Dân quân tự vệ có nghĩa vụ bảo vệ tài sản của doanh nghiệp
Dự thảo Luật Dân quân tự vệ Chính phủ trình chưa quy định chức năng của dân quân tự vệ trong bảo vệ doanh nghiệp
Người lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, tuy nhiên, dự thảo Luật Chính phủ trình chưa quy định chức năng của dân quân tự vệ trong bảo vệ doanh nghiệp.
Bắt đầu phiên họp thứ 35, sáng 15/7 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh (cơ quan thẩm tra dự án luật) Võ Trọng Việt cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, quy định vị trí, chức năng của lực lượng tự vệ "là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước" như dự thảo luật là khó bảo đảm việc thực hiện quy định về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định về bảo vệ tài sản của tổ chức, trong đó có cả tài sản của doanh nghiệp.
Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, được Nhà nước Việt Nam công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
Mặt khác, người lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp này có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Tuy nhiên, dự thảo Luật Chính phủ trình chưa quy định chức năng của dân quân tự vệ trong bảo vệ doanh nghiệp.
Vì thế, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Uỷ ban đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thay cụm từ "Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa" bằng cụm từ "chính quyền" như Luật Dân quân tự vệ năm 2009 cho phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng; thay cụm từ "tài sản của Nhân dân, tài sản của Nhà nước" bằng cụm từ "tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân" để bảo đảm bao quát hơn.
Theo đó, điều 2 được chỉnh lý: "Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh".
Liên quan đến tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp (điều 17), Chủ nhiệm Việt báo cáo, có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, vì không khả thi và không có cơ sở buộc doanh nghiệp phải thực hiện.
Theo Thường trực cơ quan thẩm tra, việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đã được quy định điều 19 Luật Dân quân tự vệ hiện hành và các nghị định của Chính phủ, quá trình tổ chức thực hiện đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức, huấn luyện, hoạt động của tự vệ.
Việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương và nhiệm vụ của khu vực phòng thủ để góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Trong thời bình chỉ tổ chức tự vệ ở một số doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên. Đối với các doanh nghiệp chưa tổ chức tự vệ, thì phải đăng ký quản lý người lao động trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ để sẵn sàng mở rộng lực lượng khi có yêu cầu. Do đó, việc quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp là cần thiết.
Một số ý kiến tại phiên thảo luận cho rằng, bảo vệ doanh nghiệp đã có lực lượng riêng, còn dân quân tự vệ chỉ tham gia một phần.
Về những nội dung khác, liên quan đến tên gọi của dự thảo luật còn không ít băn khoăn.
Ông Việt cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị sửa tên Luật là "Luật Dân quân, Tự vệ" hoặc "Luật Dân quân và Tự vệ", vì dân quân và tự vệ là hai chủ thể khác nhau, có chế độ, chính sách cơ bản không giống nhau.
Cơ quan thẩm tra nêu quan điểm: cụm từ "Dân quân tự vệ" tại tên dự thảo luật đã được sử dụng thống nhất trong các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, Luật Quốc phòng, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và kế thừa tên gọi của Luật Dân quân tự vệ năm 200, cụm từ "Dân quân tự vệ" là dùng để chỉ một lực lượng thuộc thành phần lực lượng vũ trang.
Theo quy định của luật hiện hành và dự thảo luật, đơn vị dân quân được tổ chức ở địa phương, đơn vị tự vệ được tổ chức ở cơ quan, tổ chức, nhưng cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức, chỉ huy, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của dân quân tự vệ là thống nhất.
Mặt khác, tên gọi "Dân quân tự vệ" gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng dân quân tự vệ qua các thời kỳ và quen thuộc trong đời sống xã hội, quá trình tổ chức thực hiện không có gì vướng mắc. Do đó, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho giữ tên gọi của dự thảo luật như Chính phủ trình.