Đất hiếm, “vũ khí” ít ai ngờ của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại
Trung Quốc có thể sử dụng vị thế nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới như một “vũ khí” cho việc trả đũa Mỹ
Đất hiếm (rare earth) là khoáng sản được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho nhiều sản phẩm tiêu dùng khác nhau, từ điện thoại iPhone cho tới xe điện, cũng như động cơ máy bay phản lực, vệ tinh và máy phát tia laser.
Theo hãng tin Reuters, khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trở nên căng thẳng thời gian gần đây, giới quan sát lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng vị thế nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới như một "vũ khí" cho việc trả đũa Mỹ.
Dữ liệu từ một báo cáo năm 2016 của Quốc hội Mỹ cho thấy nước này chiếm khoảng 9% nhu cầu tiêu thụ đất hiếm trên toàn cầu. Trong đó, Bộ Quốc phòng Mỹ chiếm khoảng 1% nhu cầu đất hiếm của Mỹ.
Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Mỹ như Raytheon, Lockheed Martin và BAE Systems đều sử dụng đất hiếm cho hệ thống dẫn đường và thiết bị cảm ứng của tên lửa.
Về phần mình, hãng công nghệ Apple dùng đất hiếm cho loa, camera và bộ phận làm cho điện thoại có thể rung. Apple cho biết không thể tái chế đất hiếm theo các phương pháp truyền thống, vì nguyên liệu này được sử dụng với một hàm lượng rất nhỏ.
Ông Eugene Gholz, một cựu chuyên gia về chuỗi cung ứng của Lầu Năm Góc, cho biết từ năm 2010, Chính phủ Mỹ và khu vực tư nhân nước này đã xây dựng dự trữ đất hiếm và các linh kiện sử dụng đất hiếm. Một số nhà cung cấp cũng đã có những nỗ lực giảm hàm lượng đất hiếm sử dụng nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào khoáng sản này.
Kim loại đất hiếm là một nhóm có 17 loại khác nhau, gồm lanthanum, cerium, praseodymium, neodymium, promethium, samarium, europium, gadolinium, terbium, dysprosium, holmium, erbium, thulium, ytterbium, lutetium, scandium, và yttrium.
Điểm chung của những chất này là có mức độ tập trung thấp trong lòng đất, dẫn tới khó khăn và tốn kém trong việc khai thác và chế biến. Trung Quốc sở hữu năng lực chế biến đất hiếm cao nhất thế giới và cung cấp 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu trong thời gian từ 2014-2017.
Năm 2017, Trung Quốc chiếm 81% sản lượng đất hiếm toàn cầu, theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS).
Trên thực tế, những nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào đất hiếm mà Mỹ triển khai đến thời điểm này mới đạt những kết quả hạn chế.
Mỹ bắt đầu lo ngại về sự phụ thuộc của nước này vào nguồn cung đất hiếm Trung Quốc từ năm 2010, khi xảy ra mâu thuẫn ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Khi đó, Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc cắt cung cấp đất hiếm vì lý do chính trị. Cáo buộc này bị Bắc Kinh bác bỏ, nhưng cũng đã đủ khiến cả thế giới như "bừng tỉnh" trước rủi ro về sự phụ thuộc vào một nguồn cung.
Tuy vậy, hầu như không một quốc gia nào khác có thể cạnh tranh với Trung Quốc về cung cấp đất hiếm, bởi nước này chiếm tới 37% dự trữ đất hiếm toàn cầu. Nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Nam Phi, Canada, Australia, Estonia, Malaysia, Brazil… cũng có mỏ đất hiếm, nhưng sản lượng khá hạn hẹp.
Mỹ hiện có một mỏ đất hiếm duy nhất đang hoạt động, nằm ở khu vực Mountain Pass, bang California. Do chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu 25% lên đất hiếm từ Mỹ.
Nhưng đến thời điểm này, dù đã áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, Mỹ vẫn chưa "dám" động đến mặt hàng đất hiếm.