10:49 04/01/2013

Đại biểu Quốc hội với 2013: Phải tạm “quên” chức vụ

Trần Văn Độ

Đại biểu không nên “chạy” theo số đông, phải có chính kiến của mình, dù không phải lúc nào cũng được chấp nhận ngay

Trung tướng Trần Văn Độ, Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, đại biểu đoàn An Giang.
Trung tướng Trần Văn Độ, Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, đại biểu đoàn An Giang.
Tái cơ cấu nền kinh tế vẫn rời rạc, niềm tin của cử tri không thể “phung phí” và đừng đẩy cái khó cho dân khi hoạch định chính sách… là tâm tư của một số vị đại biểu Quốc hội được VnEconomy ghi nhận khi cuốn lịch của 2012 đã sang trang cuối. Và dù ở cương vị nào, có hoạt động chuyên trách hay không, các vị đại diện cho dân vẫn đầy suy tư về hoạt động của Quốc hội trong năm 2013 này.

Tiếp theo ý kiến của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, kỳ này, VnEconomy giới thiệu ý kiến của Trung tướng Trần Văn Độ, Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, đại biểu đoàn An Giang.


Là đại biểu tái cử, tôi nhận thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thể hiện rất rõ qua kỳ họp thứ tư vừa qua.


Tại đó có tới 13 phiên truyền hình trực tiếp, nhiều nhất từ trước đến nay. Qua đây, các nội dung rất quan trọng như sửa Hiến pháp, sửa Luật Đất đai, lấy phiếu tín nhiệm…đã được chuyển tải đến đông đảo cử tri, là cơ sở rất quan trọng để nhân dân tham gia ý kiến trước khi Quốc hội nhấn nút biểu quyết.

Tuy nhiên, các quyết nghị của Quốc hội có đi vào cuộc sống hay không và được lòng dân đến mức độ nào chỉ phụ thuộc một phần vào đại biểu thôi, còn lại là thông qua hệ thống điều hành. Trong khi ngay ở kỳ họp cuối năm 2012, một số vị quản lý, nhà điều hành trả lời về một số vấn đề, nhất là trả lời chất vấn nhiều lúc chưa thật ổn, thậm chí có câu trả lời giờ đã thành “câu cửa miệng” của dân, tôi nghĩ đó là ấn tượng không tốt.

Điểm không giống với nhiều nước là một số vị đại biểu Quốc hội Việt Nam đồng thời đang giữ trọng trách ở các cơ quan hành pháp, tư pháp. Vậy nên khi bước chân vào nghị trường phải tách được mình ra các cương vị hàng ngày, chỉ đặt mình ở vị trí đại diện cho dân thôi thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được cử tri giao phó.

Tất nhiên, không phải lĩnh vực nào mình cũng am hiểu nên phải lắng nghe ý kiến cử tri, đặc biệt là ý kiến chuyên gia để yên tâm bấm nút, để tranh luận và phản biện khi cần thiết. Quan trọng là đại biểu không nên “chạy” theo số đông, mỗi đại biểu phải có chính kiến của mình, dù không phải lúc nào cũng được chấp nhận ngay.

Tôi còn nhớ một số vấn đề về sự cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực hay bổ nhiệm thay vì bầu thẩm phán… khi tôi nêu vấn đề đều gặp phản ứng khá dữ dội. Nhưng sau một thời gian nhất định đều thành hiện thực. Ở nghị trường cũng vậy, có thể nhiều vấn đề ý kiến của mình khi thảo luận chỉ là thiểu số, Quốc hội biểu quyết có thể khác ý mình nhưng mình phải chấp hành. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để lúc nào đại biểu cũng “chạy” theo số đông.

Rất tiếc là hiện nay có tình trạng cùng một vấn đề song một số vị khi còn đương chức thì nói khác, khi nghỉ hưu lại nói khác. Tất nhiên thời gian có thể khiến người ta thay đổi cách nhìn nhận, song nếu quan điểm mà thay đổi theo vị trí công tác thì rất dễ dẫn đến mất lòng tin của dân. Cử tri sẽ đặt câu hỏi liệu có phải do cơ chế khiến các vị đương chức phải nói trái với suy nghĩ thật của mình?. Tôi không thích cách ứng xử đó. Vậy nên dù còn đang làm quản lý nhưng ở vị trí đại diện cho dân mình cứ thể hiện chính kiến, dù có thể không trùng với ý kiến đa số.

