08:50 15/02/2012

Để tăng trưởng 7%: Vướng vĩ mô “gỡ” bằng vi mô

Anh Quân

Chuyên gia quốc tế cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt nhiều khó khăn để đạt mức tăng trưởng khoảng 7%/năm

Hội thảo về tài cấu trúc doanh nghiệp do Tập đoàn Bảo Việt tổ chức ngày 14/2.
Hội thảo về tài cấu trúc doanh nghiệp do Tập đoàn Bảo Việt tổ chức ngày 14/2.
“Những tác động từ sự dịch chuyển trong lực lượng lao động lên tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam chưa được bàn bạc nhiều ở trong nước”, ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey & Company lưu ý như vậy.

Kết quả tính toán được vị CEO này giới thiệu tại buổi hội thảo về chủ đề tái cấu trúc doanh nghiệp, do tập đoàn Bảo Việt tổ chức ngày 14/2, cho thấy những khó khăn nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt ở giai đoạn tới, nếu tiếp tục mong muốn đạt mức tăng trưởng khoảng 7%/năm.

Chuyển dịch cơ cấu ngành khó đạt tăng trưởng 7%

“Ngay cả khi có tăng được gấp đôi về phân bổ lại các ngành cho hiệu quả hơn thì tăng trưởng cũng không đạt được 7% như mong muốn của chúng ta”, ông Marco Breu khẳng định.

Trên hai màn hình cỡ lớn tại hội thảo, dữ liệu của ông Marco Breu cho thấy đóng góp vào tăng trưởng GDP trên 5% trong 25 năm qua của Việt Nam, các yếu tố như gia tăng lực lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành, và tăng trưởng năng suất nội ngành đều chiếm khoảng 1/3.

Nhưng tương quan này có thể thay đổi rất nhanh trong khoảng 5 năm tới đây.

Bởi lẽ, từ trước đến nay tốc độ gia tăng của lực lượng lao động đạt khoảng 2,8%. Còn trong tính toán của vị chuyên gia đến từ Mckinsey, chỉ tiêu này có thể giảm nhanh chóng xuống mức 0,6% trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

“Nếu chúng ta tiếp tục có tái phân bổ ngành trong xu hướng đô thị hóa nhanh 5-10 năm qua, tương đương Trung Quốc và Ấn Độ khi ở trình độ tương đương, đồng thời lao động giảm từ 2,8% xuống còn 0,6% và yếu tố tăng năng suất từng ngành tiếp tục diễn ra như hiện nay, thì  tăng trưởng chỉ có 4,6%”, ông Marco Breu lưu ý.

Trong khi đó, để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu từ ngành nông nghiệp sang các lĩnh vực có khả năng gia tăng giá trị cao hơn như công nghiệp chế biến, hay dịch vụ, “giá phải trả”, theo vị chuyên gia này, là hạ tầng cho tăng trưởng khó theo kịp, không kể các vấn đề về môi trường, phân bổ nguồn lực…

Ở một kịch bản khác, với giả định Việt Nam có thể tăng được gấp đôi quá trình phân bổ lại các ngành theo hướng hiệu quả hơn, từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, trong tính toán của McKinsey tốc độ tăng trưởng giai đoạn tới cũng chỉ đạt được ở mức 5,8-6%/năm.

“Cho nên, phải hướng tới yếu tố tăng năng suất, là vấn đề chúng ta đang tính tới trong quá trình tái cơ cấu hiện nay”, ông Marco Breu nói.

“Cửa hẹp” cho cơ hội đạt được mức tăng trưởng 7%/năm đối với Việt Nam được đề cập trong kịch bản mà Hàn Quốc đã từng đạt được: năng suất trong từng ngành tăng khoảng 50% so với tốc độ hiện nay. Với trường hợp của Việt Nam, tăng trưởng năng suất sẽ phải đạt được những tiến bộ mới, từ mức khoảng 4% hiện tại lên mức 6%.

“Tăng 50% như thế sẽ cho phép chúng ta đạt được mức độ tăng trưởng khoảng 7%/năm” ông Marco Breu nêu một kịch bản khả thi nhất mà ông tin tưởng.

“Gỡ” từ… tiết kiệm chi phí kinh doanh

“Bảo Việt là tập đoàn đầu tiên, vào thứ Năm tới sẽ đến Tập đoàn Dệt may công bố cụ thể việc cắt giảm chi phí hoạt động và lộ trình, sang tuần sau là Điện lực, Vinalines, Petrolimex…”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu như vậy sau lễ ký cam kết tăng cường tiết kiệm và tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ của Bảo Việt.

Ở trường hợp của tập đoàn tài chính - bảo hiểm này, sau khoảng 5 năm cổ phần hóa, tổng tài sản vào cuối năm 2011 đã tăng khoảng 2,8 lần so với 2006, lên mức 46 nghìn tỷ đồng; doanh thu tăng 2,5 lần; vốn chủ sở hữu tăng 5,4 lần...

“Sau 5 năm, với thay đổi tổng thể về tài chính và quản trị đã giúp chúng tôi thay đổi căn bản, nhưng chúng tôi thấy cũng cần đánh giá lại mình, xét lại định hướng như thế nào, nhất là khi khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tác động mạnh mẽ đến Việt Nam”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn, ông Lê Quang Bình nói.

Chia sẻ góc nhìn này, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cũng là Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước cho rằng, trong điều kiện lạm phát còn cao, lãi suất ngân hàng chưa giảm được thì việc tăng cường quản trị tài chính, trước hết là chi phí và giá thành, hết sức có ý nghĩa. “Không chỉ là giải pháp trước mắt còn là giải pháp căn cơ và lâu dài đối với các tập đoàn, tổng công ty”, ông Huệ nói.

Cho nên, đề cập đến tăng năng suất lao động dưới góc nhìn vi mô, bên cạnh câu chuyện tăng hiệu quả công tác quản trị tài chính, sử dụng nguồn lực… còn là vấn đề tiết kiệm chi phí hoạt động. “Một trong những việc căn bản của tái cấu trúc là tăng năng lực và hiệu lực quản trị của công ty, trong đó có quản trị tài chính”, Bộ trưởng Huệ thêm.

Còn trong tính toán của Bảo Việt, kế hoạch doanh thu của năm nay sẽ không có điều chỉnh so với con số mà Hội đồng Quản trị đã đưa ra trước đây, dự kiến sẽ đạt khoảng 17.771 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011.

Một thay đổi tích cực khi thực thi chính sách tiết kiệm là tiết giảm chi phí được ít nhất 145 tỷ đồng. Con số này sẽ làm tăng mức lợi nhuận dự kiến là 1.586 tỷ đồng lên 1.731 tỷ đồng, đem lại lợi ích không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả các cổ đông.

“Chúng tôi nghĩ kinh nghiệm tái cấu trúc tập đoàn Bảo Việt sẽ có ý nghĩa với các tập đoàn, doanh nghiệp khác”, ông Huệ nói thêm.