10:30 05/01/2013

Đại biểu Quốc hội với 2013: Tái cơ cấu và lộ trình sắp tới

TS. Nguyễn Đức Kiên

Đến nay, đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế vẫn chưa đưa ra được mô hình tăng trưởng của thời kỳ 2012-2020

TS. Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Quốc hội đoàn Sóc Trăng.
TS. Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Quốc hội đoàn Sóc Trăng.
Tái cơ cấu nền kinh tế vẫn rời rạc, niềm tin của cử tri không thể “phung phí” và đừng đẩy cái khó cho dân khi hoạch định chính sách… là tâm tư của một số vị đại biểu Quốc hội được VnEconomy ghi nhận khi cuốn lịch của 2012 đã sang trang cuối. Và dù ở cương vị nào, có hoạt động chuyên trách hay không, các vị đại diện cho dân vẫn đầy suy tư về hoạt động của Quốc hội trong năm 2013 này.

Tiếp theo ý kiến của các đại biểu Đỗ Mạnh HùngTrung tướng Trần Văn Độ, kỳ này, VnEconomy xin giới thiệu ý kiến của TS. Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Quốc hội đoàn Sóc Trăng.


Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế đã được các chuyên gia đề cập đến từ cuối 2008, cá nhân tôi cũng đã có lần trao đổi với VnEconomy về sự cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế.

Còn tại diễn đàn Quốc hội, một số vị đại biểu Quốc hội, trong đó có tôi, ngay từ giữa khóa 12 đã đề nghị cần có đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Những đề xuất ban đầu đó đã được tiếp thu, nghiên cứu và đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vừa qua.

Cho đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa 13 (giữa năm 2012), thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng và Kết luận của Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) dự thảo đề án được trình để các đại biểu thảo luận, góp ý để Chính phủ tiếp thu và hoàn thiện.

Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã triển khai từng bước đề án, bắt đầu từ xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động tái cơ cấu và đạt được kết quả bước đầu ở cả ba lĩnh vực trọng tâm bao gồm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và thị trường tài chính.

Với đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, 4/9 ngân hàng yếu kém cơ bản đã được xử lý, phương án xử lý 5 ngân hàng còn lại đang tiếp tục được triển khai. Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng và giải pháp xử lý. Nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế cho rằng, trọng tâm của năm 2013 để xử lý được vấn đề này thì việc đánh giá, phân loại và xác định số lượng cụ thể nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được thực hiện nghiêm túc và toàn diện để có nhận định chính xác về tình hình, làm cơ sở đưa ra các giải pháp cụ thể và kịp thời nhằm giải quyết gốc rễ vấn đề.

Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”cũng đã được phê duyệt với mục tiêu làm cho doanh nghiệp Nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, nâng cao sức cạnh tranh, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu. Đề án đã giao quyền chủ động nhiều hơn cho các đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp để xây dựng cụ thể phương án tái cơ cấu cho từng doanh nghiệp phù hợp với đặc thù từng đơn vị, nhưng phải theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng và kết luận của Hội nghị Trung ương.

Riêng tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công thì hiện nay vẫn chưa có đề án cụ thể để thực hiện, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo phân bổ vốn đầu tư tập trung, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn chương trình mục tiêu quốc gia theo kế hoạch trung hạn nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.

Nhìn tổng thể, việc tái cơ cấu một số lĩnh vực của nền kinh tế đã được bắt đầu triển khai từ sớm. Tuy nhiên, đến nay đề án tái cơ cấu vẫn chưa đưa ra được mô hình tăng trưởng của thời kỳ 2012-2020, một số nhiệm vụ mới chỉ ở giai đoạn đầu. Có thể khái quát trong năm 2012, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt sự thống nhất cao, nhưng việc thực hiện trên thực tế chưa mang lại kết quả rõ nét.

Điều cần nhấn mạnh là, nghị quyết Đại hội Đảng 11 và nghị quyết của Quốc hội đều nêu rõ tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhưng đến nay, việc cụ thể hóa mô hình tăng trưởng chưa được xác định rõ và công khai để làm định hướng cho các bộ ngành và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện.

Việc thực hiện đề án có phần rời rạc và thiếu tính chất tổng thể vì mỗi bộ, ngành lại được phân giao xây dựng đề án riêng, chưa có cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp chung và theo dõi tiến độ thực hiện đề án tổng thể và các đề án thành phần.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng là một nội dung lớn, quan trọng và khó.

Với mong muốn góp phần nhỏ để tiếp tục hoàn thiện đề án, tôi cho rằng, ở lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cần yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty sớm gửi báo cáo đề án tái cơ cấu của từng doanh nghiệp trên cơ sở kiến nghị giải pháp từ đây, đối chiếu với những giải pháp đã nêu tại đề án chung đã được phê duyệt để tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các giải pháp nhằm đáp ứng được mục tiêu chung của nền kinh tế và yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp.

Việc xây dựng đề án tái cơ cấu phải gắn liền với công tác quy hoạch cán bộ, bổ nhiệm cán bộ để những cán bộ xây dựng đề án cũng là những người thực hiện, qua đó giúp cho công tác đánh giá cán bộ gắn liền với hiệu quả công việc được giao. Sau đó gửi cho các cơ quan chức năng và công bố công khai nội dung đề án tái cơ cấu để nhân dân theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 5/2013), tiến hành đánh giá tổng thể mô hình tập đoàn kinh tế để kết thúc giai đoạn thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước; xem xét chuyển một số tập đoàn kinh tế nhà nước thành tổng công ty, thực hiện giảm số lượng tập đoàn kinh tế xuống còn 5-7 tập đoàn, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các tập đoàn kinh tế này, xin đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một pháp lệnh riêng cho mỗi tập đoàn kinh tế, trên nguyên tắc xác định rõ người thực hiện quyền chủ sở hữu, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và tập thể quản trị điều hành, cấu trúc quản trị doanh nghiệp các tập đoàn kinh tế Nhà nước...

Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, việc sáp nhập các tổ chức tín dụng yếu kém trên cơ sở tự nguyện và có sự hỗ trợ của các cơ quan đã tránh được những bất ổn trên thị trường tài chính, nhưng cần xem xét, đánh giá thực chất hoạt động sáp nhập này.

Để có một hệ thống ngân hàng thương mại thực sự lành mạnh và hiệu quả thì cũng cần làm rõ vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống, xác định chính xác tổng nợ xấu và sớm có phương án xử lý để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (trong trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý).

Cần gắn tái cơ cấu các tổ chức tín dụng với việc xử lý các sự việc cố ý làm trái để thu lợi của một số tổ chức, cá nhân để từng bước đưa hoạt động tài chính tiền tệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp chính sách để sử dụng hiệu quả thị trường vốn (đặc biệt là thị trường trái phiếu) để chia sẻ gánh nặng về vốn của nền kinh tế hiện chủ yếu tập trung vào hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Việc tiếp theo là cần sớm ban hành đề án tái cơ cấu đầu tư công, những lĩnh vực mà khu vực dân doanh, đầu tư nước ngoài làm được và hiệu quả hơn thì kiên quyết không đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Chính phủ cũng cần chủ động và kịp thời trong việc cung cấp thông tin về triển khai thực hiện đề án để các đại biểu Quốc hội và nhân dân có điều kiện thực hiện chức năng giám sát nhằm tạo sự đồng thuận cao khi đề án được triển khai thực hiện.