Đằng sau nghi án DongA Bank bị “chơi xấu”
Giới ngân hàng xì xào thông tin, một ngân hàng lớn đã “gài bẫy” DongA Bank vì hành vi “xé rào” lãi suất
Sau khi Ngân hàng Nhà nước xử lý hành vi “xé rào” lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank) chi nhánh Tây Ninh, giới ngân hàng rộ lên thông tin: một ngân hàng lớn nằm trong nhóm “G12 + 1” “gài bẫy” DongA Bank.
Điều gì đang ở phía sau câu chuyện này?
Ai “chơi xấu” ai?
Sự việc bắt đầu vào ngày 14/9, khi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh có quyết định số 119/QĐ-TNI xử lý vi phạm huy động vốn vượt trần lãi suất 14%/năm tại DongA Bank chi nhánh Tây Ninh và miễn nhiệm chức danh giám đốc chi nhánh với ông Nguyễn Thái Hậu.
Một ngày sau (15/9), thanh tra Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 7235/NHNN-TTGSNH, yêu cầu lãnh đạo DongA Bank: kiểm điểm tập thể, cá nhân chi nhánh DongA Bank Tây Ninh vi phạm Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước; không được bố trí chức vụ quản lý điều hành đối với ông Nguyễn Thái Hậu trong vòng 3 năm; buộc thôi việc đối với bà Lâm Thị Minh Ánh, nguyên trưởng phòng kế toán; trong vòng 1 năm, DongA Bank không được mở chi nhánh, phòng giao dịch và đặt máy ATM trong phạm vi toàn quốc.
Nếu như dừng ở đó, có lẽ chẳng có gì phải bàn thêm nhưng hai ngày nay, trong giới ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng phía Nam xì xào thông tin rằng, một ngân hàng lớn trong nhóm “G12 + 1” đã “gài bẫy” DongA Bank.
Cụ thể, giám đốc chi nhánh Tây Ninh của ngân hàng nói trên mang tiền đến mời chào ông Nguyễn Thái Hậu nhận gửi với mức trên 14%/năm, sau đó, vị này gửi toàn bộ hồ sơ ra thanh tra Ngân hàng Nhà nước ở Trung ương làm bằng chứng tố cáo.
Trao đổi với người viết, tổng giám đốc ngân hàng bị cho là đã “chơi xấu” DongA Bank (xin giấu tên) phân trần: “Sổ tiết kiệm vượt trần lãi suất 14%/năm có thể của bất kỳ ai nhưng rủi thay, tên người đứng sổ tiết kiệm xé rào lãi suất lại đứng tên giám đốc chi nhánh ngân hàng tôi ở Tây Ninh. Thực tế, chúng tôi không có chủ trương đưa tiền cho nhân viên đi gài bẫy ai cả. Nếu muốn, chúng tôi có thể thay vào đó một ai đó bất kỳ, chứ cần gì phải lộ liễu thế!”.
Vị này cho rằng, không nên đặt vấn đề “ai chơi xấu ai” mà phải nhìn thẳng vào “cảnh sống hai mặt” tồn tại trong ngành ngân hàng như một thứ ung nhọt lâu nay. Đó là, tình trạng vừa họp “đồng thuận” với nhau, bước ra khỏi cửa đã mắt trước mắt sau tìm cách “xé rào” lãi suất.
Ông nói: “Đồng thuận lần trước, chúng tôi chấp hành nghiêm lãi suất 14%/năm trong 3 tuần liền nhưng cuối cùng bị rút đi 5.000 tỷ đồng. Mặc dù có đủ chứng cứ lách trần lãi suất từ ngân hàng lớn đến nhỏ, quốc doanh đến cổ phần nhưng cuối cùng Hội đồng Quản trị, ban lãnh đạo ngân hàng phải tìm cách để cứu lấy mình. Đợt này, ngay sau tuyên bố cứng rắn của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cũng có rất nhiều bằng chứng về việc “xé rào”, và nói thực là quá thất vọng vì cách làm ăn thiếu đứng đắn của một số ngân hàng”.
Bình luận về chuyện “chơi xấu”, tổng giám đốc một ngân hàng nằm ngoài nhóm “G12 + 1” nhận xét: “Tôi có biết ngân hàng nào đã gài bẫy DongA Bank, nhưng điều đó không quan trọng. Khi chính sách đã ban hành mà vẫn tìm cách lách lấy vốn của bạn thì đó mới là hành vi xấu và cần phải lên án”.
