viên cấp 3 về dạy đại học. Tôi viết thư cho bộ trưởng, bộ trưởng trả lời và tôi cho người kiểm tra. Làm như vậy tốt hơn chứ mình đưa ra Quốc hội nó nặng nề quá, vì đó là trường hợp cá biệt.

Sẽ hỏi về giáo dục và nông nghiệp

Ông muốn nói gì với những người mới làm đại biểu Quốc hội?

Thứ nhất là họ phải có cái tâm, có thực sự muốn làm đại biểu Quốc hội không, hay là vào lấy tiếng thôi. Có tâm thì mình mới có thì giờ dành ra để ý đi tìm hiểu. Ví dụ như tôi là chuyên gia về vi sinh vật thì đáng lý tôi chỉ quan tâm tới vi sinh vật thôi nhưng tôi nhớ tôi phải dành 1/3 thời gian quan tâm tới vấn đề chung theo luật.

Theo tôi thì đại biểu phải dành tối thiểu 1/3 thời gian để tìm hiểu vấn đề, tiếp xúc cử tri, nghe ngóng tình hình cả nước. Ví dụ, tôi đi các tỉnh thì thấy là năm nào cũng đạo ôn, bọ rầy thì tôi chất vấn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là sao không làm thỏa đáng vấn đề đó. Cái gì liên quan đến chuyên môn của mình thì mình càng phải tìm hiểu sâu hơn.

Ông có thể “bật mí” kỳ họp tới ông sẽ chất vấn vấn đề gì không?

Sắp đến kỳ họp tôi xem những vấn đề mình quan tâm, cái gì đã giải quyết, cái gì còn tồn tại thì mới quyết định hỏi. Nhưng nhất định sẽ có vấn đề giáo dục và nông nghiệp.

Vì tôi không tin là đến năm 2020 chúng ta có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Chúng ta hiện đang có 72 triệu thửa ruộng manh mún, nhỏ bé thì khó mà nói đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhân Nam (Pháp luật Tp.HCM)