15:33 08/06/2012

“Đây là thời điểm cần quyết định mạnh mẽ”

Nguyên Hà

Ý kiến của các đại biểu - doanh nhân về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế

Đại biểu Thân Đức Nam góp ý đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Đại biểu Thân Đức Nam góp ý đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Phân tích ở nhiều góc độ với các kiến nghị cũng rất khác nhau, phiên thảo luận về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế sáng 8/6 tại Quốc hội đã nghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu - doanh nhân.

VnEconomy xin lược ghi một số ý kiến để giới thiệu cùng bạn đọc.

Một công trình công phu

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp.HCM

Về cơ bản tôi cho rằng đề án tái cơ cấu là một công trình công phu, quán triệt được tinh thần, chủ trương, nghị quyết của đại hội Đảng và đã nêu ra được thực trạng và những vấn đề chúng ta cần giải quyết.

Suy cho cùng đề án tái cơ cấu kinh tế tức là ta phân bổ nguồn lực của quốc gia, của xã hội vào những ngành, những nghề, những lĩnh vực, những vùng lãnh thổ góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế đạt hiệu quả tốt nhất với chi phí tối ưu nhất. Do đó, tôi đề nghị trong đề án chúng ta cần làm rõ toàn bộ nguồn lực quốc gia của chúng ta sẽ được phân bổ như thế nào, những việc gì chúng ta sẽ dùng nguồn lực của nhà nước, những việc gì chúng ta sẽ dùng nguồn lực của xã hội để làm.

Đề nghị phải làm rõ những khoản kinh phí mà chúng ta cần huy động cho toàn bộ quá trình tái cơ cấu là bao nhiêu. Trong đó, chính phủ cần đề nghị làm rõ để Quốc hội xem xét ngân sách của Nhà nước cần bỏ ra cho quá trình tái cơ cấu này là bao nhiêu.

Ngân sách này, chí ít chúng ta thực hiện qua 3 khoản, thứ nhất là chính sách ưu đãi, miễn, giảm, khuyến khích đầu tư để kích thích chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thứ hai là những khoản kinh phí Nhà nước có thể bỏ ra để hỗ trợ cho xã hội tham gia vào quá trình tái cơ cấu. Chẳng hạn, trong quá trình tái cơ cấu có quá trình mua bán nợ lẫn nhau, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp thì chúng ta để tự doanh nghiệp làm hay Nhà nước có cơ chế hỗ trợ cho những doanh nghiệp mua lại các doanh nghiệp khác để tập trung và hướng tới chuyển dịch cơ cấu mà chúng ta đang mong đợi.

Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sẽ dẫn tới tình trạng thu hẹp của một số bộ phận, một số ngành và mở rộng một số ngành khác. Đối với những ngành bị thu hẹp quá trình sản xuất kinh doanh lại thì các vấn đề về an sinh xã hội về công ăn, việc làm chúng ta hỗ trợ để tái đào dạo, hỗ trợ để đào tạo công ăn việc làm mới... như thế nào. Rồi trong tổng kinh phí chúng ta bỏ ra chúng ta cũng phải tính đến tổng kinh phí của xã hội bỏ ra bao nhiêu. Vì quá trình tái cơ cấu là quá trình đồng bộ, Nhà nước làm và xã hội làm. Trong đó, đặc biệt chúng ta cũng phải xem xét bảo vệ lợi ích của xã hội để tránh những thiệt hại đã xảy ra trong quá trình kinh tế và Nhà nước cũng phải tham gia, cũng phải lượng giá được những chi phí, những giá mà chúng ta phải trả trong quá trình này.

Tổng thể chi phí như vậy thì Chính phủ sẽ trình ra Quốc hội gói kinh phí này cần bao nhiều và được phân bổ trong bao nhiêu năm. Mỗi năm phân bổ như thế thì ảnh hưởng đến ngân sách chung, ngân sách các bộ, ngành như thế nào, ngân sách các địa phương ra sao.

Cần có sự thông cảm từ nhiều phía

Đại biểu Phạm Huy Hùng Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam

Tái cơ cấu thị trường tài chính và các ngân hàng thương mại để nâng cao chất lượng hoạt động và quản trị hiệu quả và phát triển bền vững, xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại hiện nay, của cả hệ thống ngân hàng là nội dung quan trọng trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Như vậy, chính là cứu ngân hàng, cứu doanh nghiệp và cứu cả nền kinh tế là trọng tâm của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Mặc dù hệ thống ngân hàng có nhiều cố gắng để duy trì hoạt động của nền kinh tế nhưng trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn, xu hướng giảm lãi suất xuống là tất yếu nhưng có thể nói ngân hàng cũng có những cái khó, bởi người gửi tiền luôn mong muốn lãi suất cao trong khi người đi vay ngân hàng thì muốn lãi suất thấp. Một chính sách lãi suất được coi là hợp lý là phải coi trọng lợi ích của cả 3 phía, người gửi tiền, người vay và phải giữ được ổn định cho cả hệ thống ngân hàng, vì thế cần có sự thông cảm từ nhiều phía.

Về tăng trưởng tín dụng và giải quyết vốn cho nền kinh tế, vốn hoạt động của các ngân hàng thương mại hiện nay 95% là vốn đi vay của nhiều nguồn và nguyên tắc phải quán triệt trong hoạt động tín dụng là chỉ cho vay đối với những khách hàng sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho ngân hàng. Việc cho vay của ngân hàng chủ yếu phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, trong đó chính ngân hàng thương mại phải chịu đầy đủ trách nhiệm đối với những đơn vị, cá nhân gửi tiền vào ngân hàng.

Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nguyên nhân là tăng trưởng cũng như hoạt động chủ yếu dựa vào vốn tín dụng trong khi thanh khoản thị trường tín dụng, thị trường bất động sản còn kém, đa phần doanh nghiệp Việt Nam năng lực tài chính còn hạn chế, hiệu quả thấp.

Đây là thời điểm cần quyết định mạnh mẽ

Đại biểu Thân Đức Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5

Dưới góc độ là một doanh nghiệp và từ tình hình thực tế của đất nước ta hiện nay, tôi xin phát biểu tập trung vào một vấn đề là làm thế nào để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được tham gia vào tái cơ cấu nền kinh tế.

Nghiên cứu kỹ đề án tôi chưa thấy được những chính sách, giải pháp nào tạo ra động lực thúc đẩy doanh nghiệp tiến hành tái cơ cấu.

Trong đề án đề ra 12 giải pháp và định hướng phát triển, ưu tiên ngành nghề nhiều lĩnh vực, tuân thủ quy định cạnh tranh, kinh doanh có hiệu quả, tối ưu hóa lợi nhuận chứ không phải kinh doanh những ngành nghề do Nhà nước mong muốn, nếu những ngành nghề đó không mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Do đó để doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh những ngành nghề do Nhà nước định hướng thì Nhà nước phải có chính sách tác động vào thị trường, thông qua thị trường sẽ tác động đến đầu tư cho doanh nghiệp.

Thực tế lâu nay Nhà nước thường quy hoạch phát triển ngành nghề, lĩnh vực nhưng doanh nghiệp không hưởng ứng, vì thiếu chính sách động lực để đề án lần này rơi vào tình trạng như vậy. Nên tôi đề nghị cần làm rõ hơn những chính sách đất đai, thuế, tín dụng, ngoại hối... tác dụng thúc đẩy doanh nghiệp tái cơ cấu.

Tình hình hiện nay cho thấy sự giảm tín dụng đột ngột cùng với việc cấm cho vay các lĩnh vực phi sản xuất đã làm cho nền kinh tế càng thêm khó khăn, doanh nghiệp không xoay sở kịp, mọi kế hoạch kinh doanh ngừng trệ. Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng áp dụng cả 2 trần lãi suất huy động và cho vay là cách 3% để kéo giãn lãi suất đồng bộ cả huy động và cho vay đối với tất cả các lĩnh vực cho đến khi đủ điều kiện áp dụng cơ chế lãi suất thị trường, bỏ biện pháp hành chính.

Tôi chia sẻ với ngân hàng về tình trạng nợ xấu tăng cao, cần có sự thận trọng và chặt chẽ trong cho vay để không làm tăng nợ xấu, nhưng nếu quá thận trọng thì chưa hẳn tốt cho ngân hàng vì doanh nghiệp không trụ được gây giải thể và phá sản thì ngân hàng sẽ khó thu được nợ.

Đề nghị cần có giải pháp mạnh hơn như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT để giảm giá bán hàng, kích thích sức mua của thị trường trong lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng, các ngành công nghiệp chế biến, hàng hóa đang tồn kho. Dĩ nhiên việc giảm thuế năm 2012 sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách và ảnh hưởng đến thu - chi ngân sách năm 2012, nhưng nếu chúng ta thiếu giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp, ngăn chặn suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thì năm 2013 nguồn thu - chi ngân sách sẽ khó khăn hơn.

Đây là sự lựa chọn đầy khó khăn nhưng là một thời điểm cần có sự quyết định mạnh mẽ của Chính phủ, của Quốc hội mà hiện nay hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hàng triệu hộ sản xuất nhỏ đang mong đợi, doanh nghiệp có tồn tại thì mới nghĩ đến tái cơ cấu.

Lý thuyết và thực tế đều chưa thuyết phục

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bến Hải.

Tên của đề án là tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhưng nội dung lý thuyết về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng trình bày trong đề án chưa được rõ, mới đề cập hai giải thích ngắn gọn, chưa làm rõ điều kiện để gắn tái cơ cấu với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là gì và cần phải làm gì, làm thế nào để gắn hai phạm trù này trong điều kiện của Việt Nam, như vậy về lý thuyết cũng như thực tế là chưa thuyết phục, đề nghị Chính phủ bổ sung và làm rõ hơn về vấn đề này.

Về giải pháp tái cơ cấu thị trường tài chính, theo tôi cần quy định trần lãi suất cho vay, không cần quy định trần lãi suất tiền gửi, nên để cho các ngân hàng có sự cạnh tranh. Đặc biệt việc thành lập Công ty Mua bán nợ Quốc gia cần phải được phân tích xem xét kỹ lưỡng.

Với nhóm giải pháp tái cơ cấu đầu tư cần phân định rõ hơn các giải pháp huy động vốn và sử dụng vốn đầu tư vì cả hai nhóm này đều tác động đến mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế, báo cáo tập trung nhiều vào phân bổ vốn đầu tư nhà nước, đầu tư công mà chưa đề cập đến đầu tư và tái đầu tư khu vực tư nhân.

Do tính chất sở hữu khác nhau mà báo cáo chỉ đưa ra giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, điều này có cơ sở. Tuy nhiên đối với doanh nghiệp tư nhân, vấn đề tái cơ cấu cũng đặt ra đó là tái cơ cấu về lĩnh vực hoạt động. Vì vậy, đề nghị bổ sung giải pháp tái cơ cấu lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp tư nhân và FDI.