Vai trò đầu tàu
Có vẻ như câu chuyện “tố” nhau nói trên vẫn chưa dừng lại ở chốn thị phi, một số lãnh đạo ngân hàng còn mở rộng thêm: tại sao đã có Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bây giờ lại phải có thêm “G12 + 1”? Ai đảm bảo rằng, “G12 + 1” không được hưởng đặc quyền, đặc lợi và lũng đoạn chính sách? Nhóm “G12 + 1” có ỷ thế được Ngân hàng Nhà nước nuông chiều, để rồi hù dọa những đối thủ và/hoặc “hè” nhau có chung thỏa thuận phản cạnh tranh?
Giải thích lý do thành lập “G12 + 1”, tại cuộc họp ngành ngày 7/9, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: khi thành lập nhóm “G12 + 1”, mục đích của Ngân hàng Nhà nước là sử dụng lực lượng nòng cốt, coi đó là đầu tàu để đưa hoạt động của ngân hàng vào khuôn khổ mà trước mắt là thiết lập trần lãi suất tiền gửi 14%/năm. Ngân hàng Nhà nước hy vọng rằng, một khi 85% thị phần đồng thuận thì phần còn lại sẽ phải chấp hành.
Lý do thứ hai, trong quá trình ban hành chính sách, Ngân hàng Nhà nước sẽ thảo luận chi tiết với nhóm, điều này làm cho chính sách và thực tiễn có tính tương tác cao hơn, khắc phục tình trạng chính sách ban hành xong, tổ chức tín dụng không thể thực hiện được”.
Vậy, mô hình “G12 + 1” có vi phạm Luật Cạnh tranh không? Làm thế nào để tránh hành vi phản cạnh tranh của nhóm? Trao đổi với người viết, ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nói: “Quan điểm chúng tôi là về nguyên tắc, việc thành lập nhóm “G12 + 1” và những thỏa thuận của họ là không vi phạm Luật Cạnh tranh. Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn thì việc lập nhóm “G12 + 1”, góp phần đưa lãi suất xuống ở mức hợp lý để doanh nghiệp, người dân có thể chấp nhận; mục tiêu kiềm chế lạm phát được đảm bảo là điều nên làm”.
Tuy nhiên, theo ông Phú, phải xem xét và giám sát kỹ những hoạt động sau đó của nhóm. Nếu họ có các hành vi phản cạnh tranh như: thỏa thuận với nhau về lãi suất tiền gửi, tiền vay… để triệt hạ, chèn ép đối thủ; dèm pha, hạn chế cạnh tranh trên thị trường hoặc có hành vi gây bất lợi cho đối thủ…thì mới bị coi là vi phạm Luật Cạnh tranh. Và để đề phòng những hệ lụy xấu do nhóm gây ra, phải giải quyết hai vấn đề.
Một là, cơ quan giám sát độc lập là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) phải xem xét mỗi hành vi hoặc quyết sách của nhóm dưới các hình thức thỏa thuận ngầm hoặc công bố công khai.
Hai là, để chủ động hơn trong việc loại trừ hành vi phản cạnh tranh thì đối với 12 ngân hàng thương mại nói trên, trước khi đưa ra một quyết sách, họ phải chủ động tham vấn ý kiến cơ quan cạnh tranh, để xem chúng có vi phạm luật cạnh tranh hay không.
Thứ hai là việc cơ chế “giám sát lẫn nhau”. Khi ban hành Chỉ thị 02, Ngân hàng Nhà nước đã lập đường dây nóng để khách hàng gửi tiền cung cấp thông tin, đồng thời cho phép các tổ chức tín dụng giám sát lẫn nhau. Thống đốc nói với các lãnh đạo ngân hàng rằng: “Các tổ chức tín dụng phải giám sát lẫn nhau, nếu không, bị mất vốn thì đừng kêu!”.
Ở đây có một vấn đề cần lưu ý. Theo trần tình của vị tổng giám đốc ngân hàng bị cho là đã “gài bẫy” DongA Bank thì sổ tiết kiệm vượt trần lãi suất đứng tên giám đốc chi nhánh ngân hàng ông và đó là điều không may.
Tuy nhiên, điều khó chấp nhận là giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn thì phải nắm rất rõ quy định của Ngân hàng Nhà nước (cấm lách trần lãi suất) và buộc chấp hành nghiêm, kể cả nếu người này trực tiếp đứng dưới cương vị khách hàng gửi tiền.
Trong trường hợp đó, nếu giải thích theo kiểu “may rủi” như vị tổng giám đốc nọ thì chính giám đốc chi nhánh ngân hàng này đã tiếp tay cho “xé rào” lãi suất và không thể không bị xử lý; còn nếu giải thích: không làm thế thì lấy đâu ra bằng chứng, hóa ra chính mình đã “gài bẫy” DongA Bank để nhận lại sự dị nghị trong giới.
