Đề xuất điều chỉnh giá điện lên xuống như giá xăng
Một đề xuất nữa được chuyên gia đưa ra đó là điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần theo giá nguyên liệu đầu vào có lên có xuống thay vì điều chỉnh giá điện bị động 3 năm tăng 1 lần hơn 8% như hiện nay
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sáng 5/11 đã tổ chức hội thảo "Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam". Đề án nghiên cứu do PGS.TS Bùi Xuân Hồi (Đại học Bách khoa Hà Nội) làm chủ nhiệm.
Đề xuất điều chỉnh giá điện lên xuống như giá xăng
Tại hội thảo, PGS. TS. Bùi Xuân Hồi, Chủ nhiệm đề án "Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam" đưa ra đề xuất liên quan đến việc điều chỉnh giá điện như với xăng dầu, đúng kỳ điều chỉnh, thời điểm lựa chọn theo mùa mưa, mùa khô, tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biết về sản lượng.
Kỳ điều chỉnh giá theo nhóm nghiên cứu đề xuất sẽ là 1/3 và 1/9 hàng năm, tránh thời điểm cuối tháng như lần điều chỉnh 20/3/2019 vừa qua sẽ phát sinh nhiều vấn đề.
Bên cạnh đó, ông Hồi cũng cho biết, cần đưa ra điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.
Ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, giá bán lẻ điện rất quan trọng đối với người dân, cơ cấu biểu giá điện cũng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của EVN.
Ông cho biết ông tâm đắc nhất đề xuất Luật hoá chu kỳ điều chỉnh giá điện được nhóm chuyên gia đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam đưa ra. Bởi theo ông Long, Việt Nam đã theo kinh tế thị trường, thị trường thay đổi hàng ngày nên cần chu kỳ để theo kịp thị trường. Việc 2-3 năm tăng 1 lần sẽ rất bất cập trong khi, 1 năm 2 lần điều chỉnh là hợp lý. Tại Thái Lan việc thay đổi, điều chỉnh giá điện hàng tháng, quý.
Ông Long cho rằng cần phải ấn định thời điểm, cứ đến hẹn lại lên để có sự điều chỉnh giá linh hoạt.
PGS. TS. Trần Văn Bình, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội bổ sung thêm, điều chỉnh giá điện ở đây có thể tăng hoặc giảm, nếu để 2 năm 1 lần tăng 10% sẽ rất bất cập trong khi tăng có chu kỳ người tiêu dùng có thể điều chỉnh hành vi của họ.
Đề xuất bậc thang giá điện giảm từ 6 xuống 5
Về 6 bậc hiện nay, ông Hồi đưa ra nhận xét rằng có phần quá chi tiết trong khi cơ cấu tiêu dùng đã thay đổi nên có thể xem xét gộp lại để đơn giản quá trình tính toán. Ông Hồi đưa ra đề xuất 3 phương án về số bậc 5 bậc thang, 4 bậc thang, 3 bậc thang với phương pháp tính cơ cấu phụ tải cao thấp điểm, cơ cấu giá cao thấp điểm; phân bổ vào các bậc thang và tính bình quân gia quyền.
Theo đó, phương án 5 bậc được đánh giá là phù hợp hơn cả với các mục tiêu đánh giá như hộ tiêu dùng bậc 101-200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án. Việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay. 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình.
Ông Ngô Trí Long cho rằng, 5 bậc tương đối phù hợp với hệ thống điện Việt Nam, việc để 6 bậc với bậc 1, 2 như hiện tại gây rối rắm cho công tác tính giá, mức độ chênh lệch chưa đủ mạnh để người dùng điện nhiều cảm nhận được sự nguy hiểm của việc dùng lãng phí điện.
Bên cạnh đó, ông Long cho biết, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới việc tính bậc thang đều là không hợp lý khi khái niệm hộ tiêu thụ đồng nghĩa với công tơ thanh toán tiền điện.
"Nhà tôi ở 4 người nhưng không biết bằng cách nào tách 2 công tơ tức là 2 hộ tiêu thụ trong khi 10 người một công tơ vẫn là 1 hộ tiêu thụ, đây là điểm không hợp lý lớn nhất nhưng đề án chưa đề cập đến", ông Long bổ sung.
Vị chuyên gia lấy ví dụ, 1 khách hàng tiêu thụ 200kWh/tháng phải trả 316.000 đồng/tháng, nếu sống thêm với vợ, 2 người dùng 400kWh/tháng và như vậy nếu sống trong hộ 2 người anh phải trả hơn 350.000 đồng/tháng. Số người trong hộ càng nhiều thì tính trên đầu người càng nhiều. Điểm này cần nghiên cứu đưa ra quy định tách công tơ, trung bình 4 người có thể tách công tơ để không có sự bất công, chênh lệch.