"Đang chuyển đổi" nên khó giảm độc quyền?
Cải cách thể chế đặt ra vấn đề thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, xóa độc quyền kinh doanh
Việt Nam sau 30 năm cải cách vẫn nói đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Có lẽ 5 năm tới cần chấm dứt luôn quá trình này, và chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Sáng 6/7, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo cải cách độc quyền nhà nước trong ngành công nghiệp mạng lưới (điện, viễn thông, đường sắt, hàng không…) ở Việt Nam.
Tại đây, không chỉ có Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung mà các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế cũng đều lo ngại trước không ít khó khăn trong việc giảm độc quyền trong các lĩnh vực nói trên.
Theo TS. Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Thể chế kinh tế của CIEM thì trước đây các ngành công nghiệp mạng lưới đều do nhà nước độc quyền. Tuy nhiên, trong bối cảnh cải cách thể chế đặt ra vấn đề thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, xóa độc quyền kinh doanh.
Kết quả nghiên cứu 4 ngành điện, đường sắt, hàng không, viễn thông cho thấy hệ thống cơ chế, chính sách nhằm hạn chế độc quyền kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh đã được ban hành khá đầy đủ, tạo cơ sở cho cải cách. Song, kết quả cải cách và hiện trạng độc quyền nhà nước của mỗi ngành là khác nhau. Điện mới mở cửa một phần, vận tải đường sắt thì mới chỉ có những bước đi đầu tiên.
Chẳng hạn, 3 khâu của ngành điện là nguồn điện, thu mua truyền tải và phân phối, cung cấp điện đến người dùng, trong đó 2 khâu 1 và 3 là có nhiều tiềm năng cạnh tranh, riêng khâu truyền tải phân phối điện là độc quyền tự nhiên. Nhưng, tính độc quyền còn thể hiện rõ khi mà tại khâu nguồn điện, EVN, TKV, PVN hiện chiếm 76% công suất phát điện và sở hữu nhà nước vẫn chi phối ngành điện.
Trong khâu truyền tải, phân phối và bán lẻ, EVN đang nắm độc quyền các phân khúc từ mua buôn điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ. Trung gian mua bán điện, Công ty mua bán điện (EPTC) trực thuộc EVN là đơn vị duy nhất được phép mua buôn điện từ tất cả các đơn vị phát điện trên thị trường và bán buôn cho các công ty phân phối điện.
Với ngành đường sắt thì theo kết quả nghiên cứu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn gần như độc quyền toàn bộ. Và với vị thế này, doanh nghiệp thiếu động lực nâng cao chất lượng, giảm giá thành, dẫn đến thị phần giảm.
Dù trong những năm qua, giao thông vận tải đường sắt vẫn được coi là bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhưng hạ tầng đường sắt những năm qua khá biệt lập, lạc hậu và thiếu kết nối.
TS. Nguyễn Thị Luyến nhận xét, do vẫn tồn tại việc doanh nghiệp vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng, điều hành giao thông vận tải đường sắt, lại vừa kinh doanh vận tải nên có vị thế chi phối rất lớn, không tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt".
Kiến nghị của nhóm nghiên cứu là ngành đường sắt cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thành lập cơ quan độc lập quản lý hạ tầng đường sắt, có cơ chế tiếp cận, kết nối hạ tầng mạng đường sắt công bằng, đảm bảo cho các chủ tàu mới tham gia kinh doanh vận tải đường sắt cạnh tranh.
Với lĩnh vực hàng không, khuyến nghị từ nhóm nghiên cứu bao gồm đảm bảo khả năng tiếp cận cảng hàng không công bằng, bình đẳng cho các hãng hàng không; thực hiện giám sát giá tiếp cận các dịch vụ cảng hàng không; ban hành cơ chế kiểm soát đơn vị quản lý các cảng hàng không; giảm vị thế độc quyền của ACV tại các sân bay…
Hàng không đã cạnh tranh rồi tại sao không có sân bay tư nhân? Viện trưởng CIEM bình luận.
Các ý kiến tại hội thảo cũng bày tỏ nhiều lo ngại về mức độ độc quyền của các ngành được nêu tại nghiên cứu.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận xét, ngành đường sắt đang lâm vào cuộc khủng hoảng rất lớn vì không thể cạnh tranh.
Vẫn theo ông Doanh thì mức độ độc quyền ngành điện cực kỳ lớn. Năng lượng tái tạo gió, mặt trời sẽ giảm mạnh, sau 2020 sẽ rẻ hơn điện than rất nhiều. Nếu tính ô nhiễm, tổn tại cầu đường thì giá điện than sẽ rất đắt. Ở Úc đã có thị trấn họ tự túc được điện nhờ điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, không cần ngành điện phải nối mạng lưới nữa.
Ở Đức họ có một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh, họ không dùng điện nguyên tử, bãi bỏ dần điện than, sử dụng 80% điện tái tạo. Họ rất rạch ròi giá bán điện, bán buôn, bán lẻ, thuế, họ chỉ cạnh tranh về chi phí sản xuất, chi phí chính sách. Ở Việt Nam không phân biệt được đâu là chính sách, đâu là kinh doanh, và không biết lỗi do ai, nên họ không có động lực giảm giá điện, TS Nguyễn Đình Cung tham gia bình luận.
Nhận xét từ chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là còn nhiều khó khăn trong việc giảm độc quyền trong những lĩnh vực nói trên.
Lâu nay vai trò đường sắt bị bỏ quên, bà Chi Lan nhận xét.
TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, sau 30 năm cải cách Việt Nam vẫn đang nói chuyển đổi sang kinh tế thị trường dường như nói vậy là để biện minh cho các yếu kém của mình.