Thực tế này đặt ra vấn đề, liệu Ngân hàng Nhà nước có thể thiết lập một cơ chế cung cấp thông tin, cách thức chuyển hóa hình thức thông tin để có thể vừa “giám sát lẫn nhau” nhưng không bị tiếng xấu “gài bẫy”; đồng thời, tránh rắc rối cho Ngân hàng Nhà nước khi xử lý vi phạm?
Điều gì đang ở phía sau câu chuyện này?
Ai “chơi xấu” ai?
Sự việc bắt đầu vào ngày 14/9, khi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh có quyết định số 119/QĐ-TNI xử lý vi phạm huy động vốn vượt trần lãi suất 14%/năm tại DongA Bank chi nhánh Tây Ninh và miễn nhiệm chức danh giám đốc chi nhánh với ông Nguyễn Thái Hậu.
Một ngày sau (15/9), thanh tra Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 7235/NHNN-TTGSNH, yêu cầu lãnh đạo DongA Bank: kiểm điểm tập thể, cá nhân chi nhánh DongA Bank Tây Ninh vi phạm Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước; không được bố trí chức vụ quản lý điều hành đối với ông Nguyễn Thái Hậu trong vòng 3 năm; buộc thôi việc đối với bà Lâm Thị Minh Ánh, nguyên trưởng phòng kế toán; trong vòng 1 năm, DongA Bank không được mở chi nhánh, phòng giao dịch và đặt máy ATM trong phạm vi toàn quốc.
Nếu như dừng ở đó, có lẽ chẳng có gì phải bàn thêm nhưng hai ngày nay, trong giới ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng phía Nam xì xào thông tin rằng, một ngân hàng lớn trong nhóm “G12 + 1” đã “gài bẫy” DongA Bank.
Cụ thể, giám đốc chi nhánh Tây Ninh của ngân hàng nói trên mang tiền đến mời chào ông Nguyễn Thái Hậu nhận gửi với mức trên 14%/năm, sau đó, vị này gửi toàn bộ hồ sơ ra thanh tra Ngân hàng Nhà nước ở Trung ương làm bằng chứng tố cáo.
Trao đổi với người viết, tổng giám đốc ngân hàng bị cho là đã “chơi xấu” DongA Bank (xin giấu tên) phân trần: “Sổ tiết kiệm vượt trần lãi suất 14%/năm có thể của bất kỳ ai nhưng rủi thay, tên người đứng sổ tiết kiệm xé rào lãi suất lại đứng tên giám đốc chi nhánh ngân hàng tôi ở Tây Ninh. Thực tế, chúng tôi không có chủ trương đưa tiền cho nhân viên đi gài bẫy ai cả. Nếu muốn, chúng tôi có thể thay vào đó một ai đó bất kỳ, chứ cần gì phải lộ liễu thế!”.
Vị này cho rằng, không nên đặt vấn đề “ai chơi xấu ai” mà phải nhìn thẳng vào “cảnh sống hai mặt” tồn tại trong ngành ngân hàng như một thứ ung nhọt lâu nay. Đó là, tình trạng vừa họp “đồng thuận” với nhau, bước ra khỏi cửa đã mắt trước mắt sau tìm cách “xé rào” lãi suất.
Ông nói: “Đồng thuận lần trước, chúng tôi chấp hành nghiêm lãi suất 14%/năm trong 3 tuần liền nhưng cuối cùng bị rút đi 5.000 tỷ đồng. Mặc dù có đủ chứng cứ lách trần lãi suất từ ngân hàng lớn đến nhỏ, quốc doanh đến cổ phần nhưng cuối cùng Hội đồng Quản trị, ban lãnh đạo ngân hàng phải tìm cách để cứu lấy mình. Đợt này, ngay sau tuyên bố cứng rắn của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cũng có rất nhiều bằng chứng về việc “xé rào”, và nói thực là quá thất vọng vì cách làm ăn thiếu đứng đắn của một số ngân hàng”.
Bình luận về chuyện “chơi xấu”, tổng giám đốc một ngân hàng nằm ngoài nhóm “G12 + 1” nhận xét: “Tôi có biết ngân hàng nào đã gài bẫy DongA Bank, nhưng điều đó không quan trọng. Khi chính sách đã ban hành mà vẫn tìm cách lách lấy vốn của bạn thì đó mới là hành vi xấu và cần phải lên án”.
Vai trò đầu tàu
Có vẻ như câu chuyện “tố” nhau nói trên vẫn chưa dừng lại ở chốn thị phi, một số lãnh đạo ngân hàng còn mở rộng thêm: tại sao đã có Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bây giờ lại phải có thêm “G12 + 1”? Ai đảm bảo rằng, “G12 + 1” không được hưởng đặc quyền, đặc lợi và lũng đoạn chính sách? Nhóm “G12 + 1” có ỷ thế được Ngân hàng Nhà nước nuông chiều, để rồi hù dọa những đối thủ và/hoặc “hè” nhau có chung thỏa thuận phản cạnh tranh?
