''Dân yêu cầu mới xin lỗi là không thuyết phục''
Góp ý Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chiều 4/4
Dân làm sai với dân thì Nhà nước bắt xin lỗi công khai, còn Nhà nước làm oan cho dân thì lại đặt vấn đề dân có yêu cầu mới xin lỗi là không thuyết phục.
Nhận xét này được đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nêu ra khi góp ý Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chiều 4/4.
Không thể hiểu được
Giải trình về quy định thiệt hại được bồi thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị, đối với thiệt hại về tinh thần thì Nhà nước bồi thường, đồng thời tiến hành xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan mà không cần có yêu cầu của người bị thiệt hại.
Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, với tính chất của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc bồi thường chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của người bị thiệt hại. Việc xin lỗi và cải chính công khai quy định trong luật này là hệ quả của quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường. Trong quá trình giải quyết, căn cứ vào yêu cầu của người bị oan mà cơ quan nhà nước tiến hành xin lỗi, cải chính công khai.
Hơn nữa, trong trường hợp đã xác định người bị oan nhưng người đó không có yêu cầu thì cơ quan nhà nước cũng không thể chủ động tiến hành xin lỗi, cải chính công khai, bởi vì việc xin lỗi, cải chính công khai ảnh hưởng trực tiếp đến quyền nhân thân của người bị oan. Vì vậy, đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, người bị oan tổn hại danh dự rất lớn nhưng quy định của dự thảo luật về tổ chức xin lỗi lại là công dân có yêu cầu mới tổ chức xin lỗi công khai là không thuyết phục.
Đây là vấn đề đã trao đổi tại nghị trường nhưng chưa tiếp thu - bả Thuỷ nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cũng tỏ ra vô cùng ngạc nhiên trước giải thích của cơ quan soạn thảo là nếu chủ động công khai xin lỗi thì có thể ảnh hưởng đến quyền nhân thân của người được bồi thường.
"Tôi không thể hiểu được, ví dụ nào chứng minh điều này? bà Thuỷ đặt vấn đề.
Đề nghị của bà Thuỷ là cần sửa lại trong mọi trường hợp kể từ khi có văn bản xác định người nào đó bị oan thì sau 10 ngày phải xin lỗi công khai trừ trường hợp người bị oan đề nghị không xin lỗi công khai.
Đaị diện Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị cần thiết kế lời xin lỗi ngay trong luật để tránh tình trạng bắt thì hoành tráng xe nọ xe kia, đến khi công khai xin lỗi thì chưa đầy hai phút.
Hai cực của bồi thường
Vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận là xác định cơ quan giải quyết bồi thường.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ở kỳ họp thứ hai đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo luật, theo nguyên tắc chung là cơ quan gây oan sai cuối cùng chịu trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý còn có ý kiến khác nhau về việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự trong 2 trường hợp.
Cụ thể đối với trường hợp viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung, cơ quan điều tra ra kết luận điều tra bổ sung hoặc giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu nhưng viện kiểm sát quyết định đình chỉ vụ án vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì trách nhiệm bồi thường thuộc về cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát.
Đối với trường hợp tòa án đã có bản án, quyết định xác định bị cáo có tội nhưng tòa án cấp có thẩm quyền hủy bản án, quyết định đó để điều tra lại mà sau đó cơ quan điều tra tiếp tục ra kết luận điều tra bổ sung hoặc giữ nguyên kết luận điều tra ban đầu và đề nghị viện kiểm sát truy tố nhưng viện kiểm sát đình chỉ vụ án vì bị can không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm thì trách nhiệm bồi thường thuộc về tòa án hoặc cơ quan điều tra.
Một số ý kiến tại phiên thảo luận cho rằng, dù cơ quan nào làm sai thì trách nhiệm bồi thường cũng là của nhà nước, nên không thể nào tuyệt đối mà chỉ nên tương đối.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền nói ông đã mong chờ môt sự đột phá tại dự thảo luật: cơ quan giải quyết bồi thường không phải là cơ quan tố tụng cũng không phải cơ quangây ra thiệt hại mà là một cơ quan đại diện cho nhà nước đứng ra bồi thường cho dân.
Bởi, theo giám sát của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội khoá 13 thì có đến 70 - 80% các vụ việc do cơ quan tố tụng bồi thường tiến hành rất chậm chạp.
Một bên là công dân đơn thương độc mã đi đòi, một bên là cơ quan tố tụng , họ cố tình dây dưa thậm chí là hành hạ người được bồi thường,
Hầu hết là chậm, nếu vụ nào nhanh thì có vấn đề móc nối giữa hai bên được bồi thường và phải bồi thường để nâng giá lên rất cao, lấy ngân sách nhà nước rất dễ dàng. Có vụ nâng lên 20 tỷ, thoả thuận xuống 10 tỷ, sau đó còn có mấy tỷ thôi, nếu nhanh là móc nối, còn hầu hết là chậm, đó là hai cực - ông Quyền nhấn mạnh.