09:53 17/01/2019

Đảm bảo chặn đứng nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế

Nguyên Mẫn

Không chỉ tác động tiêu cực trực tiếp đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, biến đổi khí hậu cũng gây ra ảnh hưởng đáng kể đến an ninh năng lượng

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 - Ảnh: TTXVN.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 - Ảnh: TTXVN.

Chủ trì tổ chức hội thảo chuyên đề về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc này.

Chủ tịch Quỹ Carnegie vì Hoà bình quốc tế, ông John Kerry, một người bạn chân thành và thủy chung, luôn đồng cảm với những thách thức đến với Việt Nam do biến đổi khí hậu, chia sẻ với Trưởng Ban Kinh tế Trung ương rằng, biến đổi khí hậu có thể dẫn đến việc thiếu hụt các nguồn cung năng lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân cung-cầu năng lượng, đe doạ trực tiếp đến an ninh năng lượng Việt Nam.

"Để phòng chống biến đổi khí hậu, chúng ta rất cần có những cam kết cụ thể từ phía các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng về việc giảm phát thải khí nhà kính, đi kèm với xử lý chất thải để đảm bảo an toàn môi trường", ông Kerry nói, "Muốn đáp ứng được những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Việt Nam cần thực thi nhiều chính sách đồng bộ trong công tác chủ động phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu".

Biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực

Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, từ những nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo. Nếu không ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu thì thành quả phát triển kinh tế - xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể đạt được. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông rộng lớn.

Kết quả một số nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam cho thấy, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước, đặc biệt, 20% diện tích Tp.HCM cũng sẽ có nguy cơ bị ngập. 

Theo đó, sẽ có khoảng 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất về kinh tế ước tính khoảng 10% GDP. Thực trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học. Đến nay, 11/13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã phải công bố tình trạng thiên tai, do xuất hiện hạn, mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua; mỗi năm có khoảng 300 ha đất đai bị sụt lún, sạt lở; hiện tượng nước biển dâng gây xâm nhập nước mặn, nước lợ ngày càng gia tăng... và nhiều tác động thiên tai khác đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, biến đổi khí hậu cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến đảm bảo an ninh năng lượng. Đây là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam hết sức quan tâm.

Một số kết quả nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu tại Việt Nam làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng. Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. 

Thực tế những năm qua cho thấy, biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây thay đổi thời tiết, thay đổi lượng mưa tạo ra những trận lũ quét, bão hoặc nạn hạn hán bất thường đã làm ảnh hưởng đến khả năng cung ứng và điều tiết kế hoạch sản xuất của các ngành điện, than và dầu khí; gây thiệt hại đến một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật, làm gia tăng chi phí trong đầu tư, cải tạo và sửa chữa thiết bị trong các khâu từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các hoạt động năng lượng lại là một trong những nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 với chủ đề "Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững" là sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương cùng Ban cán sự đảng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, một số địa phương tổ chức trong 2 ngày 16 và 17/1/2019. 

Diễn đàn lần này không chỉ nhằm góp phần giúp nghiên cứu, xây dựng các nghị quyết của Bộ Chính trị mà còn là sự kiện quan trọng giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ cụ thể hóa những nội dung trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Sự kiện đặc biệt nhất của diễn đàn là phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề "Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019; củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững" (chiều ngày 17/1/2019) có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie ông John Kerry; đại diện lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và các giám đốc quốc gia của WB, ADB tại Việt Nam. 

Hội thảo chuyên đề về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững" là một trong 4 hội thảo quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 3, năm 2019 diễn ra trong 2 ngày 16, 17/1. 3 hội thảo chuyên đề còn lại là hội thảo chuyên đề "Định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: cơ hội và thách thức"; hội thảo chuyên đề "Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam"; hội thảo chuyên đề "Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức cho Việt Nam".

Tham dự các hội thảo này có rất nhiều chuyên gia cao cấp đến từ một số bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Campuchia, Myanma, Ấn Độ, Mông Cổ, Băng-la-đét, Maldives), các tổ chức quốc tế đa phương (IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan Tài chính dự án và hạ tầng (IPFA), Công ty PwC, các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam (Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Nhật Bản)...

7 việc cần làm ngay

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, nhận diện và đánh giá đúng sự tác động hai mặt của biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng để có cơ sở xây dựng những chính sách phù hợp về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng quốc gia là việc làm khó, nhưng hết sức cần thiết. Cụ thể, có 7 vấn đề cần làm ngay.

Thứ nhất là, cần tăng cường nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên thế giới và ở nước ta hiện nay.

Thứ hai là, làm rõ một số nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam (nhất là tại một số khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề như Đồng bằng sông Cửu Long, Tp.HCM) và đề xuất một số kịch bản chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba là, có một số giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Thứ tư là, phân tích chiến lược đa dạng hoá nguồn cung năng lượng của Việt Nam, đề xuất một số định hướng phát triển ngành năng lượng để nâng cao tính tự chủ và tăng cường khả năng chống chịu với tình trạng biến đổi khí hậu tiêu cực hiện nay.

Thứ năm là, làm rõ hiện trạng công tác thiết lập hệ thống an ninh năng lượng của Việt Nam; nhìn nhận đâu là những nguy cơ chính ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia hiện nay và đề xuất một số giải pháp trọng tâm để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ sáu là, có chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng hợp lý theo cơ chế thị trường, có tính đến việc gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo gắn với bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác động xấu đến biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế các-bon thấp.

Thứ bảy là, giới thiệu những ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, sử dụng thiết bị hiện đại gắn với những giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường để phát triển bền vững.