Giải thích lý do thành lập “G12 + 1”, tại cuộc họp ngành ngày 7/9, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: khi thành lập nhóm “G12 + 1”, mục đích của Ngân hàng Nhà nước là sử dụng lực lượng nòng cốt, coi đó là đầu tàu để đưa hoạt động của ngân hàng vào khuôn khổ mà trước mắt là thiết lập trần lãi suất tiền gửi 14%/năm. Ngân hàng Nhà nước hy vọng rằng, một khi 85% thị phần đồng thuận thì phần còn lại sẽ phải chấp hành.
Lý do thứ hai, trong quá trình ban hành chính sách, Ngân hàng Nhà nước sẽ thảo luận chi tiết với nhóm, điều này làm cho chính sách và thực tiễn có tính tương tác cao hơn, khắc phục tình trạng chính sách ban hành xong, tổ chức tín dụng không thể thực hiện được”.
Vậy, mô hình “G12 + 1” có vi phạm Luật Cạnh tranh không? Làm thế nào để tránh hành vi phản cạnh tranh của nhóm? Trao đổi với người viết, ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nói: “Quan điểm chúng tôi là về nguyên tắc, việc thành lập nhóm “G12 + 1” và những thỏa thuận của họ là không vi phạm Luật Cạnh tranh. Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn thì việc lập nhóm “G12 + 1”, góp phần đưa lãi suất xuống ở mức hợp lý để doanh nghiệp, người dân có thể chấp nhận; mục tiêu kiềm chế lạm phát được đảm bảo là điều nên làm”.
Tuy nhiên, theo ông Phú, phải xem xét và giám sát kỹ những hoạt động sau đó của nhóm. Nếu họ có các hành vi phản cạnh tranh như: thỏa thuận với nhau về lãi suất tiền gửi, tiền vay… để triệt hạ, chèn ép đối thủ; dèm pha, hạn chế cạnh tranh trên thị trường hoặc có hành vi gây bất lợi cho đối thủ…thì mới bị coi là vi phạm Luật Cạnh tranh. Và để đề phòng những hệ lụy xấu do nhóm gây ra, phải giải quyết hai vấn đề.
Một là, cơ quan giám sát độc lập là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) phải xem xét mỗi hành vi hoặc quyết sách của nhóm dưới các hình thức thỏa thuận ngầm hoặc công bố công khai.
Hai là, để chủ động hơn trong việc loại trừ hành vi phản cạnh tranh thì đối với 12 ngân hàng thương mại nói trên, trước khi đưa ra một quyết sách, họ phải chủ động tham vấn ý kiến cơ quan cạnh tranh, để xem chúng có vi phạm luật cạnh tranh hay không.
Thứ hai là việc cơ chế “giám sát lẫn nhau”. Khi ban hành Chỉ thị 02, Ngân hàng Nhà nước đã lập đường dây nóng để khách hàng gửi tiền cung cấp thông tin, đồng thời cho phép các tổ chức tín dụng giám sát lẫn nhau. Thống đốc nói với các lãnh đạo ngân hàng rằng: “Các tổ chức tín dụng phải giám sát lẫn nhau, nếu không, bị mất vốn thì đừng kêu!”.
Ở đây có một vấn đề cần lưu ý. Theo trần tình của vị tổng giám đốc ngân hàng bị cho là đã “gài bẫy” DongA Bank thì sổ tiết kiệm vượt trần lãi suất đứng tên giám đốc chi nhánh ngân hàng ông và đó là điều không may.
Tuy nhiên, điều khó chấp nhận là giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn thì phải nắm rất rõ quy định của Ngân hàng Nhà nước (cấm lách trần lãi suất) và buộc chấp hành nghiêm, kể cả nếu người này trực tiếp đứng dưới cương vị khách hàng gửi tiền.
Trong trường hợp đó, nếu giải thích theo kiểu “may rủi” như vị tổng giám đốc nọ thì chính giám đốc chi nhánh ngân hàng này đã tiếp tay cho “xé rào” lãi suất và không thể không bị xử lý; còn nếu giải thích: không làm thế thì lấy đâu ra bằng chứng, hóa ra chính mình đã “gài bẫy” DongA Bank để nhận lại sự dị nghị trong giới.
Thực tế này đặt ra vấn đề, liệu Ngân hàng Nhà nước có thể thiết lập một cơ chế cung cấp thông tin, cách thức chuyển hóa hình thức thông tin để có thể vừa “giám sát lẫn nhau” nhưng không bị tiếng xấu “gài bẫy”; đồng thời, tránh rắc rối cho Ngân hàng Nhà nước khi xử lý vi phạm?