09:35 25/09/2009

Xuất khẩu nông sản: Lượng tăng, giá giảm

Y Nhung

Trong 9 tháng, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng về lượng nhưng kim ngạch thu về lại giảm so với cùng kỳ 2008

Ngành thuỷ sản đang lo đối mặt với quy định IUU của EU- Ảnh minh hoạ.
Ngành thuỷ sản đang lo đối mặt với quy định IUU của EU- Ảnh minh hoạ.
Những tháng đầu năm, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng về lượng nhưng kim ngạch thu về lại giảm so với cùng kỳ 2008.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, sáng 24/9, tại Hà Nội, đại diện nhiều hiệp hội, ngành hàng nông, lâm, thuỷ sản đã cho rằng: Nếu không sớm nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của các cơ quan quản lý, những tháng cuối năm và năm tới, tốc độ tăng trưởng của ngành không thể đạt như chỉ tiêu đã đề ra.

Kim ngạch cả năm ước giảm 5,9%

Theo báo cáo của Vụ Xuất nhập khẩu, trong chín tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 41,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu chỉ đạt 9,2 tỷ USD, giảm 11,8%.

 “Tuy giảm về kim ngạch, nhưng thời gian qua hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng về lượng”, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu cho biết.

Cụ thể chín tháng qua, xuất khẩu gạo đã tăng 33% về lượng đạt gần 5 triệu tấn, nhưng do giá bình quân giảm giảm tới 14,5% nên kim ngạch thu về chỉ đạt 2,2 tỷ USD (giảm 8,2%).

Cà phê sản lượng xuất khẩu ước đạt 884 ngàn tấn tăng 15,7%, nhưng giá trị lại giảm 18,8%. Tương tự với với mặt hàng cao su, lượng xuất khẩu tăng 10,3%, nhưng giá trị thu về chỉ bằng 60% mức thu của cùng kỳ năm 2008.

Sản phẩm chè, xuất khẩu lượng tăng tới 25% nhưng ngoại tệ mang về cho đất nước chỉ tăng thêm có 14,5 so với năm trước. Đây cũng là mặt hàng phục hồi tăng trưởng sớm nhất do vẫn giữ được các thị trường truyền thống như Pakistan, Nga, Đài Loan, Trung Quốc.

Theo đánh giá chung, ba tháng cuối năm, xuất khẩu của nhóm hàng này chỉ thu về khoảng 3,05 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm lên 12,4 tỷ USD, vẫn giảm 5,9% so với năm 2008.

Vẫn “chờ” cơ quan quản lý

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp trong ngành không phải là đơn hàng mà là chính sách thuế.

Mỗi năm, toàn ngành nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD gỗ nguyên liệu. Cộng thêm mức thuế 10% theo văn bản số 11270 ngày 23/9/2008 của Bộ Tài chính đã khiến giá nguyên liệu đầu vào bị đẩy lên rất cao. Không những vậy, khi xuất khẩu doanh nghiệp lại phải nộp thuế một lần nữa. Điều này đã khiến giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp với các đối thủ khác.

Trong khi đó, theo quy định gỗ tạm nhập, tái xuất lại được áp mức thuế 0%. Theo ông Quyền “Điều này, là “ngược đời” thay vì áp mức thuế 0% đối với gỗ nguyên liệu để khuyến khích sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Bộ Tài chính lại “khuyến khích” đối với việc buôn gỗ”.

Đại diện cho Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep),  ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký cũng kiến nghị Bộ Tài chính nên giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu của ngành.

Trên thực tế, cả nước có gần 700 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, nhưng nguyên liệu đầu vào hiện nay mới chỉ đáp ứng được 50% so với nhu cầu. “Thiếu nguyên liệu thì không thể có sản phẩm để xuất khẩu. Do vậy, cả năm 2009, có cố gắng lắm toàn ngành cũng chỉ xuất khẩu được 4,2- 4,3 tỷ USD, thấp hơn mức đề ra là 4,5 tỷ USD”, ông Dũng đánh giá.

Không những vậy, theo hai vị này, tới đây, một loạt quy định mới đối với xuất khẩu hàng vào Mỹ, EU như luật Lacey của Mỹ đối với đồ gỗ xuất khẩu; quy định IUU của EU đối với thuỷ sản xuất khẩu sẽ có hiệu lực.

Theo đó, từ ngày 1/1/2010, đối mỗi lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong tự nhiên khi xuất khẩu sang EU đều phải có bản cam kết của nhà máy chế biến về nguồn gốc sản phẩm, hoặc giấy chứng nhận khai thác (trong trường hợp tổng sản lượng thủy sản đánh bắt được chế biến thành sản phẩm trong một lô hàng xuất khẩu), hoặc bản sao giấy chứng nhận khai thác (trong trường hợp một phần sản lượng đánh bắt được chế biến thành sản phẩm xuất khẩu).

Các giấy tờ này phải được cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu xét duyệt trước khi hàng về đến cửa khẩu của nước đó. Nhưng tới thời điểm này, vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc triển khai.