Đề xuất “cấm” làm một số nghề đối với tội phạm xâm hại trẻ em
Tổng số vụ án và số bị cáo bị xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng giảm giần qua các năm. Nhưng, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng tăng lên về tính chất và mức độ nghiêm trọng
Đó là thông tin tại hội thảo tham vấn đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của Bộ luật Hình sự, do Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc tổ chức, ngày 7/6 tại Hà Nội.
Bộ luật Hình sự hiện hành đang quy định 5 tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, gồm: tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội giao cấu với trẻ em, tội dâm ô đối với trẻ em và tội mua dâm đối với người chưa thành niên.
Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, tổng số vụ án xâm hại tình dục trẻ em trong 5 năm (từ năm 2013 đến năm 2017), tòa án đã thụ lý 8.254 vụ án/8.892 bị cáo; trong đó đã xét xử 7.586 vụ án/8.113 bị cáo, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát là 549 vụ án/612 bị cáo. So với tổng số vụ án đã thụ lý, tỷ lệ trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát chiếm 6,65% số vụ án và 6,88% số bị cáo.
Cũng theo đánh giá của Tòa án Nhân dân tối cao, trong 4 năm (từ năm 2014 đến năm 2017), số vụ án và số bị cáo bị xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng giảm giần qua các năm. Tuy nhiên, tình hình các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng tăng lên về tính chất và mức độ nghiêm trọng. Các hành vi hiếp dâm, giao cấu và dâm ô trẻ em còn xảy ra nhiều và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của trẻ em, trong đó nhiều vụ án gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Còn theo thống kê của Bộ Công an, chỉ riêng năm 2018 đã có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em, giảm 2,8% so với năm 2017. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em), với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 trẻ em.
Đáng chú ý, qua thực tiễn xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, Bộ Công an cho rằng việc phát hiện, thu thập, chứng cứ giám định chứng minh tội phạm gặp rất nhiều khó khăn do thiếu dấu vết, chứng cứ.
Mặt khác, trẻ em chưa đủ nhận thức để có thể nhận biết đâu là các hành vi xâm hại tình dục, nhiều trẻ em bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại, nên không thể trình báo hoặc khai báo không thống nhất với cơ quan chức năng….
Do đó, để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm trên, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Tòa án Nhân dân tối cao đã triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều luật của Bộ luật Hình sự về các tội xâm hại tình dục trẻ em.
Trong đó, nhấn mạnh đến việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội được thực hiện theo quy định tại Điều 50 và các quy định khác của Bộ luật Hình sự, song phải đảm bảo nghiêm khắc. Ngoài ra, để đảm bảo phòng ngừa tội phạm và tái phạm tội khi xét xử các vụ án xâm hại trẻ em, cùng với việc phạt hành chính, tòa án phải áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đối với người phạm tội.