10:52 01/10/2009

Đẩy mạnh xuất khẩu: “Đã đến lúc đặt mục tiêu dài hạn”

Anh Quân

Góc nhìn của chuyên gia Vũ Đình Ánh về cách thức theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hiện nay

Năm 2009, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm so với năm trước đó - Ảnh: Anh Quân.
Năm 2009, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm so với năm trước đó - Ảnh: Anh Quân.
2009 là năm Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để tăng lượng xuất khẩu. Nhưng chỉ tăng được về lượng mà giá trị thu được không cao. Có khả năng năm nay, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm so với năm trước.

Đây là vấn đề rất lớn, không chỉ liên quan đến việc tăng trưởng xuất khẩu mà còn liên quan đến việc cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu và thị trường xuất khẩu. VnEconomy đã có cuộc trò chuyện với TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

Xuất khẩu có thể âm đến 10%

Đang có nhiều quan ngại về khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm nhiều trong năm nay. Con số của riêng ông thế nào?

Gần đây xuất hiện nhiều dự báo khác nhau. Mới đây, Bộ Công Thương cũng công bố dự báo kim ngạch xuất khẩu có thể giảm khoảng 6% trong năm nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa nhận định khả quan hơn.

Nhưng theo dự tính của riêng cá nhân tôi, diễn biến của khủng hoảng kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu được cải thiện nhanh chóng, nên khả năng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn những khó khăn.

Do kết quả đạt được trong 9 tháng qua thấp, nên kim ngạch xuất khẩu năm nay của Việt Nam có thể giảm trên dưới 10% so với năm 2008.

Ông có chia sẻ quan điểm rằng, chúng ta không được hưởng lợi ích nhiều khi thúc đẩy xuất khẩu trong giai đoạn này?

Tôi vẫn nhớ là hồi đầu năm, chúng ta đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 13% so với năm 2008. Sau đó, hết quý 1/2009 thì điều chỉnh xuống mức tăng 3%.

Nhưng, như đã thấy, rất nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu năm nay không tăng trưởng dương mà còn âm. Và chúng ta đang cố đạt được quy mô bằng cách tăng lượng xuất khẩu lên.

Trong bối cảnh giá cả thế giới giảm như hiện nay, theo chúng tôi biện pháp này dường như là không hợp lý, bởi vì nó ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của chúng ta. Tức là, chúng ta đang làm nhiều hơn, bán nhiều hơn nhưng lại thu về ít hơn.

Tôi đơn cử như trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam, chiếm phần lớn trong đó là tài nguyên thiên nhiên. Mà tài nguyên thiên nhiên, xét về mặt nào đó, nếu chúng ta tiêu dùng ngày hôm nay thì con cháu không còn được dùng nữa.

Thứ hai là với nông lâm thủy sản, hiện nay riêng xuất khẩu gạo, chè, cà phê, cao su, tôm cá… tạo ra hàng chục triệu việc làm cho khu vực sản xuất nông nghiệp. Nhưng hầu như người dân không thu được lợi ích chính đáng với công sức bỏ ra.

Có thể nói thêm, kể cả những nhà xuất khẩu tham gia vào thương mại quốc tế hiện nay cũng không được hưởng lợi. Nhiều mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu tăng hàng chục phần trăm, nhưng giá bán không những thấp do mặt bằng giá chung giảm, mà còn thấp hơn nhiều nhà xuất khẩu khác, xuất cùng mặt hàng tại cùng thời điểm.

Tôi xin nêu ví dụ như trường hợp xuất khẩu gạo của Việt Nam, giá thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan, có thời điểm chênh lệch lên đến 100 USD/tấn.

Như vậy, nó ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp và cao hơn cả là lợi ích quốc gia.

Xuất 100 tỷ USD, nhập 200 tỷ USD thì vô nghĩa!

Nhưng có ý kiến cho rằng vẫn nên thúc đẩy xuất khẩu để cân bằng cán cân thương mại quốc tế, vì chúng ta cần tiền để trả các khoản nợ nước ngoài, để hỗ trợ tăng trưởng… Quan điểm của ông như thế nào?

