10:18 03/02/2012

Đảng sẽ đổi mới việc lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước thế nào?

Lê Châu

Hội nghị tổng kết thí điểm việc thành lập tập đoàn kinh tế Nhà nước hồi tháng 12 vừa rồi đã ghi dấu một tinh thần sôi nổi

Viettel được xem là tập đoàn kinh tế Nhà nước duy nhất hiện nay thành công trên cả hai “mặt trận” cả trong nước và cả trên thế giới.
Viettel được xem là tập đoàn kinh tế Nhà nước duy nhất hiện nay thành công trên cả hai “mặt trận” cả trong nước và cả trên thế giới.
Hội nghị tổng kết thí điểm việc thành lập tập đoàn kinh tế Nhà nước hồi tháng 12 vừa rồi đã ghi dấu một tinh thần sôi nổi, khi lãnh đạo nhiều tập đoàn say mê nói về vai trò lãnh đạo của Đảng với hoạt động của mình.

Vẫn rất quan tâm đến chuyện lỗ, lãi, nhưng mối quan tâm này không còn trở thành câu chuyện mở đầu như thường thấy tại các cuộc họp của Chính phủ với các tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Thay vào đó, là những đề xuất về việc nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng với khu vực kinh tế này.

Tuy nhiên, vai trò của Đảng trong hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước cần được đổi mới thế nào không phải là một bài toán đơn giản, để tinh thần mới, cũng đem lại hiệu quả mới cho hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước theo chiều hướng ngày càng tích cực hơn.

Đại diện cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) - tập đoàn kinh tế Nhà nước được xem là duy nhất hiện nay thành công trên cả hai “mặt trận” cả trong nước và cả trên thế giới, Tổng giám đốc Hoàng Anh Xuân nhấn mạnh: “Sau 10 năm gia nhập thị trường viễn thông, Viettel đã đúc rút rất nhiều bài học kinh nghiệm, nhưng tựu chung có hai bài học cho yếu tố quyết định, trong đó, bài học hàng đầu là “vai trò lãnh đạo của Đảng”.

Sự khác biệt mang lại thành công cho Viettel so với các tập đoàn kinh tế Nhà nước khác, theo ông Xuân, cũng là nhờ sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng.

“Trong quân đội. Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt nên tại Viettel, Đảng bộ Tập đoàn đồng thời đảm nhận chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Thành viên (Viettel không có Hội đồng Thành viên - PV). Vì vậy, vai trò lãnh đạo của Đảng giữ vị trí vô cùng quan trọng, một Tập đoàn không tổ chức Hội đồng Thành viên để quyết những chủ trương định hướng vốn là quyền của Đảng ủy Tập đoàn. Ban giám đốc Tập đoàn tập trung chỉ đạo, điều hành xuyên suốt từ Tập đoàn xuống cơ sở. Tổng giám đốc Tập đoàn là người được Nhà nước và quân đội cử ra quản lý, điều hành”, ông Xuân nói.

Ông Xuân còn khẳng định: “Thực tiễn trong những năm qua, Đảng ủy - Ban giám đốc Tập đoàn đã thực sự là một tập thể đoàn kết thống nhất cao, phát huy tư tưởng tập thể, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đúng, vừa giải quyết tính cấp bách, trước mắt, vừa đáp ứng tính cơ bản, lâu dài. Đây thực sự là động lực, là đầu tầu đưa Viettel đến thành công ngày hôm nay”.

Còn lãnh đạo của một tập đoàn được xem là “khốn khổ” nhất hiện nay trong số 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước là Tập đoàn  Điện lực Việt Nam (EVN) - Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh - cũng tràn đầy niềm tin: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần các điều chỉnh, chỉ đạo từ Đảng và Nhà nước, EVN và các tập đoàn kinh tế Nhà nước khác cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục là các công cụ kinh tế đắc lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.

Thực tế, vấn đề vai trò của Đảng trong hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước nói chung và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nói riêng hiện đã được đề cập đến ngày càng mạnh mẽ hơn, nhất là trong bối cảnh diễn ra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, vai trò của Đảng trong hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước đổi mới thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này không phải là một bài toán đơn giản.

Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn, đồng thời là Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, phương thức lãnh đạo của cấp uỷ Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước sẽ được tiếp tục đổi mới ở 5 nội dung: lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; lãnh đạo công tác cán bộ; công tác giám sát, kiểm tra; lãnh đạo các tổ chức chính trị- xã hội; đẩy mạnh xây dựng quy chế phối hợp.

Còn trong một bản tham luận mới đây của Vụ Tổ chức - Điều lệ, Ban tổ chức Trung ương về phương hướng đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế Nhà nước cho biết, việc đổi mới này đã được đặt trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng.

Một trong những nội dung quan trọng trong mục tiêu tổng quát của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp trong thời gian tới là “tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước để lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình”.

Một trong 7 giải pháp để thực hiện việc đổi mới này được Ban tổ chức Trung ương nhắc đến là đổi mới cách ra nghị quyết, chỉ thị.

Theo đó, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị chỉ ra nghị quyết khi cần thiết, không ra quá nhiều nghị quyết ở một nhiệm kỳ. Đảng ủy doanh nghiệp hạn chế việc ra nghị quyết để thực hiện nghị quyết của cấp trên mà tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện một cách thiết thực. Đảng ủy doanh nghiệp lãnh đạo về chủ trương, định hướng trong chiến lược và quy hoạch tổng thể về nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; về mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp lớn trong kế hoạch 5 năm, hàng năm của doanh nghiệp và những quyết định quan trọng của doanh nghiệp...

Về mô hình tổ chức đảng tại các doanh nghiệp, trong thời gian tới, cần lập đảng bộ toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Đảng bộ toàn ngành này phải có chức năng lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo các tổ chức đảng trực thuộc thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định. Lập đảng bộ công ty mẹ ở doanh nghiệp có mô hình công ty mẹ - công ty con.