09:13 22/03/2016

Đề xuất cấm nhà báo “hai mặt” trên mạng xã hội

Nguyễn Lê

“Đây là đạo đức nghề nghiệp, không thể hai mặt được, nói ở cơ quan chính thống thế này, lên mạng xã hội lại nói khác”

Đại biểu Hà Minh Huệ góp ý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Đại biểu Hà Minh Huệ góp ý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Thảo luận về dự án Luật Báo chí sửa đổi chiều 21/3  tại Quốc hội, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đề nghị bổ sung quy định: phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với chính sách thông tin của cơ quan báo chí.

Theo đại biểu Huệ, hiện nay có tình trạng sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền khác với những thông tin chính thống trên chính cơ quan báo chí. 

“Các cơ quan báo chí nước ngoài người ta cấm. Đây là đạo đức nghề nghiệp, không thể hai mặt được, nói ở cơ quan chính thống thế này, lên mạng xã hội lại nói khác. Theo tôi, nên quy định cấm không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền thông tin trái với chính sách thông tin của Nhà nước hoặc của cơ quan báo chí”, ông Huệ bày tỏ quan điểm.

Ở góc độ một luật gia, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) cho rằng, nội dung cấm trong dự thảo luật có những điểm quá mông lung, quá rộng, khiến cơ quan báo chí, các nhà báo sẽ lúng túng và băn khoăn, lo lắng. 

Liên quan đến cấm xuyên tạc lịch sử, ông Nghĩa cho rằng cần làm rõ khi mà có thể có vấn đề lịch sử được ghi lại không đúng sự thật, bây giờ sự thật là khác nhưng nếu báo chí đăng lên, thì lại bị quy chụp là xuyên tạc lịch sử.

Bên cạnh nội dung trên, một số vị đại biểu cũng góp ý về các quy định tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của báo chí.

Góp ý về quy định trả lời trên báo chí, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) nêu thực tế cá nhân có thẩm quyền trả lời trên báo chí thường bận họp hành, đi công tác cho nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận. Không ít trường hợp người đứng đầu hay người phát ngôn chỉ nắm thông tin chung chung, cho nên không giúp làm sáng tỏ sự việc được bao nhiêu, trong khi người am hiểu tường tận thì lại không có quyền trả lời.

Hơn nữa, theo đại biểu Thuý thì dự luật chưa có quy định nếu vi phạm nghĩa vụ trả lời trên báo chí thì sẽ xử lý như thế nào.

“Tôi đề nghị bổ sung chế độ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời trên báo chí về các vấn đề báo chí nêu, trả lời đơn thư của công dân do báo chí chuyển đển, tránh để nhiều vụ việc rơi vào im lặng” bà Thuý phát biểu.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (Tp.HCM) đề nghị bổ sung quy định cấm phân biệt đối xử khi cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Vì hiện nay đang có việc các cơ quan báo chí khác nhau cũng có sự phân biệt khi cung cấp thông tin.

Cũng theo đại biểu Trang thì nên xem thẻ nhà báo là thẻ hành nghề, đề nghị bỏ quy định về thời hạn 5 năm phải đổi thẻ một lần vì không cần thiết. Điều nên làm là quản lý việc sử dụng thẻ và thu hồi thẻ đúng quy định.

Dưới góc nhìn của đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) thì nghề làm báo bây giờ là một nghề rủi ro và trên thực tế đã có những nhà báo đã hy sinh, bị xâm phạm về thân thể. Vì thế, đại biểu Phúc cho rằng Luật Báo chí cần có một chương riêng quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo vệ nhà báo.

Ông Phúc cũng cho rằng, luật cũng cần có những quy định về bảo vệ quyền riêng tư của công dân, gia đình trước những thông tin báo chí, phải có những quy định về quy trình khiếu nại, giải quyết khiếu nại ở trong luật này trước khi đưa ra tòa án. 

Chỉ khi nào vừa thực hiện tốt việc bảo vệ nhà báo vừa bảo vệ quyền của công thì hoạt động báo chí mới trở thành một kênh để kiểm soát quyền lực dưới góc độ xã hội, ông Phúc nói.