14:30 05/11/2010

Đặt vấn đề thay đổi chế độ neo tỷ giá VND với USD

Minh Đức

Việt Nam có thể sẽ phải thay đổi chế độ neo tỷ giá VND với USD hiện nay sang chế độ neo VND với một nhóm tiền tệ

Theo ý kiến chuyên gia, thay đổi cơ chế neo tỷ giá với một nhóm tiền tệ, tỷ giá VND được phản ánh chính xác hơn và ít bị phụ thuộc riêng vào sự mạnh yếu của USD; tình trạng Đô la hóa thị trường cũng sẽ giảm.
Theo ý kiến chuyên gia, thay đổi cơ chế neo tỷ giá với một nhóm tiền tệ, tỷ giá VND được phản ánh chính xác hơn và ít bị phụ thuộc riêng vào sự mạnh yếu của USD; tình trạng Đô la hóa thị trường cũng sẽ giảm.
Việt Nam có thể sẽ phải thay đổi chế độ neo tỷ giá VND với USD hiện nay sang chế độ neo VND với một nhóm tiền tệ.

Vấn đề này có từ ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến trong báo cáo phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra cuối tuần này.

Đây không phải lần đầu tiên khả năng (hoặc yêu cầu) thay đổi chế độ neo tỷ giá được đặt ra, mà đã từng được đề cập đến trong ý kiến của một số chuyên gia trong thời gian qua, nhất là ở các thời điểm tỷ giá biến động mạnh.

Và lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến một cách cụ thể, có thể xem là một tham khảo, hay một hướng điều hành chính sách cần xem xét. Thêm vào đó, thực tế biến động trên thị trường thế giới thời gian qua và hiện nay khiến việc xem xét lại chế độ neo tỷ giá trở nên nổi bật hơn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định: “Những biến động của các đồng tiền trong thời gian gần đây cho thấy không có đồng tiền nào trên thế giới là thực sự an toàn. Điều này dẫn đến xu thế đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ và cơ chế neo tỷ giá của các quốc gia”.

Bổ sung thêm nhận định trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam sẽ có thể phải thay đổi chế độ neo tỷ giá VND với USD hiện nay sang chế độ neo VND với một nhóm tiền tệ bao gồm USD, NDT, EUR, JPY. Khi đó, tỷ giá VND được phản ánh chính xác hơn và ít bị phụ thuộc riêng vào sự mạnh yếu của USD; tình trạng Đô la hóa thị trường cũng sẽ giảm.

Còn thực tế trên thị trường hiện nay, những diễn biến phức tạp về tiền tệ có thể sẽ dẫn đến việc điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ so với đồng USD ở một số nền kinh tế, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam cần chú ý những tác động liên quan.

Theo phân tích của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong thời gian tới, khi đồng nhân dân tệ (NDT) tiếp tục tăng giá và USD giảm giá tương đối so với đồng NDT, cán cân thương mại của Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Mỹ sẽ vận động theo chiều hướng như sau: thứ nhất, nhập siêu từ Trung Quốc có thể sẽ giảm nhẹ; thứ hai, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể sẽ tăng nhẹ khi đồng NDT mạnh hơn do hàng hóa của Trung Quốc vào Mỹ sẽ trở lên đắt đỏ.

Tuy nhiên, ở hướng thứ hai, tác động sẽ chưa thực sự rõ nét vì đồng USD đang trong xu hướng giảm giá khiến hàng hóa nói chung vào Mỹ trở lên đắt hơn sẽ khiến người dân Mỹ thắt chặt chi tiêu. Hơn nữa, việc đồng USD giảm giá sẽ phần nào làm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ giảm tương đối.

Bên cạnh đó, việc đồng USD tiếp tục xuống giá sẽ có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của khu vực sử dụng đồng Euro vào thị trường Mỹ, điều đó sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực châu Âu.