Một điểm mới rất cần nói tới của hoạt động Quốc hội năm qua là lần đầu tiên tất cả các vấn đề quan trọng sau khi thảo luận đều ra nghị quyết, số lượng 8 nghị quyết trong một kỳ họp cũng là lớn nhất từ trước đến nay. Có nghị quyết cụ thể, kỳ họp tới mới có cơ sở để kiểm điểm xem các cơ quan được giao nhiệm vụ trong đó đã làm được gì và trách nhiệm đến đâu. Có thể vẫn còn những tranh cãi hoặc một số phiếu trắng, phiếu không thuận khi biểu quyết, song rõ ràng ý chí của Quốc hội được thể hiện bằng nghị quyết chắc chắn có tác dụng lớn hơn là thảo luận xong rồi để đó. Thậm chí đã có dư luận cử tri coi ý kiến của một vài đại biểu là quan điểm của cả Quốc hội, nếu chỉ thảo luận mà không đi đến biểu quyết để thành nghị quyết chung.

Kỳ họp thứ tư cũng là lần đầu tiên Quốc hội có nghị quyết về công tác tư pháp. Nhưng đây cũng chỉ là một góc nhỏ các vấn đề cần phải quan tâm giải quyết mà thôi. Bởi cái gốc của quản lý xã hội là chính sách, các vấn đề xã hội đều không thể tách rời kinh tế, chính sách không đi vào lòng dân, không đảm bảo cuộc sống cho dân thì sinh ra nhiều chuyện. Do vậy làm sao phải chăm lo từ gốc, là việc làm, là giáo dục… chứ đừng để tội phạm sinh sôi, giống như trồng cái cây không lo chăm bón từ lúc ươm mầm để rồi suốt đời phải bắt sâu vậy.

Nói về bất cập của quản lý thì đâu chỉ đến kỳ họp vừa rồi mà Quốc hội từ khóa trước cũng đã chỉ ra lỗ hổng trong quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước. Rồi quá nhiều ngân hàng nhưng đầu tư ngoài ngành, lợi ích nhóm chi phối sinh ra tiêu cực… Vậy nên khi sửa Hiến pháp 1992 thì quan điểm của tôi là rất cần có hội đồng bảo hiến, để những gì vi hiến là phải được “stop” ngay, dù ở bất cứ cấp nào.

2013 theo nhiều nhận định thì tình hình đất nước sẽ rất khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn, củng cố niềm tin cho nhân dân đòi hỏi các quyết sách phải đúng đắn, đặc biệt là phải tránh được tư duy nhiệm kỳ và tác động tiêu cực của lợi ích nhóm. Như tôi đã có lần trao đổi với VnEconomy, nếu chính sách cứ đẩy cái khó cho dân thì rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, để làm được như vậy thì cần sự dũng cảm của những người có trách nhiệm, người đứng đầu các cấp, cần có sự “xả hơi tháo nút” chứ không thể để xã hội căng thẳng quá, được lòng dân thì được mọi việc, còn để dân thờ ơ hoặc nguy hiểm hơn là dẫn đến phản ứng thì rất gay go.

Với Quốc hội, hai kỳ họp của năm 2013 cũng sẽ phải quyết định các vấn đề trọng đại như sửa Hiến pháp, lần đầu lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo Nhà nước.. Đây cũng là những vấn đề được cử tri rất quan tâm và đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới cách thức hoạt động của Quốc hội.

Theo tôi, điều có thể đổi mới được ngay là phân bổ thời gian cho hợp lý với các nội dung của mỗi kỳ họp, không nên dự án luật nào cũng thảo luận tại hội trường một buổi như nhau cả. Ví dụ với dự án luật khó như Luật Đất đai sửa đổi thì có thể thảo luận liên tục vài ngày cho rõ mọi ngóc ngách. Hoặc có thể tổ chức cho đại biểu nghe ý kiến chuyên  gia, tranh luận ngay với ban soạn thảo… trước khi nhấn nút biểu quyết.

Kỳ tới: “Cần gắn tái cơ cấu các tổ chức tín dụng với việc xử lý các sự việc cố ý làm trái để thu lợi của một số tổ chức, cá nhân để từng bước đưa hoạt động tài chính tiền tệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, suy nghĩ của TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu đoàn Sóc Trăng.