06:41 18/08/2010

Đề xuất tăng viện phí: "Sẽ tiếp tục điều chỉnh"

Thúy Hằng

Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) nói về những vấn đề được dư luận quan tâm xung quanh đề xuất khung giá viện phí mới

Viện phí tăng, chất lượng khám chữa bệnh có tăng?
Viện phí tăng, chất lượng khám chữa bệnh có tăng?
Chiều 17/8, tại hội thảo đại biểu dân cử khu vực đồng bằng sông Hồng với chính sách y tế, vấn đề viện phí vốn đang rất nóng với đề xuất điều chỉnh tăng lại trở thành tâm điểm.

Bên lề hoạt động này, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) đã lý giải cặn kẽ hơn nhiều vấn đề được dư luận quan tâm xung quanh khung giá viện phí mới.

Thưa ông, điều khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi chính là căn cứ thuyết phục để Bộ Y tế đề xuất mức tăng giá 350 dịch vụ, trong đó có nhiều dịch vụ tăng tới 7 - 10 lần?

350 dịch vụ này ban hành từ năm 1995, lúc ấy chỉ thu một phần chi phí thực tế thôi. Ví dụ chi phí hết 10.000 đồng thì bệnh viện chỉ thu có 3.000 đồng. Bây giờ phải tính đủ chi phí trực tiếp thực hiện dịch vụ ấy nên phải tăng.

Có mấy lý do tăng, thứ nhất là do giá điện, nước, xăng dầu tăng làm cho chi phí bệnh viện tăng. Tôi lấy ví dụ một bệnh viện tuyến huyện: một ngày khám được 200 người bệnh mà chỉ thu 2.000 đồng - 3.000 đồng/người, tức là chỉ thu được 400 - 600.000 đồng.

Bệnh viện đó có 150 giường bệnh, một người bệnh ở tuyến huyện phải trả 5000 đồng thì được có 750.000 đồng. Như vậy cả khám bệnh lẫn thu tiền giường chỉ 1,1 triệu đồng/ngày thì làm sao đủ trang trải chi phí được.

Nhưng thưa ông, đã có ngân sách bù đắp một phần rồi?

Ngân sách chỉ đủ trả tiền lương, nhiều nơi còn chưa đủ tiền lương, còn toàn bộ tiền xăng, tiền điện, tiền nước, bông băng, cồn, gạc… bệnh viện chi rất nhiều chứ. Bây giờ là tiền xử lý chất thải nữa, Bộ Y tế tính bình quân ra cũng phải hơn chục nghìn đồng một giường bệnh rồi, nên bắt buộc phải tăng tiền khám bệnh và tiền giường điều trị lên.

Thứ hai là trước kia dùng kỹ thuật thủ công, giờ dùng máy móc hiện đại thì tất nhiên cùng tên dịch vụ đó nhưng mà hóa chất, vật tư khác hẳn nên phải điều chỉnh cho phù hợp.

Từ ý kiến người dân và phản biện xã hội, liệu Bộ Y tế có xem xét điều chỉnh giảm khung viện phí so với đề xuất ban đầu không, thưa ông?

Bộ Y tế mới đang tổng hợp lại ý kiến của các bệnh viện, của các đơn vị, địa phương, trên cơ sở đó sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất mức cụ thể.

Mức xin ý kiến các đơn vị chỉ là dự thảo ban đầu thôi, sẽ có điều chỉnh trên cơ sở phù hợp nhất sau khi Bộ Y tế lập hội đồng thẩm định. Ngay từ đầu Bộ Y tế đã có kế hoạch thành lập hội đồng thẩm định gồm các giáo sư, bác sỹ đầu ngành để xem quy trình bệnh này như thế nào, dịch vụ kia như thế nào, chi phí như thế nào thì hợp lý nhất…sẽ có điều chỉnh cho phù hợp.

Vậy khi nào hội đồng này sẽ được thành lập?

Khi nào Bộ Y tế lấy hết ý kiến các bệnh viện thì sẽ làm tiếp bước đấy.

Hiện nay, theo khảo sát ở các bệnh viện thì các dịch vụ khám chữa bệnh đã tăng giá lên rất nhiều so với khung giá quy định rồi?

Đừng nói ở các bệnh viện Trung ương mà bệnh viện Hà Nội và các tỉnh cũng thu rất đúng khung giá do Bộ Y tế quy định và Chủ tịch UBND tỉnh duyệt, không “ông” nào vượt rào cả, nếu có chỉ là khám chữa bệnh theo yêu cầu thôi.

Khi đề xuất tăng giá viện phí, Bộ Y tế đã tính đến tác động tới tất cả các đối tượng người dân, đặc biệt là người nghèo trong xã hội chưa, thưa ông?

Với người nghèo thì chỉ phải thanh toán 5%, còn 95% được bảo hiểm thanh toán. Hiện Bộ Y tế đang sửa quy định 139, nếu trường hợp người nghèo mà không thể nộp được 5% thì sẽ có các quỹ khác hỗ trợ. Người nào có điều kiện nộp thì phải nộp bình thường.

Với nhóm cận nghèo thì Chính phủ cũng đã có quy định rồi, Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, số còn lại người ta bỏ ra. Bộ Y tế cũng đã có một số dự án hỗ trợ người cận nghèo để huy động thêm nguồn ODA để hỗ trợ nhóm cận nghèo tới 80% rồi, họ chỉ có phải bỏ ra 20% nữa thôi.

Ông suy nghĩ thế nào trước một vấn đề  khiến dư luận hết sức băn khoăn  là chất lượng khám chữa bệnh liệu có tăng tương xứng với mức tăng của viện phí hay không?

Để tăng chất lượng khám chữa bệnh thì ngành y tế đang triển khai nhiều biện pháp như tăng cường chất lượng đào tạo nhân lực, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chỉ đạo các bệnh viện đầu tư nâng cấp để các buồng bệnh khang trang hơn. Rồi triển khai một số vấn đề liên quan đến y đức…

Chúng tôi nghĩ rằng triển khai đồng loạt các vấn đề trên thì chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng lên.