14:11 13/05/2009

Đầu tư xây dựng cơ bản: Sửa nhiều luật có hết vướng mắc?

Nguyễn Lê

Cuộc "đại phẫu" về luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản đã tiến thêm một bước

Dự kiến luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sẽ có hiệu lực ngay từ 1/7 năm nay.
Dự kiến luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sẽ có hiệu lực ngay từ 1/7 năm nay.
Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

So với dự án lần đầu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp trước, nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung của dự án luật này, sau khi chỉnh lý, đã rút từ 52 điều của 8  luật xuống 29 điều của 4 luật: Xây dựng, Đấu thầu, Bảo vệ môi trường và Doanh nghiệp.

Phạm vi sửa đổi này cơ bản đã nhận được sự đồng thuận của cơ quan thẩm tra và nhiều vị đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, ở một số điều khoản cụ thể vẫn còn nhiều ý kiến chưa nhất trí cao.

“Chỉ muốn chỉ định thầu”

Đấu thầu là luật có tới 18 điều (nhiều nhất trong bốn luật) được sửa đổi, bổ sung với bốn vấn đề cơ bản: quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, về chỉ định thầu, về phân cấp trong đấu thầu và sửa đổi, bổ sung quy định về chế tài đối với một số hành vi vi phạm trong đấu thầu.

Theo Chính phủ, nội dung sửa đổi  như vậy tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đấu thầu như bỏ quy định tư vấn lập báo cáo khả thi không được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế cho dự án. Đồng thời cũng bỏ quy định hạn mức chỉ định thầu trong luật mà giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Ủy ban Kinh tế lo ngại xảy ra tình trạng lạm dụng trong chỉ định thầu nên cho rằng cần quy định chặt chẽ mức giá trị  gói thầu được áp dụng chỉ định thầu.

“Không nhất trí lắm” với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng lý thuyết đấu thầu thì hay nhưng thực tế chưa chắc đã phải thế. Vì thực tế đầu thầu thường có quân xanh quân đỏ, sân trước sân sau. “ Tôi muốn quay lại chỉ định thầu”, ông nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng nhận xét, đấu thầu lâu nay rất hình thức. Nhiều gói thầu khi đấu thầu chỉ có một hồ sơ là đầy đủ còn các hồ sơ chỉ có một  vài văn bản nên rõ ràng có sự móc nối để cho một anh trúng thầu.

Tuy nhiên, theo bà cũng không nên chuyển từ “cực hữu sang cực tả”, vì nếu quy định chỉ định thầu quá rộng rãi thì sẽ tạo ra cơ chế xin cho, chạy dự án, dễ nảy sinh tiêu cực.

Càng ít phải hướng dẫn càng tốt

Dự án “một luật sửa nhiều luật” này được thực hiện theo quy trình thông qua tại một kỳ họp, dự kiến sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1/7 năm nay, song thời gian chuẩn bị chưa lâu nên còn nhiều vấn đề khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn.
 
Mỗi lần đề cập tới dự luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc đều nhấn mạnh tính cấp bách, tập trung sửa đổi, bổ sung “những vấn đề vướng mắc, bức xúc nhất” trong các luật trực tiếp liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

Băn khoăn lớn nhất của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển là liệu dự luật này đã rà soát hết được những vướng mắc chưa? Ông cho rằng còn nhiều quy định còn quá chung chung.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lo lắng, nếu nhiều nội dung thuộc về chế độ, định mức, tiêu chí, định lượng mà hướng dẫn sau thì có đáp ứng được yêu cầu giải quyết bức xúc đã đặt ra không?  Có luật rồi liệu có triển khai được ngay không? Theo ông nếu không làm rõ các tiêu chí thì sau này rất khó kiểm tra giám sát việc thi hành luật.

Một số vị đại biểu khác cũng đề nghị làm rõ quy định sửa đổi điều 55 của Luật Xây dựng về thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.
Cần quy định cụ thể những công trình nào bắt buộc thi tuyển, công trình nào không bắt buộc chứ không nên quy định “ khuyến khích việc thi tuyển” như dự thảo.

Nội dung sửa đổi điều 11 của Luật Đấu thầu, khoản c quy định các nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc dự án phải độc lập về tổ chức, không cùng phụ thuộc vào một cơ quan quản lý và độc lập về tài chính với chủ đầu tư dự án, theo một số đại biểu là chưa ổn. Vì như vậy có thể làm mất cơ hội của nhiều doanh nghiệp trong cùng tập đoàn hay cùng một bộ quản lý.

Liên quan đến chỉ định thầu, đa số các ý kiến cho rằng phải làm rõ thế nào là “gói thầu mang tính chất bí mật quốc gia, hay “cấp bách vì lợi ích quốc gia” và “các trường hợp đặc biệt khác” để được chỉ định thầu như quy định tại dự thảo.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị dự luật cần cụ thể và rõ ràng đến mức tối đa. “Nếu có phải hướng dẫn thì hướng dẫn ít thôi và phải gửi cả những hướng dẫn đó cho đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này vì luật này sẽ thông qua tại 1 kỳ họp”, ông lưu ý.