Theo dự tính của Bộ Công Thương, nhập siêu năm 2009 sẽ vào khoảng 11% GDP, chưa đến 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là con số thấp hơn so với những so sánh tương ứng của năm 2008. Tuy nhiên, nó đang đặt chúng ta vào một trạng thái mất cân bằng ngoại tệ. Chúng ta vẫn lâm vào tình trạng thâm hụt thương mại tương đối lớn.

Để xử lý vấn đề này, chúng ta lại đang gặp khó khăn từ những nguồn lực hỗ trợ, ví dụ như từ đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp đều giảm. Và ảnh hưởng của việc này là sẽ tác động trực tiếp lên dự trữ ngoại hối và gây sức ép lên tỷ giá hối đoái của chúng ta.

Tỷ giá bị tác động như vậy, rất có thể gây sức ép ngược lại nền kinh tế, liên quan đến kiềm chế lạm phát và kiềm chế nhập khẩu…

Với tăng trưởng, vấn đề này ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Nếu chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu thì không làm giảm GDP, vì nó là một cấu thành tạo nên tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, với cách thức chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu như hiện nay, xuất để mà có tiền nhập, và nhập khẩu nguyên liệu nhưng giá trị gia tăng thấp từ sản phẩm xuất khẩu, thì nó làm cho kim ngạch nhập khẩu của chúng ta dường như tăng nhanh hơn so với nhập khẩu.

Ngành dệt may, xuất khẩu gần 10 tỷ USD, nhưng đến 8-9 tỷ USD nhập khẩu. Cái cúc, sợi chỉ cũng không làm được, phải nhập khẩu. Cứ theo hướng như thế này, xuất khẩu 100 tỷ USD, nhưng nhập khẩu lại lên tới 200 tỷ USD thì vô nghĩa!

Và tính tổng thể trong quan hệ ngoại thương ở phép tính GDP, nó không những không có đóng góp cho tăng trưởng mà thậm chí có tác động xấu, khi mà chúng ta có thâm hụt thương mại cao.

Đến thời điểm đặt ra mục tiêu dài hạn

Tức là ông không đồng tình với chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn này?

Chúng ta không nên tăng quy mô xuất khẩu bằng mọi giá, mà phải đặt trọng tâm vào hiệu quả của hoạt động xuất khẩu, để thực sự lợi ích chúng ta thu được từ hoạt động xuất khẩu bảo đảm được cả lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích với những người tham gia sản xuất hàng xuất khẩu.

Cần nhìn lại cơ cấu hàng xuất khẩu. Ví dụ dệt may hiện xuất 10 tỷ USD, nhưng trong đó bao nhiêu tỷ USD nhập khẩu nguyên phụ liệu, bao nhiêu là của người lao động, và bao nhiêu là lợi nhuận của những người sản xuất, lợi nhuận xuất khẩu bao nhiêu... Rõ ràng ở đây là bài toán về cơ cấu.

Hay như bài toán về chuyển dịch thị trường chẳng hạn. Hiện có quan niệm rằng cần phải khai thác thị trường mới. Nhưng khai thác thị trường mới không phải là mục tiêu ngắn hạn, không đơn giản khi thâm nhập vào thị trường.

Chúng ta phải tìm hiểu, phân tích kỹ khả năng tiêu thụ, khả năng thanh toán, tiềm lực phát triển... Do đó đây là bài toán dài hạn, liên quan tới cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu của Việt Nam.

Ở đây cũng phải đặt hiệu quả lên hàng đầu chứ không phải chúng ta bí ở chỗ này chạy ra chỗ khác. Nhiều khi chúng ta khai thác ở thị trường hiện tại nhưng đi theo chiều sâu còn tốt hơn đi mở ra những thị trường mới, đến những thị trường mà chúng ta không hiểu. Như thế có khi còn tốn kém hơn rất nhiều.

Theo tôi, có lẽ đây là thời điểm chúng ta nên đặt ra mục tiêu dài hạn hơn là những nhiệm vụ ngắn hạn, như là cố gắng đạt được quy mô xuất khẩu như chúng ta đã đặt ra. Đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu, chúng ta  nên ưu tiên các biện pháp thay đổi về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, thị trường xuất khẩu.